Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hàn Quốc
TCCSĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 06-12, tại thủ đô Seoul, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Hữu nghị cho Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc; chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc.
* Dự buổi lễ có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc Trần Văn Túy; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú.
Về phía Hàn Quốc có Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt KVA tại Gwangju, cố vấn Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt KOVECA tại Seoul; Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam Choi Young Joo; Chủ tịch Hội Kinh tế văn hóa Hàn - Việt Kwak Young Gil; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon.
Phát biểu tại lễ trao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo mục đích chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trong 26 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cùng với quan hệ chính trị, các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa… cũng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trong thành công đó có sự đóng góp rất lớn của các nhân sỹ, trí thức và các tổ chức hữu nghị và cá nhân giáo sư Ahn Kyong Hwan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao giáo sư Ahn Kyong Hwan về những đóng góp lớn trong việc dịch thuật những cuốn sách của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc, trong đó có “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Những ngày tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… để giới thiệu tới đông đảo người dân Hàn Quốc, giúp độc giả Hàn Quốc hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đóng góp của các Anh hùng liệt sỹ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; về nền văn hóa, văn chương của Việt Nam...
Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm về văn hóa Việt Nam, về Biển Đông… Mặc dù Hội nghiên cứu Việt Nam học còn nhiều khó khăn nhưng Giáo sư Ahn Kyong Hwan rất tích cực thúc đẩy các hoạt động của hội. Việc trao Huân chương Hữu nghị tặng giáo sư Ahn Kyong Hwan thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Nhà nước Việt Nam về những đóng góp tích cực của Giáo sư trong phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn và mong Giáo sư Ahn Kyong Hwan sẽ tiếp tục những công việc đang làm để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, có những đóng góp mới trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam học.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ cảm ơn Hội Kinh tế văn hóa Hàn - Việt, cá nhân Chủ tịch Hội Kinh tế văn hóa Hàn - Việt Kwak Young Gil nhiều năm nay đã hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong Hội Kinh tế văn hóa Hàn - Việt tiếp tục hỗ trợ các chương trình dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Hội nghiên cứu Việt Nam học có những hoạt động thiết thực tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Nhấn mạnh rằng bên cạnh ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân là kênh rất quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân. Vì thế, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này, bên cạnh các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, hoạt động tại địa phương, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam còn có những hoạt động góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam - Hàn Quốc.
Về phần mình, Giáo sư Ahn Kyong Hwan cho biết ông đã có 44 năm gắn bó với Việt Nam, đã dịch hầu hết tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc. Cuốn sách đầu tiên được Giáo sư Ahn Kyong Hwan dịch sáng tiếng Hàn là “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc dịch cuốn sách này đã giúp Giáo sư hiểu hơn về tinh thần yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư Ahn Kyong Hwan khẳng định: “Tinh thần đó giờ vẫn còn thấm đẫm trong tâm hồn tôi”.
Giáo sư chia sẻ vào năm 2005, Chủ tịch nước khi đó Trần Đức Lương sang thăm Busan, phía Hàn Quốc đã xây “khu quảng trường Việt Nam”. Khu quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Busan, thể hiện tình cảm của người dân Busan dành cho Việt Nam. Theo Giáo sư Ahn, không chỉ có quảng trường Việt Nam tại trung tâm thành phố Busan, trong trái tim của mỗi người dân Hàn Quốc cũng đều có “quảng trường” dành cho Việt Nam. Giáo sư Ahn Kyong Hwan bày tỏ xúc động khi nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam. Ông cho biết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục… giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.
** Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo về chương trình hành động hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.
Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong nỗ lực đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11-2017.
Chương trình hành động này vạch ra những hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên. Theo đó, từ nay đến năm 2020 tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện - phụ tùng, ôtô, dệt may và da giày, điện tử; tạo thuận lợi thương mại cho thương mại nông sản thông qua việc thành lập nhóm công tác bốn bên giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc và các bộ liên quan của hai bên; đào tạo nâng cao năng lực hoạch định chính sách thương mại cho cán bộ của Việt Nam cũng như đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chuyên gia và lao động kỹ thuật của Việt Nam trong các ngành công nghiệp cơ bản…
Sau lễ ký, Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh và người đồng cấp Hàn Quốc đã đồng chủ trì phiên họp giữa kỳ của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Tại phiên họp, hai bên đã rà soát tình hình hợp tác song phương kể từ kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc tháng 02-2018 và hài lòng nhận thấy hầu hết các nội dung cam kết trong biên bản kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp đều đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Về khuôn khổ pháp lý, hai bộ đã thống nhất và hoàn thành ký kết MOU về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, MOU hợp tác trong lĩnh vực ôtô, MOU về hợp tác trong lĩnh vực dệt may và da giày, MOU hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, MOU hợp tác trong lĩnh vực điện lực, MOU hợp tác về phòng vệ thương mại, MOU hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, MOU về chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.
Về đào tạo, riêng trong năm 2018, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc đã hỗ trợ thực hiện hơn 20 khóa đào tạo cho Việt Nam gồm các khóa đào tạo về chính sách thương mại, về phân phối bán lẻ, về kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, về kỹ thuật sản xuất trong lĩnh vực: ôtô, cơ khí/kim loại, điện/điện tử, dệt may…
Trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, Hàn Quốc đã hoàn thành và chuyển giao dự án Vườn ươm công nghệ cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; phê duyệt kinh phí ODA cho dự án Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK); phối hợp với Bộ Công Thương điều tra, sơ bộ đánh giá được nhu cầu cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các công ty Hàn Quốc lớn tại Việt Nam; lập danh sách các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khảo sát tìm kiếm, lập danh sách doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục trên để phục vụ hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, ôtô để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác thiết kế, hai bên đã hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội.
Dự án có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của thị trường Hàn Quốc cũng như các thị trường xuất khẩu khó tính khác.
Để đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí nguyên tắc chung, đó là Chính phủ hai bên cần hoàn thiện chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh; củng cố cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại hai nước; cần nghiên cứu phát triển những lĩnh vực mới trong thương mại, công nghiệp và năng lượng./.
Cùng VietinBank an tâm tích lũy hưởng sức khỏe vàng  (06/12/2018)
Một số vấn đề đặt ra với thực hành dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay  (06/12/2018)
Một số vấn đề đặt ra với thực hành dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay  (06/12/2018)
Giáo dục luôn là ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ  (05/12/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay