Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo họp báo
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, chiều 31-5, tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Kết thúc buổi hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã có buổi gặp gỡ với báo chí, thông báo về kết quả cuộc hội đàm và những định hướng hợp tác song phương giữa hai nước, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam; nhấn mạnh cùng với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản năm 2017, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt thân mật giữa hai nước.
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ cảm ơn sâu sắc Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng năm ngoái và đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 nền kinh tế thành viên (sau này trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).
Thủ tướng Shinzo Abe thông báo hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến một cách thực chất về quan hệ song phương, cũng như các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt. Trong đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực có lợi trực tiếp cho Nhân dân Việt Nam, như hợp tác y tế trong khuôn khổ Sáng kiến sức khỏe châu Á; giao lưu văn hóa, thể thao, trong đó có dạy tiếng Nhật.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định đầy lạc quan: “Nắm bắt cơ hội chuyến thăm lần này của Ngài Chủ tịch nước, tôi và Ngài Chủ tịch nước sẽ cùng nắm tay nhau nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn rất tốt đẹp qua 45 năm, phát triển thực chất, nhanh chóng trên các lĩnh vực với nhiều điểm đồng về lợi ích chiến lược; nhất trí năm 2018 là năm bản lề để mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo của quan hệ hợp tác giữa hai nước một cách thực chất, hiệu quả, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe trong đàm phán và ký kết CPTPP.
Nhằm tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy giao lưu quốc hội, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là trong năm 2018.
Hai bên khẳng định tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế, phát huy điểm đồng theo tinh thần hai bên cùng có lợi. Theo đó, đẩy mạnh đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam; tạo điều kiện để hàng nông sản của Việt Nam vào Nhật Bản; tăng cường hợp tác trong các dự án lớn, trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; tiếp tục phối hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tập trung hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, môi trường, lao động, xây dựng và phát triển đô thị, cải cách hành chính, văn hóa, giao lưu địa phương; bắt đầu khởi động đàm phán về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí về tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, tự do và rộng mở trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; ủng hộ lẫn nhau là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2021, Nhật Bản nhiệm kỳ 2023-2024); phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản từ tháng 8-2018.
Khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh mọi hành động làm tổn hại lòng tin, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý./.
Việt Nam kiên quyết phản đối xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa  (31/05/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Bình Thuận  (31/05/2018)
Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em  (31/05/2018)
Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021  (31/05/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản  (31/05/2018)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam