TCCSĐT - Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tại Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2018.



Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ, qua 10 năm thực hiện, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã lan tỏa ngày càng sâu rộng từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, với số lượng các đối tượng được trợ giúp ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2009 đến nay, việc vận động ủng hộ Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam được cấp Hội Chữ thập đỏ và các địa phương phát động gắn liền với cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Để bảo đảm huy động tốt các nguồn lực trợ giúp và trợ giúp kịp thời, đúng đối tượng, các cấp Hội Chữ thập đỏ thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố rà soát, nắm lại danh sách hộ nghèo theo tiêu chí mới, danh sách các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp. Trên cơ sở đó, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Song song với việc phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, các ban, ngành, địa phương, Hội Chữ thập đỏ còn vận động cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các siêu thị, các cơ sở tôn giáo,… hỗ trợ quà vì người nghèo; kết hợp với ngành y tế khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; hỗ trợ xây Nhà Chữ thập đỏ cho các hộ nghèo ở các xã vùng nông thôn ngoại thành;…

Qua 10 năm thực hiện phong trào, thành phố đã vận động được 10.192 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ 314.147 phần quà và tiền mặt trị giá trên 111 tỷ 734 triệu đồng; trợ giúp cho 258.274 lượt hộ nghèo, 13.757 lượt nạn nhân chất độc da cam và 42.116 lượt đối tượng đặc biệt khó khăn khác. Quá trình triển khai thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao. Ở quận Ninh Kiều, hằng năm, các cấp Hội Chữ thập đỏ gửi thư ngỏ và đến trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo,… để vận động ủng hộ phong trào; đặt các thùng kêu gọi đóng góp Quỹ nhân đạo tại các nhà hàng, khách sạn ở trung tâm quận. Ở huyện Thới Lai, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao, Hội Chữ thập đỏ huyện phân bổ và giao chỉ tiêu cho các hội cơ sở ngay từ đầu năm để chủ động thực hiện vận động hỗ trợ; việc cấp phát quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam luôn bảo đảm đúng thời điểm, đúng đối tượng và mời các nhà hảo tâm cùng đi để bảo đảm niềm tin của người trợ giúp và người được trợ giúp. Thượng tọa Thích Minh Thông, Trụ trì chùa Phật Học thành phố Cần Thơ, trong 10 năm qua đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho người nghèo, trẻ em nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa thông qua Hội Chữ thập đỏ thành phố hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, riêng các phần tiền, quà hỗ trợ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm biểu dương những kết quả mà các cấp, các ngành và Hội Chữ thập đỏ thành phố đã đạt được qua 10 năm thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2018. Điểm nổi bật là phong trào đã được triển khai thực hiện với mục tiêu, nội dung hoạt động, đối tượng hưởng lợi rõ ràng; được trao tặng trực tiếp; các cấp chính quyền, đoàn thể và Hội Chữ thập đỏ bám sát chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, từ đó tạo được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp của các ngành, các cấp, sự nhiệt tình tham gia ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tin tưởng, tín nhiệm và nhiệt tình tham gia của các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện, đưa phong trào đi vào chiều sâu với hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Lê Văn Tâm đề nghị các ngành, các địa phương, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn thành phố tiếp tục có các chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” phát triển sâu rộng hơn nữa, thực sự trở thành phong trào toàn dân chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; để mọi người nghèo và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố đều được quan tâm hỗ trợ thường xuyên với nhiều hình thức thích hợp.

Hội nghị thống nhất một số giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Tiếp tục xác định phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” là phong trào thường xuyên, không chỉ là hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ mà phải trở thành phong trào của toàn xã hội mỗi khi Xuân về Tết đến.

Chương trình kế hoạch vận động “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” phải là một trong những công tác trọng tâm của các cấp Hội Chữ thập đỏ. Hội cần tăng cường phối hợp với các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tích cực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.

Đẩy mạnh xây dựng các mô hình hoạt động nhân đạo phù hợp với từng địa phương gắn với việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; đồng thời có những hoạt động chăm sóc, gắn bó với những cá nhân, tổ chức tài trợ, ủng hộ cho phong trào.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện; đồng thời chú trọng phát hiện, nêu gương, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu, nhằm động viên, khuyến khích mọi người tham gia phong trào.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho Tổ Nhân đạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; Hội Chữ Thập đỏ quận Ninh Kiều và ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2009 - 2018./.