Thi đua yêu nước: Phong trào thi đua trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội
TCCSĐT - Ngày 09-6, các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 -11-6-2018).
* Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm; tuyên dương gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2018.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Trung ương và thành phố.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2017 cho 12 tập thể tiêu biểu. Bên cạnh đó, 143 tập thể và 135 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua của thành phố giai đoạn 2015 - 2018 đã được tuyên dương gương điển hình tiên tiến.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trân trọng biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu được tuyên dương. Đây là những gương sáng về thực hiện và vận dụng tốt những lời dạy của Bác Hồ, góp phần xây dựng thành phố, đất nước ngày càng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong thời kỳ kháng chiến, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển, lan rộng khắp các vùng miền, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất. Từ sức mạnh to lớn của các phong trào yêu nước đó, cả dân tộc ta đã làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, qua các thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã ra sức thi đua, tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Qua đó, tạo nhiều biến đổi tích cực, toàn diện, đưa thành phố trở thành một đô thị lớn, có vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước. Từ việc gắn các phong trào thi đua với thực tiễn, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nhiều phong trào thi đua của thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực và được nhân rộng trong cả nước.
Khẳng định thi đua yêu nước là động lực để khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết quần chúng nhân dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong thời gian tới, lãnh đạo và nhân dân thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay; vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước. Cùng với đó, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua, tiếp tục tuyên truyền và tập hợp các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, tạo động lực tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân, cùng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng phải đúng quy định, chính xác, kịp thời…
Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã dâng hoa trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quận 1).
** Tại Gia Lai, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự Lễ kỷ niệm; trao tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 1 tập thể và 1 cá nhân; phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 6 mẹ và Huân chương lao động, Cờ thi đua của Chính phủ cho 9 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...
Phó Chủ tịch nước đề nghị Gia Lai tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá về tốc độ phát triển kinh tế xã hội; quan tâm hơn nữa tới nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, tiếp tục giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng phát triển các nhân tố tiêu biểu tại các làng, bản, khu dân cư; xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương khởi nghiệp, quan tâm kịp thời những tập thể, cá nhân có những sáng kiến tạo đột phá về năng suất, chất lượng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...
Gia Lai có 17 đơn vị hành chính với hơn 1,5 triệu dân, trong đó gần 45 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của tỉnh luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người vượt 42 triệu đồng/người/năm tăng gấp 58 lần so với năm 1991.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 13, 34%, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ cách mạng được cải thiện.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 70 năm qua cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống thi đua yêu nước, không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng như: “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”, “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thâm canh tăng vụ”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”...
Trong thời kỳ hội nhập, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều kết quả: Lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Yên Bái đã thực hiện sắp xếp, tinh giản 86 cơ quan, đơn vị, giảm 474 biên chế các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua các phong trào thi đua. Đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở với hình thức phong phú, đa dạng; gắn phong trào thi đua với phát triển kinh tế - xã hội.
Qua các phong trào thi đua, toàn tỉnh Yên Bái đã có 11 tập thể được Chính phủ tặng cờ thi đua; Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng cờ thi đua cho 27 tập thể có nhiều thành tích trong phong trào “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” và tặng bằng khen cho 70 điển hình tiên tiến.
** Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ kỷ niệm. Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và 70 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.
Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sỹ trong cả nước thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác; góp công, góp sức diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; bảo vệ nền độc lập và kiến thiết nước nhà. Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, các cấp, ngành và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh dấy lên các phong trào thi đua. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh không ngại khó khăn ra sức thi đua trong các phong trào như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”, “Ba nhất”; sát cánh với đồng bào, chiến sỹ cả nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhiều địa danh trở thành những di tích lịch sử, gắn với những chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Tĩnh như: Bến Thủy, Linh Cảm, Địa Lợi, Đèo Ngang, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 Tiến Lộc, Núi Nài... Cùng với đó là các tập thể, cá nhân, trở thành hình tượng bất tử như: Tiểu đoàn 8 Phòng không, Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương, Trung đội dân quân 12 ly 7 thị xã Hà Tĩnh, Trung đội dân quân pháo binh Xuân Liên; Anh hùng Dương Chí Uyển, Anh hùng La Thị Tám, chuyên gia phá bom nổ chậm Vương Đình Nhỏ; 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc… làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Trải qua các cuộc chiến tranh, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 28.000 liệt sỹ, hơn 37.000 thương binh và hàng vạn gia đình có công với nước. Máu đào của những người con Hà Tĩnh đã góp phần tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tiếp bước thế hệ cha ông, nhiều phong trào thi đua được nhân dân Hà Tĩnh hưởng ứng và có sức lan tỏa mà điển hình là phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 50% tổng số xã trong toàn tỉnh), nhiều xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 230 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 2.300 vườn mẫu đạt chuẩn. Các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: Công tác thi đua phải gắn với công việc hàng ngày, đem lại lợi ích thiết thân cho mỗi người, mỗi nhà, vì mục tiêu Hà Tĩnh đổi mới, phát triển bền vững. Bên cạnh đó phải tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tại buổi lễ, tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên dương, trao tặng bằng khen và biểu trưng cho 70 tập thể, cá nhân và phát động thi đua yêu nước thời gian tiếp theo./.
Quốc hội đồng ý lùi xem xét, thông qua luật về đặc khu sang kỳ họp sau  (09/06/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Toàn quyền Canada  (09/06/2018)
Các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Canada  (09/06/2018)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5  (08/06/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Quốc hội Micronesia  (08/06/2018)
Kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương  (08/06/2018)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay