TCCSĐT - Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định 05 “trụ cột” và tập trung chỉ đạo phát triển là: (1) Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; (2) Năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí; (3) Phát triển du lịch; (4) Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Năm trụ cột này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc đưa Bạc Liêu vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bước chuyển mình với 05 “trụ cột”

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, trong 22 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, có 17 chỉ tiêu được xác định đạt và vượt theo tiến độ, 05 chỉ tiêu gần đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh 03 năm 2016 - 2018 đạt 6,5% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 6,5% - 7%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; GRDP bình quân đầu người đạt 42,08 triệu đồng/người, tốc độ tăng bình quân là 9,87%/năm (đạt 77,4% chỉ tiêu Nghị quyết); thu ngân sách trong cân đối tăng bình quân 03 năm 2016 - 2018 đạt 12,6% (chỉ tiêu Nghị quyết là 7,5%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 18.049 tỷ đồng (chỉ tiêu Nghị quyết 19.150 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân (2016 - 2018) là 3,5% (chỉ tiêu Nghị quyết là giảm bình quân hàng năm 2%);...

Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo hộ, góp phần nâng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm, thủy sản (theo giá năm 2010) lên 10.595 tỷ đồng, bình quân tăng 3,5%/năm. Công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng năng suất và giá trị gia tăng cao được xác định là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nuôi trồng thủy sản. Trong sản xuất lúa, tỉnh chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu giống lúa và sử dụng lúa giống chất lượng cao, sản lượng lúa hằng năm đều tăng. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định; công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng khá tốt; diện tích sản xuất, sản lượng muối ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Hoạt động thương mại và dịch vụ và du lịch phát triển khá, thị trường sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước năm 2018 đạt 606 triệu USD (đạt 77,19% chỉ tiêu Nghị quyết), tăng bình quân 10,63%/năm. Trong lĩnh vực du lịch, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tín ngưỡng từng bước được đầu tư, mở rộng. Bạc Liêu hiện có 08 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu; tổng doanh thu du lịch tăng 16,07%/năm.

Việc triển khai các dự án động lực; phát triển công nghiệp và xây dựng đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành hai giai đoạn (62 trụ tuôc - bin, với công suất 99,2 MW) và đang đầu tư giai đoạn 3 (71 trụ tuôc - bin, công suất 142MW). Toàn tỉnh có 22 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với quy mô khá lớn và dây chuyền thiết bị hiện đại, tổng công suất 125.000 tấn/năm; đã hoàn thành 4 dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2020. Công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô sản xuất được mở rộng, các doanh nghiệp chú trọng cải tiến, đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hơn 2 năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức trên 20 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”; đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nghiên cứu, cam kết đầu tư cho 17 dự án và ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng. Gần 03 năm qua, có hơn 400 lượt nhà đầu tư đã đến Bạc Liêu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo.

Tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển hài hoà giữa đô thị và nông thôn. Tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới; xây dựng 140 mô hình sản xuất hiệu quả; đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa 2.200 tuyến đường giao thông nông thôn, 2.706 cây cầu. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia; với tổng vốn đầu tư là hơn 10.646 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, ước toàn tỉnh có 22 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 40,9%; 12 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 15 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Huyện Phước Long đã được Trung ương công nhận là huyện nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội; công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bạc Liêu 02 năm liền đứng thứ hạng cao so với cả nước (năm 2017 đứng thứ 10 và năm 2018 đứng thứ 7 trong tổng số tỉnh, thành phố trong cả nước). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên; việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được phân tuyến phù hợp, thuận lợi cho người dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đạt 83,5% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 75%). Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng thông thôn mới thực hiện đạt kết quả khả quan. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 5%, bình quân giảm 3,5%/năm (chỉ tiêu nghị quyết là 2%).

Nhận diện những hạn chế, yếu kém

Tuy đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng còn một số hạn chế, yếu kém. Đó là:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa tạo được sự bứt phá về phát triển kinh tế. Quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số công trình, dự án động lực đã xác định trong Nghị quyết triển khai chậm.

- Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng phục vụ du lịch còn thấp; dịch vụ du lịch phát triển chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực du lịch vẫn còn yếu và thiếu;... Việc xây dựng các thiết chế văn hóa xã chưa đồng bộ, một số nơi thiết chế văn hóa hoạt động yếu kém.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; số lao động có kỹ thuật đang làm việc không theo kịp yêu cầu phát triển; giải quyết việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo tuy đạt kết quả khá tốt song chưa bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao.

- Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị; việc triển khai, phổ biến một số chủ trương, nghị quyết đến nhân dân còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng lúc, từng nơi, nhất là ở cơ sở, còn nhiều hạn chế.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, đáng lưu ý là một số nguyên nhân chủ quan sau:

Các chương trình, kế hoạch hành động, các giải pháp và chính sách được ban hành khá đồng bộ, nhưng một số địa phương, đơn vị chậm triển khai thực hiện, có đơn vị tổ chức thực hiện chưa nghiêm, thiếu khâu kiểm tra, tổng kết đánh giá tình hình.

Năng lực cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh thành mục tiêu, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp còn nhiều hạn chế. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chậm đổi mới; một số cấp ủy thiếu quan tâm đến công tác vận động quần chúng.

Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo chưa sâu sát, thiếu chủ động, sáng tạo; công tác dự báo tình hình chưa thực hiện thường xuyên; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi lúc chưa chặt chẽ.

Trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, tinh thần trách nhiệm với công việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa cao ảnh hưởng chất lượng điều hành của bộ máy.

Những giải pháp tạo đột phá để vươn lên thành tỉnh khá

Để phát huy những kết quả đã đạt được, sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém, quyết tâm đưa Bạc Liêu vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (ngày 27 và 28-9-2018), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ:

Một là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án kinh tế động lực: Tập trung xây dựng các dự án điện gió khu vực ven biển để đóng góp tích cực vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đẩy nhanh triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Điện khí thiên nhiên hóa lỏng (khí LNG) theo tiến độ đề ra; tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng, bến cá, cụm kinh tế kỹ thuật Gành Hào; các nhà máy chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu xây dựng hạ tầng - kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp của tỉnh;...

Hai là, đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi trồng, sản xuất ứng dụng công nghệ cao: Tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tập trung phát triển sản xuất có hiệu quả trên cả 02 vùng phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A; tiếp tục phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh. Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo xuất khẩu.

Ba là, phát triển mạnh kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản; quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu… Quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đóng mới tàu và mua máy có công suất lớn; tổ chức, sắp xếp và có chính sách hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất khai thác, đánh bắt dài ngày trên biển phục tốt yêu cầu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh.

Bốn là, tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch: Xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Tiếp tục nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của các điểm du lịch tiêu biểu đã được công nhận; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ đạo điểm và nhân rộng mô hình xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Phước Long. Xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và từng bước hiện đại, thành phố du lịch, trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Xây dựng thị xã Giá Rai trở thành trung tâm kinh tế, thương mại khu vực và là đô thị vệ tinh của tỉnh; huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu để từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã.

Sáu là, tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng: Quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm các huyện và các xã; hoàn thành các tuyến đường ô tô về trung tâm xã; các dự án chống biến đổi khí hậu và các tuyến giao thông quan trọng và một số công trình hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kết hợp với phát triển giao thông, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Nâng cấp và đầu tư đồng bộ các bệnh viện tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã; thực hiện hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020 và hệ thống điện sinh hoạt nông thôn, điện sản xuất.

Bảy là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020; thực hiện các chính sách thu hút nhân tài về tỉnh công tác; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng phát huy nhân tố con người, đề cao văn hóa, đạo đức trong lãnh đạo, điều hành, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng Bạc Liêu là địa phương mến khách, con người thân thiện, nghĩa tình.

Tám là, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững kết hợp với Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo và tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Đặc biệt phải tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa việc tái nghèo.

Chín là, tăng cường liên kết, hợp tác; thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển. Triển khai thực hiện tốt bản ghi nhớ liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau gồm 4 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang; mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp./.