Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
TCCSĐT - Ngày 18-01, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
* Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả toàn diện, nhiều mặt rõ nét của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã góp phần quan trọng cùng Chính phủ hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2018. Trong đó, nhiều lĩnh vực có đóng góp trực tiếp, gián tiếp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nhắc đến câu chuyện về đào tạo nhân lực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yếu tố quan trọng đầu tiên phải có để thực hiện cuộc cách mạng này là phải có nguồn nhân lực tốt”. Theo Phó Thủ tướng, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tốt, rất đáng mừng. Nhớ lại thời điểm năm 2013 - 2016, giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển sinh được khoảng 50% - 60%, tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối giáo dục nghề nghiệp đã đạt 100%. Năm 2018 đã vượt chỉ tiêu 5%. Nhìn số liệu qua từng năm có thể thấy, đây là tiến bộ vượt bậc. Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tới đây cần làm tốt công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp, tiến tới triển khai tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn. Do đó, câu chuyện về đào tạo nhân lực là điểm nhấn quan trọng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung triển khai trong năm 2019 và trong những năm sắp tới. “Phải chuẩn bị lao động cho mình tốt để có thể đi làm việc ở những ngành, nghề khó nhất và có được mức thu nhập cao nhất. Tới đây, có thể nghiên cứu thí điểm một vài mô hình kết nối lao động đi xuất khẩu về nước với thu hút đầu tư” - Phó Thủ tướng nói.
Cùng với nhiệm vụ đào tào nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các nhiệm vụ công tác của ngành trong năm 2019, phấn đấu làm sao để kết quả năm 2019 cao hơn năm 2018.
Năm 2019, kiên định với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện.
Ngành phấn đấu đạt mục tiêu đề ra: “Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội”. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24% - 24,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%...
Năm 2018, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới so với năm 2017, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhiệm vụ của ngành đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2017. Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, ước tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người (đạt 100,5% kế hoạch). Ước khoảng 1,648 triệu người được tạo việc làm (đạt 103,1% kế hoạch); trong đó, 1,506 triệu người có việc làm trong nước; trên 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cao nhất từ trước đến nay. Ngành triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, cả nước có 14,724 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ước cuối năm 2018, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương cho thấy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm trên 5% so với cuối năm 2017). Ước 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 83% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng; 88% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...
Ngành đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh, đạt 56,07% (60/107 điều kiện); cắt giảm và đơn giản hóa 19/32 sản phẩm hàng hóa, đạt 59,37% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao).
Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác lao động, thương binh và xã hội. Cụ thể, việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững; vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội gây dư luận không tốt trong xã hội.
** Công tác đổi mới, sắp xếp, nhất là công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, một số bộ, ngành có vướng mắc, một số địa phương trọng điểm chưa tiến hành được lộ trình này. Đánh giá trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2018 và bàn thảo về nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm 2018, số tiền thu được từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước đạt trên 24 nghìn tỷ đồng, gấp 4,67 lần số tiền thu được từ việc bán cổ phần lần đầu năm 2017, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Ba năm đầu của giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với thực hiện cùng kỳ của giai đoạn 2011 - 2015 với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.800 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt trên 210.300 tỷ đồng, gấp 2,69 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011 - 2015.
Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, có 2/6 nhà máy trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, nay bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung, 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn (Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS).
Trong số 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament. Hai dự án còn lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã xử lý xong các khâu liên quan, sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.
Báo cáo thêm tại cuộc họp, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN tiếp nhận Công ty DQS từ Vinashin, doanh nghiệp này hoạt động cầm chừng, PVN đã hỗ trợ nhiều nhưng do khối lượng công việc giảm, tổng mức đầu tư lớn nên nếu tính đúng, tính đủ khấu hao thì lỗ. PVN đã trình đề án trong trường hợp nếu không thể tiếp tục được, không thể lựa chọn các đối tác khách hàng để bán bớt, chuyển giao sẽ phải xin phá sản vì rất khó để duy trì hoạt động của đơn vị này. Trước đây, tổng mức đầu tư của DQS là khoảng 5.780 tỷ đồng nhưng thực tế số tài sản đưa vào khai khác sử dụng chỉ hơn 2.000 tỷ đồng.
Các dự án yếu kém như PVTex Đình Vũ hiện mới chỉ khởi động được 3 dây chuyền, dự kiến sang năm tiếp tục tăng lên 15 dây chuyền, về lâu dài, vận hành ổn định sẽ phải chuyển giao. Dự án Ethanol Phú Thọ hiện Cơ quan An ninh Điều tra đang làm việc, dự án này rất khó thực hiện. Riêng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, thời gian qua, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã hoàn thành việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và vận hành thương mại trở lại. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động thường xuyên liên tục, việc sản xuất nhiên liệu sinh học phải có sự chỉ đạo của Chính phủ.
Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo PVN giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính của dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Các bộ, cơ quan, tập đoàn chịu trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ những ý kiến đã chỉ đạo của Chính phủ, gây hậu quả thì phải xem xét trách nhiệm.
Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây, theo quy định, việc thoái vốn vừa phải bảo toàn vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng cũng phải bảo toàn vốn nhà nước nên khó thoái vốn. Từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ đề cập đến việc thoái vốn bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích nhà nước chứ không phải bảo toàn vốn nên có những trường hợp dưới mệnh giá vẫn có thể thoái được. Vận hành lại, cơ cấu lại các dự án thua lỗ, yếu kém trước khi thoái vốn, cổ phần hóa. Những trường hợp có thể khắc phục, cổ phần hóa được mà bán non, thiệt hại lợi ích sẽ không làm. Những trường hợp đặc biệt thua lỗ kéo dài, chết lâm sàng từ lâu phải thoái ra để cắt lỗ. “Luật pháp có rồi, chúng ta làm đúng luật thôi. Phải đúng vai và thuộc bài, quán triệt kỹ mà làm”, Phó Thủ tướng nói.
Đánh giá 3 năm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, điểm nổi bật là đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, một mặt vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm công tác này ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước hơn, hỗ trợ tích cực cho công tác phát triển doanh nghiệp. Thủ tướng, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn; từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ bản hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Ba năm qua cho đến nay chưa phát hiện có gian lận, vi phạm pháp luật lớn phải xử lý, mặc dù lĩnh vực này hết sức phức tạp và nhạy cảm. Những sai phạm mà chúng ta đang xử lý là tích tụ từ nhiều giai đoạn trước đây, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty rất trách nhiệm, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao. Cho đến nay, qua thanh tra kiểm tra, chưa phát hiện các vấn đề như lợi ích nhóm, sân sau, không công khai, minh bạch. Việc bán vốn một số doanh nghiệp lớn thành công, hàng trăm nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, cổ phiếu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra các tồn tại là tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, năm 2018, phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, trong đó, một số bộ, ngành, địa phương, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải trình điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với tình hình thực tế và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ. Đến nay mới cổ phần hóa được 32 doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm. Năm 2017 mới thoái vốn được 17/135 doanh nghiệp và con số thoái vốn của 2018 mới là 52/181 doanh nghiệp.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn cổ phần hóa còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới… Chế độ báo cáo, công khai, minh bạch cung cấp thông tin và xử lý trách nhiệm chưa được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.
Nhấn mạnh phương châm chỉ đạo năm 2019 là bứt phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của đất nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình thực hiện, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu và cơ quan liên quan để chậm trễ, trì trệ. Quán triệt nhuần nhuyễn các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chương trình hành đồng, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng, kết luận của Ban Chỉ đạo.
Về nhiệm vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định, điều chỉnh cho phù hợp với tinh hình thực tế, làm cơ sở triển khai, hoàn thành trong hai năm còn lại của kế hoạch (năm 2019 và 2020); kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện. Hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai, tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với các Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam  (19/01/2019)
Phó Chủ tịch nước dự Lễ trao các danh hiệu vinh dự Nhà nước tại Hưng Yên  (19/01/2019)
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng  (19/01/2019)
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng  (19/01/2019)
Bộ Quốc phòng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào  (18/01/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên