Đổi mới, kiện toàn, củng cố, sắp xếp lại hệ thống tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực các thiết chế văn hóa cơ sở
TCCS - Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thiết chế văn hóa cơ sở là những nhân tố bảo đảm cơ bản và quan trọng cho hoạt động văn hóa, bao gồm: Cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động; tổ chức bộ máy cán bộ và các nội dung công tác để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thông qua hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, các mục tiêu kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay
Trong thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân, trung tâm văn hóa - thể thao các cấp tích cực tìm tòi các loại hình nghệ thuật phù hợp với trình độ thưởng thức của nhân dân. Thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, tuyên truyền viên giỏi. Nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên được tổ chức đã thu hút một lượng lớn các diễn viên không chuyên, đây chính là những hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Các chương trình luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức biểu diễn và chất lượng nghệ thuật. Từ những hoạt động này, trung tâm văn hóa - thể thao các cấp khẳng định được vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho hệ thống nhà văn hóa cơ sở.
Ngoài những hoạt động thường xuyên, phổ cập, một số đơn vị còn có nhiều hoạt động mới, sáng tạo phục vụ nhân dân, như mô hình sân khấu kịch thể nghiệm, đưa Hội diễn nghệ thuật quần chúng về huyện khó khăn nhằm đưa văn hóa về cơ sở. Các cuộc biểu diễn lưu động tại cơ sở thực sự trở thành món ăn tinh thần thu hút đông đảo nhân dân đến xem. Hoạt động câu lạc bộ chuyên đề, đội, nhóm là một trong những hoạt động quan trọng của các trung tâm văn hóa - thể thao từ cấp tỉnh, huyện, xã đến thôn, làng, ấp, bản. Các câu lạc bộ được tổ chức theo sở thích nên rất đa dạng và phong phú như các câu lạc bộ thơ, văn; các câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ khiêu vũ, nhiếp ảnh; các lớp năng khiếu đàn, hát, múa, thể dục, thể thao; các đội văn nghệ truyền thống... Các câu lạc bộ đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Điển hình như: Câu lạc bộ hát Chầu Văn tại Hà Nam, Câu lạc bộ hát Chèo tại Thái Bình, Câu lạc bộ hát Quan họ (Bắc Ninh), Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Câu lạc bộ những người thích hát tại Nghệ An, Câu lạc bộ hát dân ca (Hà Tĩnh), Câu lạc bộ Đàn hát dân ca tại Quảng Bình, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...
Hoạt động của các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu, các đội văn nghệ đã tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đồng thời tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao trong quần chúng nhân dân; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, hướng tới các hoạt động thiết thực phục vụ đời sống văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động câu lạc bộ sở thích, các trung tâm văn hóa - thể thao các cấp còn mở nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng về năng khiếu cũng như phổ cập văn hóa, nghệ thuật, công nghệ thông tin, chính trị, xã hội, chuyên môn nghiệp vụ.... chủ động tìm hiểu thị hiếu của nhân dân để mở những lớp bồi dưỡng năng khiếu phù hợp.
Các công trình thể thao, đặc biệt ở cấp tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và công năng sử dụng, đạt tiêu chuẩn quốc gia, được khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả thông qua tổ chức các hoạt động thường xuyên như tổ chức thi đấu đăng cai các giải quốc gia, tổ chức tập luyện đội tuyển tỉnh, thành phố và phục vụ nhân dân tập luyện hàng ngày, có trung tâm kéo dài hoạt động đến 23 giờ cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Lượng người dân hằng năm đến các trung tâm hoạt động thường đạt 230.000 - 250.000 người/năm.
Trung tâm thể dục - thể thao quận, huyện không ngừng đổi mới cách làm, khai thác nguồn lực xã hội, tăng cường công tác xã hội hóa, nên đa số các đơn vị này đều có hiệu quả hoạt động cao. Một số trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ đã khai thác mô hình xã hội hóa về xây dựng hồ bơi, lồng bơi, sân bóng đá mi-ni cỏ nhân tạo, nhà thi đấu, nhà tập từng môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là việc sử dụng bể bơi lắp ghép phục vụ cho trẻ em tập bơi góp phần xoá mù bơi cho trẻ em đến năm 2020. Các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ hoạt động tại chỗ còn tích cực xuống địa bàn cơ sở tuyên truyền, cổ động các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương; tham gia hướng dẫn và triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, thể dục, thể thao cấp xã, thôn... Một số trung tâm có điều kiện, tập trung tại các thành phố lớn có nhiều giải pháp, đổi mới cách làm, năng động, sáng tạo, giàu kinh nghiệm mang lại hiệu quả lớn như: Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Nha Trang, Khánh Hòa; Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; Nhà thi đấu Hải Dương, Trung tâm thể dục, thể thao huyện Chợ Mới tỉnh An Giang; Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 5, quận 12 và quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh...
Những yếu kém, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng gặp những khó khăn, hạn chế. Trụ sở, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị hoạt động thiếu, không đồng bộ, lạc hậu. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao chưa được quan tâm đúng mức và bất cập như xa khu dân cư và khuất nẻo. Những trung tâm văn hoá - thể thao có vị trí thuận lợi thường bị di chuyển để dành chỗ cho các khu thương mại, dịch vụ và mục đích khác... Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp, chưa được đầu tư cải tạo kịp thời nên chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động.
Việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn do các địa phương khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí đủ diện tích theo quy định để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là đối với các địa phương vùng núi cao, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn. Một số trung tâm văn hóa - thể thao và nhà văn hóa - khu thể thao cấp xã và ở thôn, làng, ấp, bản được đầu tư xây dựng mới nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên hoạt động cầm chừng gây lãng phí.
Đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên về chất lượng, nhưng vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Nhiều nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề, hoặc chỉ có năng khiếu bẩm sinh mà chưa được đào tạo. Nội dung hoạt động của các trung tâm văn hoá - thể thao các cấp còn sơ sài, đơn điệu, một số nơi không quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên, mới chỉ chú trọng tới hoạt động mang tính “kỳ”, “cuộc”, “trọng điểm” một cách hình thức, chưa thể hiện rõ vai trò chủ động trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hóa và góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian tới
Để đạt được mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, các thiết chế văn hóa, thể thao từng bước hoạt động theo cơ chế tự chủ, thực hiện chính sách xã hội hóa một phần hoặc toàn bộ hoạt động; đến năm 2030, đạt 100% các thiết chế văn hóa thể thao hoạt động theo cơ chế tự chủ và thực hiện chính sách xã hội hóa; thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt văn hóa thể thao, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quy hoạch địa điểm và dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác. Đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phải đồng bộ cả về cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động. Đầu tư không dàn trải, phù hợp với đặc thù vùng, miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân. Cải tạo, nâng cấp các trung tâm văn hóa - thể thao hiện có, bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động, thay thế những trang thiết bị cũ lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ.
Đối với các trung tâm văn hóa cấp tỉnh; cung, nhà văn hóa thiếu nhi; cung, nhà văn hóa lao động; trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện và cấp xã, Nhà nước đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ của các trung tâm văn hóa - thể thao các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, làng, ấp, bản, ngân sách địa phương có thể hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tùy theo khả năng của địa phương. Lồng ghép xây dựng thiết chế văn hóa vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Với những vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng dân tộc nghèo, vùng sâu, vùng xa, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí hoạt động.
Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa. Nhà nước căn cứ nhu cầu vào thực tế của địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao được quy định đối với từng cấp để lập kế hoạch về nguồn nhân lực, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở. Củng cố, xây dựng và nâng cấp hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật, các trường nghiệp vụ thể dục thể thao theo khu vực hoặc ở các tỉnh, thành phố lớn để đào tạo cán bộ văn hóa, thể thao ở trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, sơ cấp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa thể thao cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đối với các công trình thể thao do chính quyền địa phương quản lý, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nhằm tận dụng tối đa công năng và hiệu suất để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân, trong đó cần xem xét phương án đấu thầu quyền quản lý và khai thác các công trình thể thao do Nhà nước đầu tư xây dựng. Bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Xây dựng chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; khuyến khích trung tâm văn hóa - thể thao các cấp, cung, nhà văn hóa thiếu nhi, cung, nhà văn hóa lao động được quyền tự chủ, tự trang trải kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp với việc tổ chức các hoạt động dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ ba, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên cơ sở Quyết định về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh viên chức trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tổ chức việc công nhận thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn, làm cơ sở cho việc quy hoạch đầu tư xây dựng; tập huấn nâng cao và cập nhật các kiến thức về quản lý và kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; đưa các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ vào nền nếp, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và đưa các hoạt động văn hóa, thể thao về cơ sở. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Chú trọng phát triển nhiều loại hình hoạt động, học tập phục vụ cộng đồng ./.
Kiểm soát việc lợi dụng sân sau để rút tài sản nhà nước và tham nhũng  (31/05/2018)
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam ở Nhật Bản  (31/05/2018)
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Nhật Bản  (31/05/2018)
Bảo đảm tính khả thi của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)  (31/05/2018)
Truyền thông Nhật Bản đưa tin trang trọng về lễ đón Chủ tịch nước  (31/05/2018)
Đóng góp nhiều ý kiến vào dự án Luật Thể dục, thể thao sửa đổi  (31/05/2018)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam