Tự do internet ở Việt Nam: Một thực tế không thể phủ nhận
TCCSĐT - Thời gian vừa qua, một số cá nhân, tổ chức quốc tế đã phát tán trên nhiều trang mạng các bài viết rêu rao rằng, ở Việt Nam không có tự do thông tin, tự do internet, chính quyền Việt Nam dùng nhiều biện pháp, trong đó có ban hành văn bản pháp luật để kiểm duyệt việc truy cập internet, đàn áp, bắt giữ các blogger… Đó là những luận điệu xuyên tạc “cũ rích” về tình hình tự do thông tin, tự do internet ở Việt Nam.
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do internet. Đảng ta đã khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước. Mọi công dân Việt Nam được thực hiện các quyền tự do cá nhân trên cơ sở pháp luật. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cá nhân luôn gắn chặt với bảo đảm quyền, nghĩa vụ của cộng đồng.
Cách nay hơn 20 năm, ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin, truyền thông Việt Nam. Những năm qua, nước ta đã tận dụng được tối đa tính năng ưu việt của internet trong xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực xã hội. Nếu những ngày đầu Việt Nam kết nối internet, số người sử dụng chỉ hơn 200.000 người, thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên hơn 31 triệu người và đến năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 50 triệu người. Điều đó cho thấy được sự phát triển như vũ bão của internet ở Việt Nam. Theo Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ internet quốc tế (ICANN) và công ty DAMMIO - We Are Social (Anh), tính đến năm 2017, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 17 thế giới về số lượng người dùng Internet, chiếm gần 53% dân số, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 46 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…), hiện được xếp trong nhóm đứng đầu thế giới về số người sử dụng. Theo kết quả nghiên cứu của Báo Nikkei (Nhật Bản) về tốc độ internet của các nước Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017, đã khẳng định: “Ấn Độ và Việt Nam vượt xa các nước phát triển”; tốc độ sẽ tiếp tục tăng khi Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số. Còn theo báo cáo về tốc độ internet trên toàn cầu năm 2017 của Amakai, công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng phân phối nội dung (CDN) và điện toán đám mây của Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang xếp thứ 58/193 nước trên thế giới, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á, đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng internet. Đặc biệt, ngày 14-5-2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gần và thuận lợi với công dân hơn bằng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, mọi hoạt động của nhà nước được “điện tử hóa”, “mạng hóa”. Đó là cơ sở quan trọng cải cách, đổi mới hoạt động của bộ máy Chính phủ đặc biệt là cải cách hành chính, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư vào Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của internet ở nước ta trong thời gian tới.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg khẳng định, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ internet, là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển internet. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Điều đó thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tận dụng thế mạnh của internet trong xây dựng và phát triển đất nước. Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc công ty Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia đã khẳng định, hiện nay việc tiếp cận internet ở Việt Nam rất dễ dàng và giá cả phù hợp, Chính phủ và các doanh nghiệp viễn thông đang có những hướng đi đúng đắn và bền vững. Có thể khẳng định rằng, internet, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; đã trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân… Tất cả những điều đó cho thấy bảo đảm tự do internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở nước ta.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, việc thực hiện quyền tự do internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Điển hình như: Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Nhằm thực hiện những quy tắc về bảo vệ quyền riêng tư của công dân; tháng 10-2016, 28 cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia ở châu Âu đã yêu cầu Facebook chấm dứt ngay việc chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân của các công dân ở các quốc gia này trên ứng dụng WhatsApp, buộc Facebook phải dừng ngay dịch vụ này tại châu Âu. Năm 2017, Ủy ban châu Âu (EU) cũng đã yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh ngay các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Không chỉ ở châu Âu, nhiều nước châu Phi và Trung Quốc đã nghiêm cấm Facebook triển khai dịch vụ ở các nước này. Riêng ở Trung Quốc, Chính phủ nước này đã chặn toàn bộ các mạng xã hội, trong đó có Facebook, Google nhằm ngăn chặn người dùng truy cập các trang web đồi trụy hoặc có nội dung nhằm mục đích chính trị. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chặn các trang web có nội dung vi phạm luật an ninh, hoặc có nội dung khiêu dâm. Ở Thái Lan, Chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Line và Twitter. Ngay ở Mỹ, quốc gia tự cho mình là “đất nước tự do”, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay là vi phạm sở hữu trí tuệ...
Là nước có tốc độ phát triển internet mạnh mẽ, đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia xảy ra các hành vi tội phạm mạng cao trên thế giới. Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ an ninh mạng còn thiếu, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng còn lạc hậu, chưa theo kịp với trình độ phát triển của thế giới… Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố báo cáo về tình hình an ninh mạng của các nước thành viên năm 2017, khả năng bảo đảm an ninh mạng của Việt Nam đứng vị trí 101/193 nước, thấp hơn cả Lào, Campuchia. Đó chính là lý do giải thích tại sao Việt Nam là một trong những nước bị tội phạm tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Lợi dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội, các loại tội phạm đã triệt để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, như vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền, tán phát thông tin bịa đặt nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân; kích động, lôi kéo khủng bố; lấy cắp bí mật nhà nước; chia sẻ cách thức, thủ đoạn phạm tội hoặc làm lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp... nhằm phá hoại kinh tế, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế của nước ta. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện 135.000 cuộc tấn công vào hệ thống thông tin của Việt Nam. Năm 2017, đã phát hiện và xử lý gần 10.000 cuộc tấn công các website của Việt Nam.
Nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 2017, Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Nghị định 101/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng để khủng bố, Nghị định số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26-12-2016 quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và mới đây là Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Trong đó, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã quy định rõ cơ chế phối hợp loại bỏ nội dung vi phạm khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP như: Chống lại nhà nước, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh; phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật… chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép. Việc ban hành các văn bản pháp luật trên đây, trong đó có Nghị định số 27/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng internet vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân. Điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia khác quy định trên lĩnh vực này mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và của công dân.
Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, các bộ, ngành chức năng đã tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về an ninh mạng để học tập, tiếp thu công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ…; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Facebook… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia nước ta, cam kết chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Các bộ, ban, ngành chức năng cũng đã triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội vi phạm pháp luật nước ta, như sử dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm an ninh chính trị. Không hề có chuyện “đàn áp”,“tra tấn” trái pháp luật bất kỳ blogger nào như các tổ chức quốc tế đã rêu rao, xuyên tạc. Cũng như các quyền tự do cơ bản khác, việc thực hiện quyền tự do thông tin, tự do internet cũng phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội; sẽ là vi phạm pháp luật nếu lợi dụng tự do internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người dân và của xã hội. Quan điểm nhất quán của Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Với chính sách nhất quán Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm mục tiêu mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Nhà nước Việt Nam mong muốn các cá nhân và tổ chức quốc tế vào thăm, tìm hiểu tình hình thực tế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, trong đó quyền tự do thông tin, tự do internet để chấm dứt việc đưa thông tin lệch lạc, sai sự thật về vấn đề này, ảnh hưởng đến uy thế, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân 8,2%  (04/07/2018)
Nâng cao chất lượng việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở  (04/07/2018)
Kết nối du lịch với nông nghiệp và nguồn lực cộng đồng: Góc nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long  (04/07/2018)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria  (04/07/2018)
Tạo khuôn khổ pháp lý, tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc  (04/07/2018)
Người dân Mexico đặt nhiều kỳ vọng vào tân Tổng thống  (04/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên