Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội
Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian qua, đồng hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội đã nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nỗ lực này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện qua sự tăng hạng liên tục của chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2016 tăng 10 bậc, năm 2017 tăng 01 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố); chỉ số Cải cách hành chính (năm 2016 tăng 6 bậc, năm 2017 tăng 01 bậc, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố).
Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đã có trên 250 nghìn doanh nghiệp; vốn đầu tư đăng ký hằng năm hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Theo Bí thư Thành ủy, trước yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đón bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết, như áp lực gia tăng dân số và năng suất lao động, quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, vấn đề bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
“Thành phố vẫn kiên định quan điểm: chìa khóa cho sự thành công chính là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân”, đồng chí Hoàng Trung Hải nói. “Các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội là khai thác một thị trường trên 20 triệu dân của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô với sức mua tương đối lớn và ngày càng tăng”.
Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định, Hà Nội sẽ thực hiện tốt việc kết nối, tạo cơ hội tốt nhất cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự lan tỏa phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, các địa phương trong vùng và cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung thông báo, tại Hội nghị, Thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD), trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 267.274 tỷ đồng.
Đồng thời, Thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong Vùng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao 24 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, với kết quả này, Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI. Lần đầu tiên sau 30 năm qua, với tổng số vốn FDI thu hút là 5,915 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng thông báo, từ ngày 01-8-2018, Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. “Khi thành lập doanh nghiệp bạn chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà của bạn”, Chủ tịch Hà Nội cam kết.
Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời bày tỏ các dự định đầu tư vào đây.
“Chúng tôi vui mừng được ký kết trở thành đối tác chiến lược với UBND Hà Nội trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, phát triển đô thị và các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, Phó Chủ tịch thường trực HDBank phát biểu và xác định Hà Nội là thị trường trọng điểm. “Chúng tôi sẵn sàng tham gia các dự án Hà Nội kêu gọi đầu tư”.
Cũng đang triển khai dự án đầu tư vào Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cho biết về việc hợp tác với đối tác Việt Nam xây dựng siêu dự án phát triển TP Thông minh tại Thủ đô. Tập đoàn Sumitomo đã xác định việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng khi đầu tư tại Hà Nội.
"Một trong số những kế hoạch phát triển của Hà Nội có đề cập hướng đến một đô thị thông minh, với nền tảng công nghệ và có kết nối tốt về điện tử. Chúng tôi rất quan tâm và sẵn sàng đồng hành với Hà Nội trong lĩnh vực này", ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nói.
Thủ tướng chỉ ra động lực tăng trưởng mới cho Hà Nội
Đánh giá cao quy mô của Hội nghị với sự tham dự của nhiều tập đoàn nước ngoài và trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận con số hơn 17 tỷ USD đạt được tại Hội nghị là một cố gắng rất lớn của Hà Nội.
Cho rằng tinh thần doanh nhân đã thấm sâu và bền vững trong văn hóa của người Hà Nội, góp phần làm nên Hà Nội 36 phố phường nổi tiếng, Thủ tướng nêu rõ, đây không chỉ là truyền thống mà còn là tài sản vô hình quý giá thu hút các nhà đầu tư, làm động lực để tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng nhắc lại, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội năm 2017, ông đã nói rằng để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền Hà Nội phải hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào mục tiêu chung về một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong lòng cộng đồng ASEAN và rộng hơn. Thủ tướng đặt vấn đề, vậy sau hơn 1 năm, Hà Nội đã làm được những gì để đạt được mục tiêu đó.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đang dần khẳng định mình là Thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%. Hà Nội đang hướng đến một nền hành chính phi giấy tờ.
“Và như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: "Hà Nội không vội được đâu" và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong”". Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mà “hôm nay tôi không đề cập đến thách thức chung như tăng trưởng dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… mà tôi muốn đề cập đến những yếu tố trực diện của môi trường đầu tư để chúng ta thảo luận, tiếp tục phát triển thời gian đến”.
Theo đó, điểm yếu cần quan tâm là chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội mặc dù tăng 4 bậc so với năm trước nhưng vẫn thấp. Môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nộp thuế tại Hà Nội còn phiền hà.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn ở mức thấp. Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở cần phải tăng cường hơn. Chỉ số công khai minh bạch cần cố gắng hơn.
Để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đô thị sáng tạo, văn minh, hiện đại, nhưng không mất đi giá trị văn hóa đặc sắc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, theo Thủ tướng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Thủ tướng mong muốn chính quyền Thành phố cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa và lưu ý một số điểm.
Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới. Thủ tướng lấy dẫn chứng về sự phát triển của Cầu Giấy mà cách đây vài chục năm còn là huyện rất nghèo. Nay giá trị công nghiệp của Cầu Giấy lên tới 45.000 tỷ đồng, tăng 77 lần. Dịch vụ tăng 38 lần, đạt con số trên 100.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên 7.000 tỷ đồng.
Điều đó nói lên điều gì? Theo Thủ tướng, cần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần quy mô lớn, mở rộng ra thì chúng ta phải tính sử dụng quỹ đất đai hợp lý.
Vì vậy, Hà Nội cần quy hoạch hợp lý và kết nối Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc với các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, rộng hơn là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hà Nội là nơi có tiềm năng rất lớn về công nghệ và đang trên đường đi vào kinh tế số hóa, kinh tế tri thức một cách tích cực. Đó là một hướng để xây dựng động lực tăng trưởng mới. Hà Nội cần đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số ở nước ta.
Cần đẩy nhanh triển khai dự án thành phố thông minh thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính để tạo bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội.
Hà Nội cần phát huy vai trò là cái nôi của cả nước trong đào tạo nhân tài, hiền tài trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán học, vật lý, tin học… Cần có cơ chế tốt, huy động nhân tài, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô để các tài năng “dù đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”.
Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt tập trung vào những hạn chế, yếu kém đã nêu trên. Cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng nêu rõ, rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nằm ở cấp quận, huyện, xã, phường. Do đó, cấp này cần “nóng lên” vì sự phát triển của Thủ đô.
Để giảm thời gian và lượng người tham gia giao thông trên đường, mọi giao dịch hành chính, giao dịch công nên tăng cường thực hiện trực tuyến. Hà Nội cần đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng.
“Toàn bộ thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội thì người dân cơ bản không phải đến trụ sở cơ quan Nhà nước được không? Singapore đã làm được điều này thì thời gian tới, Hà Nội có làm được hay không?”, Thủ tướng đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ thực hiện được việc này.
Thủ tướng đề nghị tăng cường xây dựng cơ sở công cộng phục vụ công chúng như không gian chung, phố đi bộ, nhà vệ sinh, công viên… trong đó, “tôi mong muốn Hà Nội phấn đấu 100% nhà vệ sinh các trường học, bệnh viện đạt tiêu chuẩn”.
Chúc mừng các nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký thỏa thuận đầu tư hôm nay, Thủ tướng cho rằng đây là chính là thời cơ của doanh nghiệp chứ không chỉ là thời cơ của Hà Nội. Thủ tướng lưu ý, cần xóa bỏ khoảng cách giữa giấy tờ và hiện thực bởi thời gian không chờ đợi ai.
Thủ tướng nêu rõ giải phóng mặt bằng liên quan đến người dân, nhất là nông dân, phải hợp tình, hợp lý và thuyết phục. Thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt. Phải quan tâm bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn tương đương hơn 17 tỷ USD và với kết quả này, Hà Nội tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước trong năm nay về thu hút FDI./.
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự ACMECS 8 và CLMV 9  (16/06/2018)
Thủ tướng tiếp xúc song phương bên lề hội nghị ACMECS 8 và CLMV 9  (16/06/2018)
Hướng tới mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ  (16/06/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định thăng quân hàm cho các sĩ quan cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam  (16/06/2018)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Cần quan tâm hơn nữa đến phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa  (16/06/2018)
Thủ tướng đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS  (16/06/2018)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên