Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội cần gần 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển đô thị, trong đó khoảng hơn 150.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, cấp thiết như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, các dự án xử lý môi trường…

Trong bối cảnh chi từ ngân sách có hạn, thu hút vốn tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) được Thành phố xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng.

Cởi mở mời gọi nhà đầu tư

Năm 2017, thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư 160 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách khoảng 110.000 tỷ đồng; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng; 99 dự án đang làm thủ tục, tổng vốn đầu tư 287.949 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 đơn vị (tăng 11%), vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%) nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 231.922.

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của siêu đô thị như Hà Nội, lãnh đạo Thành phố đã xác định phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác đầu tư và phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trong mấy năm qua, Hà Nội luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư bằng nhiều hình thức, góp phần tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư theo hình thức PPP, chính quyền Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, lập Tổ công tác liên ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc nhưng quá trình thực hiện vẫn rất chậm so với tiến độ đề ra.

Thực tế, trước lời mời gọi đầu tư của Hà Nội, một số ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, họ nhìn thấy nhiều tiềm năng, cơ hội khi đầu tư vào Hà Nội nhưng điều nhà đầu tư vướng mắc quy định hiện hành phải qua nhiều trình tự thủ tục, thời gian kéo dài và phức tạp. Mặc dù đã có Nghị định 15/2015/NĐ-CP, của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, nhưng khi triển khai, doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... và các thông tư hướng dẫn liên quan, cho nên thủ tục hành chính vẫn còn mất nhiều thời gian, trong khi các dự án PPP có vốn lớn, cần triển khai nhanh... Hơn nữa, hình thức đầu tư PPP hiện chỉ được điều chỉnh ở mức nghị định khiến các nhà đầu tư quan ngại về tính ổn định của chính sách.

Áp dụng cơ chế đặc thù

Để rút ngắn thời gian chuẩn bị, sớm triển khai đầu tư các dự án PPP, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7-2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất một loạt dự án PPP theo cơ chế đặc thù. Trong đó, ngoài 5 dự án cầu qua sông Hồng và khép kín đường vành đai đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 01-2017, Hà Nội xin bổ sung thêm 12 cụm dự án giao thông mới, 4 dự án môi trường dân sinh, đầu tư theo hình thức BT hoặc BT kết hợp BOT với tổng mức đầu tư khoảng 136.521 tỷ đồng.

Trước đề xuất của Hà Nội, tại Thông báo số 03/2018/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26, Luật Đấu thầu, với từng dự án cụ thể, thành phố Hà Nội chủ động quyết định ủy quyền theo thẩm quyền. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Với cơ chế này, quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP hạ tầng giao thông - đô thị do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể rút ngắn được khoảng 45 - 100 ngày.

Thành phố cam kết, việc thực hiện cơ chế đặc thù vẫn bảo đảm trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế tối đa trình trạng thất thoát hay một cơ chế kiểu xin - cho trong đấu thầu. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, ngoài yếu tố năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm như ở bất cứ dự án PPP nào, nhà đầu tư phải cam kết ứng trước vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng và triển khai ngay việc đầu tư khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cam kết bố trí quỹ đất đối ứng. Các nhà đầu tư cũng phải cam kết ứng trước kinh phí để lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời có cam kết thời hạn thực hiện dự án cụ thể./.

 “Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Việc được trao cơ chế đặc thù cho Hà Nội sẽ rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ gọi vốn triển khai các dự án để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông hoặc xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là để Hà Nội tăng tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm thẩm quyền, là cơ sở để loại các nhà đầu tư không có năng lực thực sự”. - Chuyên gia Võ Trí Thành