TCCSĐT - Ngày 02-5-2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách Thành phố tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5-2018. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố chủ trì cuộc họp.

Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt thông qua nhiều giải pháp kịp thời, nên tình hình kinh tế của Thành phố tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước của Thành phố ước thực hiện 4 tháng đầu năm 2018 là 126.600 tỷ đồng, đạt 33,6% dự toán, tăng 3,79% so cùng kỳ, trong đó, thu nội địa 81.076 tỷ đồng, đạt 33,54% dự toán, tăng 7,59% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 7.977 tỷ đồng, đạt 63,46% dự toán, tăng 39,72% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30.400 tỷ đồng, đạt 28,15% dự toán, giảm 9,69% so cùng kỳ.

Đáng chú ý là, lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố, hoạt động thương mại bán lẻ được tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân. Sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được chú trọng thực hiện có hiệu quả cao, thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài có những kết quả khả quan, tổng vốn đăng ký và bổ sung của doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ và tổng vốn đầu tư Thành phố thu hút được tăng 76% so với cùng kỳ. Về tình hình xuất nhập khẩu, từ đầu năm tới nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố ước đạt 11,85 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng của ngành công nghiệp của Thành phố trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 6,07%, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại. Vấn đề này được đại diện Sở Công Thương Thành phố lý giải nguyên nhân là do số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm trên 90%, nên sức cạnh tranh yếu, thiếu bền vững. Trong khi đó, đóng góp vào phát triển kinh tế Thành phố chủ yếu là 2 khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp FDI chiếm đến 35,5% giá trị sản xuất công nghiệp. Một nguyên nhân khác khiến cho chỉ số công nghiệp thành phố chậm lại là do xu hướng dịch chuyển sang công nghiệp dịch vụ.

Cũng theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu năm tới nay, Thành phố đã thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em… góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Các hoạt động đối ngoại của Thành phố tiếp tục được triển khai chủ động, chu đáo, đúng kế hoạch. Quan hệ đối ngoại của Thành phố tiếp tục được mở rộng từ song phương đến đa phương trên tất cả các lĩnh vực, trải rộng trên nhiều địa bàn. Thành phố chủ động đưa các quan hệ hợp tác hiện có ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Xử lý phù hợp với các dự án chậm tiến độ

Trong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, cùng với việc đánh giá những mặt được về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách Thành phố 4 tháng và tháng 4-2018, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhắc nhở: Thông qua công tác rà soát mới đây của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố đã thống kê chỉ riêng huyện Nhà Bè có 85 dự chậm tiến độ kéo dài, trong đó có nhiều dự án vì nhiều lý do không thể triển khai, chưa kể có dự án đổi hết chủ đầu tư này qua chủ đầu tư khác. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố nhấn mạnh, “dự án đã duyệt nhưng không thực hiện sẽ khiến hạ tầng ở đây không thể hoàn thành, cỏ rác mọc lên. Hiện nay không chỉ có ở Nhà Bè, mà còn rất nhiều dự án ở địa phương khác xảy ra tình trạng này”. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu: sau cuộc họp này, các quận, huyện cần lập ngay các tổ liên ngành rà soát tất cả dự án chậm tiến độ, ưu tiên xử lý những dự án cấp thiết nhất, chứ không thể để tình trạng có một số dự án được nhà đầu tư đăng ký rồi để đó, thậm chí phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch của Thành phố. Theo đó, những dự án nào kéo dài, không thể triển khai, sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp, vì càng kéo dài người dân càng khổ.

Cũng tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý, khu vực phía Nam đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, nên Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án; phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục xử lý các vị trí lấn chiếm kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả bị lấn chiếm, tổ chức tuần tra hệ thống sông, kênh, rạch phục vụ thoát nước. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch nạo vét bảo đảm thông thoáng dòng chảy; kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp xây dựng lấn chiếm lòng và hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh, rạch./.