TCCSĐT - Trái với những dự đoán bi quan trước thềm Hội nghị, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo đạt đồng thuận và ra được Tuyên bố chung. Đây là một thành công của hội nghị khi mà hiện nay giữa các nước đang có quá nhiều sự chia rẽ trong các vấn đề như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư...

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires với sự tham dự của tất cả lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và người đứng đầu các tổ chức quốc tế. G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% kim ngạch thương mại quốc tế.

Nỗ lực của nước chủ nhà Argentina

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã kêu gọi lãnh đạo G20 thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và những động vì lợi ích chung để tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Ông cho rằng những biến động và bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, cũng như ở mỗi nước trong những năm vừa qua đã gây ra những nghi ngờ về các cơ chế đa phương, kể cả G20, đồng thời xuất hiện những căng thẳng giữa các nước liên quan tới cách tiếp cận về các cơ hội và thách thức mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, đối thoại luôn phải là ưu tiên hàng đầu để giải quyết mọi thách thức.

Nhà lãnh đạo Argentina nhất mạnh G20 phải đưa ra được thông điệp đối với thế giới rằng sát cánh cùng nhau các thành viên của nhóm sẽ đánh dấu một chân trời phát triển mới bằng sự chia sẻ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong khác biệt. Theo ông, tất cả cần phải hành động với sự khẩn trương như năm 2008 khi các nhà lãnh đạo G20 lần đầu tiên nhóm họp tại Washington với mong muốn tạo ra một không gian đối thoại giúp giải quyết những hệ quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đó cũng là tinh thần mà các nước cần phải khẳng định lại, điều chỉnh những khác biệt vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Macri khẳng định nghĩa vụ của G20 là phải chứng minh được rằng những thách thức toàn cầu chỉ có thể giải quyết được bằng những giải pháp toàn cầu. Với các vấn đề như biến đổi khí hậu hay tương lai của việc làm, ông đề nghị các nhà lãnh đạo G20 tận dụng các cơ chế sẵn có và thảo luận những biện pháp cần thiết khác.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Argentina cho rằng chính phủ của ông nhận chức Chủ tịch luân phiên của G20 trong năm 2018 vì cho rằng mình có thể đóng góp vào sự hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu.

Hội nghị đạt được đồng thuận, ra được tuyên bố chung

 
 Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) diễn ra tại Argentina trong hai ngày 30-11 và 01-12. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt vô vàn thách thức, khi khủng hoảng suy giảm lòng tin và tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng hơn, xung đột thương mại leo thang, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới… Giới phân tích cho rằng hội nghị G20 lần này là một hội nghị có nhiều rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.

Ngay trước thềm hội nghị, Mỹ dường như bất đồng về mọi vấn đề, song tại hội nghị các bên đã có những cuộc đối thoại tích cực và cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận. Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri khẳng định việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận để ra Tuyên bố chung của hội nghị đã phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đánh giá đây là một chiến thắng của hội nghị khi Mỹ ký vào Tuyên bố chung sau hàng loạt các bất đồng.

Tuyên bố chung đã khẳng định sự đồng thuận của các nước trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các nhà lãnh đạo G20 đã lưu ý về báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động của sự nóng lên của Trái đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Trên cơ sở đó, 19 thành viên G20 (trừ Mỹ) đều nhắc lại cam kết ủng hộ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và khẳng định đây là một cam kết không thể đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù Mỹ vẫn khẳng định quyết tâm rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thì tại hội nghị G20 lần này, chính phủ Mỹ vẫn khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc phát triển kinh tế và năng lượng thông qua sử dụng các nguồn năng lượng và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường.

Đối với vấn đề thương mại toàn cầu, Tuyên bố chung cho biết 20 thành viên G20 ủng hộ thương mại đa phương, đồng thời kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên.

Đối với căng thẳng Mỹ-Trung, tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách làm nhà hòa giải và cố gắng giảm mục tiêu đưa ra trong Tuyên bố chung như tránh sử dụng từ "chủ nghĩa bảo hộ gia tăng".

Đối với vấn đề di cư, Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung ủng hộ người tị nạn và giải quyết các vấn đề khiến người dân các nước đi sơ tán. Tuyên bố cũng thể hiện cam kết ủng hộ các trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc, mặc dù Tổng thống Donald Trump vẫn lên tiếng phản đối một số qui tắc trong trật tự này.

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên. Cùng với đó, hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm chứ không chỉ là một thực tế của công bằng xã hội và phát triển.

Bên cạnh các nội dung chính của hội nghị, các vấn đề như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cuộc xung đột tại Syria, hay việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị G20 lần này. Lãnh đạo Nga và Đức trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận về những căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine ở cấp cố vấn của 4 nước bao gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Trong khi đối với cuộc chiến Syria, lãnh đạo nhiều nước ủng hộ nỗ lực hướng đến việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được về Syria giữa Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 10-2018 vừa qua.

Về vấn đề Triều Tiên, theo Reuters, ngày 01-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông dự kiến gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, và 3 địa điểm tổ chức cuộc gặp này đang được cân nhắc. Trả lời báo giới trên chuyên cơ Không Lực Một trên đường trở về từ Argentina, ông Trump cho hay: "Chúng tôi đang tiến triển rất tốt. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp."

Ông cho biết sẽ mời nhà lãnh đạo Kim tới Mỹ vào thời điểm thích hợp.

Hòa hoãn tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc

Một trong những chủ đề được xem là “nóng” bao trùm tại hội nghị G20 năm nay, đó chính là tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu nhượng bộ từ cả hai phía đang khiến viễn cảnh khơi thông dòng chảy thương mại tự do trở nên khó khăn hơn. Hiện Mỹ đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (gần một nửa tổng số các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc) và thời gian qua Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định Mỹ muốn tiếp tục đánh thuế đối với các mặt hàng còn lại của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Vì vậy, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình bên lề hội nghị lần này.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí hai nước sẽ không áp thuế bổ sung nhằm vào nhau kể từ ngày 01-01-2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%. Theo thỏa thuận, một khi Mỹ ngừng áp thuế bổ sung, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và đồng ý mở cửa thị trường. Hai bên thỏa thuận ngừng áp thuế bổ sung trong một giai đoạn 90 ngày.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý trì hoãn việc tăng thuế lên mức 25% từ mức 10% hiện nay đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc như đã thông báo trước đó. Ngược lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại NXP của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây bị Trung Quốc không thông qua do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Tuy nhiên, nếu trong vòng 90 ngày hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, hai bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% sẽ lên 25%.

Cũng theo tuyên bố trên, Tổng thống Trump hoan nghênh cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình là "hiệu quả". Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tiếp tục đàm phán thương mại và ngừng áp các mức thuế mới sau ngày 01-01-2019, thời điểm Washington dự định áp đặt các mức thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Vương Nghị nhận định thỏa thuận quan trọng nói trên đã thực sự ngăn chặn nguy cơ gia tăng xung đột về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội mới cho hợp tác cùng thắng.

Với những kết quả đạt được trên, nhìn chung dư luận đánh giá Mỹ và Trung Quốc đã gỡ được nút thắt cho G20 và các thị trường trên thế giới. Đánh giá về cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã hoan nghênh đây là một cuộc gặp "hiệu quả". Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu sau buổi họp báo đã nhận định thỏa thuận quan trọng trên đã thực sự ngăn chặn được nguy cơ gia tăng xung đột về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội mới cho hợp tác cùng thắng. Ông Vương Nghị nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc cần cùng nâng cao trách nhiệm đối với hòa bình và sự ổn định của thế giới, và hai nước có nhiều lợi ích chung hơn là những bất đồng.

Các nhà phân tích thì cho rằng, sự nhất trí giữa hai nhà lãnh đạo trong việc ngừng leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn mở ra cơ hội ngừng leo thang nhiều cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia khác trên thế giới vốn đã gây tổn hại đến thị trường toàn cầu và nền kinh tế thế giới trong nhiều tháng qua.

Nhìn chung, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã chính thức khép lại với việc thông qua tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư. Theo giới phân tích, đây là một kết quả khả quan, xét đến bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay./.