Quan điểm của Việt Nam về thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và kết nối ASEAN*
Sáng 7-5, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 18 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị thủ đô Gia-các-ta (Jakarta) của In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN. Trong phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu nêu bật những quan điểm của Việt Nam về thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và kết nối ASEAN.
Tạp chí Cộng sản điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
"Tôi xin chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị thân tình và đánh giá cao bài phát biểu của Ngài Tổng thống In-đô-nê-xi-a, nước Chủ tịch ASEAN 2011. Tôi xin đề cập ý kiến của mình cả về 2 chủ đề.
Thứ nhất, về tình hình thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong năm 2010, chúng ta đã đẩy mạnh triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với những biện pháp cụ thể, và đã đạt được một số tiến bộ đáng khích lệ. Thời gian từ nay đến 2015 không còn nhiều, đòi hỏi chúng ta cần quyết tâm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này.
Chúng ta cần xác định các ưu tiên chủ chốt và mục tiêu cụ thể cho từng năm, chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm triển khai trong mỗi lĩnh vực; đồng thời tăng cường công tác điều phối giữa các cơ quan trong từng trụ cột và giữa ba trụ cột.
Chúng ta cũng cần thăm dò nhiều phương cách khác nhau trong thu hút tài trợ, bởi việc huy động nguồn lực có ý nghĩa then chốt đối với thành công của việc triển khai các Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch công tác.
Để bảo đảm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, chúng ta cần tiếp tục ưu tiên tăng cường hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2.
Đối với trụ cột Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC):
Việt Nam hoan nghênh các kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể thực hiện Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC). Chúng tôi nhất trí cần tiến hành kiểm điểm quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể trong 2 năm vừa qua, từ đó xác định các ưu tiên và phương hướng phù hợp để thực hiện trong thời gian tới;
Việt Nam cho rằng điều quan trọng là cần tiếp tục phát huy các công cụ chính trị - an ninh hiện có của ASEAN, trong đó có Hiệp ước thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)... cũng như tiếp tục xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Đặc biệt, chúng ta cần cùng nhau thực hiện nhất quán là phải giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình, trên tinh thần hữu nghị theo Hiến chương ASEAN và các chuẩn mực luật pháp quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, quản lý thiên tai và cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ trên biển. Chúng ta cần chỉ đạo để triển khai hiệu quả Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó khẩn cấp và Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm người và tàu thuyền bị nạn trên biển. Đề nghị giao các Bộ trưởng và quan chức cao cấp bàn để triển khai cụ thể.
Đối với trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC):
Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng kinh tế ASEAN đã đạt nhiều tiến triển quan trọng nhưng nhìn chung vẫn còn chậm. Do vậy ASEAN cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để có thể cơ bản hoàn thành xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào 2015 theo các tiêu chí đã đề ra.
Tôi tán thành đề xuất của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) về những ưu tiên hướng tới 2015 và về việc thời gian tới ASEAN cần tập trung ưu tiên cho nội dung “Hướng tới một khu vực kinh tế cân bằng”. Theo đó, việc đánh giá mức độ thực hiện của từng nước cũng cần dựa trên yếu tố này để có các đánh giá thực sự về chất lượng thực hiện cam kết. Đồng thời, ASEAN cần tập trung thực hiện việc thu hẹp khoảng cách phát triển và đưa nội dung này vào tất cả các chương trình/kế hoạch công tác của các lĩnh vực chuyên ngành.
Song song với tiến trình thực thi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN cũng cần sớm định hình bước tiếp theo của liên kết kinh tế ASEAN sau 2015, cho phép ASEAN có thể vừa hội nhập một cách năng động và linh hoạt, vừa hướng đến một liên kết mạnh mẽ hơn với các biện pháp ở trình độ cao hơn. Tôi đề nghị giao các Bộ trưởng kinh tế nghiên cứu đề xuất các phương án khả thi để chúng ta xem xét trong năm tới.
Đối với trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC):
Chúng ta ghi nhận những kết quả quan trọng và đáng khích lệ đã đạt được, nhưng rõ ràng còn nhiều việc cần phải làm để hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN vào năm 2015.
Thứ nhất, cần tiếp tục xác định những lĩnh vực ưu tiên và lộ trình triển khai, đặc biệt phát huy và kết nối những lĩnh vực đã được xác định từ những năm trước.
Thứ hai, cần đẩy nhanh việc hoàn thành cơ chế và hệ thống đánh giá và giám sát việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC) để đưa vào áp dụng vào đầu năm 2012 nhằm có sự đánh giá chính xác hơn về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thứ tư, về Kết nối ASEAN, Việt Nam cho rằng việc thực thi Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN cần được đặt là một trong các ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN và đây sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết vào năm 2015.
Tôi hoan nghênh kết quả chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch kết nối ASEAN kể từ khi được thông qua tại dịp Cấp cao ASEAN 17 (tháng 10-2010), trong đó có việc thành lập Ủy ban điều phối về liên kết ASEAN (ACCC). Để thúc đẩy việc thực thi trên, tôi đề nghị chúng ta cần thực hiện một số việc như sau:
Một là, ASEAN cần quyết tâm thực hiện những cam kết trên cả cấp độ khu vực và quốc gia, đặc biệt là các dự án trọng điểm và ưu tiên nhằm tăng cường kết nối ASEAN cả về hạ tầng, thể chế và người dân; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án như xây dựng mạng lưới đường bộ ASEAN hay tuyến đường sắt Xinh-ga-po - Côn Minh;
Hai là, triển khai hiệu quả các cam kết về xóa bỏ và hạn chế đến mức tối đa những rào cản về giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và giao lưu con người. Tôi cho rằng việc thực thi các biện pháp này không đòi hỏi quá nhiều vốn và sẽ khả thi nếu chúng ta cùng có quyết tâm chính trị cao. Trước mắt có thể giao các quan chức nghiên cứu khả năng triển khai Thẻ đi lại ASEAN (ASEAN Travel Cards) cho công dân ASEAN, cửa nhập cảnh, xuất cảnh cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu.
* Đầu đề do Tạp chí Cộng sản điện tử chọn.
Ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại các địa phương  (07/05/2011)
Khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao ASEAN 18  (07/05/2011)
Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sẽ ra sao trong thời kỳ “hậu Ô-xa-ma Bin La-đen”  (07/05/2011)
Triển khai dự án “Truyền thông nhằm thúc đẩy việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”  (07/05/2011)
Phiên họp thứ tư Hội đồng Bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016  (06/05/2011)
Phải chăng là tự gây nên “gió” để tiện bẻ “măng”?  (06/05/2011)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên