Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản và những tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của các nước trong khu vực

ThS. Trần Thùy Dương NCS. Khoa Chính trị học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
20:31, ngày 10-04-2018

TCCSĐT - Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay là hai cường quốc kinh tế đứng hàng đầu châu Á và thế giới, chỉ sau Mỹ. Quan hệ chính trị Trung - Nhật được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ trong khu vực mà cả thế giới; một mặt, nó sẽ tạo ra các cơ hội phát triển cho các nước, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực đang có những diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều bất ổn cùng với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu gia tăng các mối quan hệ hợp tác nói chung sẽ có những tác động trái chiều. Một mặt, nó sẽ tạo ra các cơ hội phát triển, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức, cũng như các cơ hội trong hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động nhưng khu vực này cũng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt; xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới. Giữa hai nước, bên cạnh xu thế hợp tác là chủ đạo, vẫn tồn tại những mâu thuẫn, cạnh tranh, kể cả những vấn đề tồn tại do lịch sử, tranh chấp lãnh thổ,… Chính vì vậy, quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản sẽ vừa tạo ra thời cơ cũng như những thách thức ngày càng gay gắt với tất cả các quốc gia, nhất là các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển trong khu vực.

Những tác động tích cực

Tác động tích cực lớn nhất trong bối cảnh quan hệ chính trị Trung - Nhật có xu hướng hòa dịu, sẽ tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung, tạo điều kiện để các nước phát triển kinh tế, xã hội. Mối quan hệ Trung - Nhật có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở các nước trong khu vực nói chung. Nếu quan hệ chính trị Trung - Nhật rơi vào trạng thái căng thẳng sẽ gây nên tình hình chính trị trong khu vực bất ổn, các làn sóng phản đối hay ủng hộ đều làm gia tăng căng thẳng và không có môi trường tốt để phát triển.

Một môi trường ổn định và hòa bình được duy trì khi quan hệ Trung - Nhật ổn định sẽ làm giảm bớt các mâu thuẫn giữa các nước, những bất đồng có điều kiện được giải quyết, những vấn đề tồn đọng trong lịch sử, những xung đột, mâu thuẫn trong quá khứ dần có cơ hội được lấp đầy và vượt qua.

Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực đang trên đà phát triển năng động, xu thế hòa dịu, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực đang là điều kiện thuận lợi cho các nước duy trì được an ninh, ổn định về chính trị, gia tăng các quan hệ hợp tác song phương và đa phương để phát triển. Trong quá trình này, việc các nước tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ hay tận dụng được những nguồn lực từ bên ngoài đóng có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia, duy trì và nâng cao vị thế của mỗi nước trong khu vực và quốc tế. Chẳng hạn như, ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) sẽ là cơ hội để các nước ASEAN nâng cao vị thế trong việc đấu tranh một cách hiệu quả, hòa bình và công bằng về các vấn đề quốc tế và khu vực theo chiều hướng xây dựng và có trách nhiệm với Trung Quốc và Nhật Bản khi hai quốc gia này tham gia vào diễn đàn.

Thứ hai, là cơ hội để các nước tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế.

Trong môi trường hòa bình, ổn định, các nước ưu tiên cho hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế. Các quốc gia trong khu vực đều nhận thức được rằng, muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế cần tạo dựng một khu vực phát triển mạnh để không những cạnh tranh với những khu vực khác mà còn tạo được tiếng nói chung trong khu vực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, tạo dựng cộng đồng mạnh, ổn định và phát triển. Muốn đạt được điều đó, ngoài việc tự thân mà các quốc gia phải nỗ lực phát triển, còn cần thúc đẩy những nước trong khu vực phát triển cùng có lợi. Quan hệ Trung - Nhật là một minh chứng, mặc dù có những bất đồng, tranh chấp, song hai nước vẫn cần hợp tác để cùng phát triển kinh tế. Sự ổn định của mối quan hệ này tạo nên môi trường để phát triển kinh tế chung cho khu vực, là cơ hội hợp tác qua lại của các nước với hai nước có nền kinh tế lớn mạnh này, trong tận dụng những lợi ích của nhau về thị trường đầu tư, vốn, nhân công, an ninh, môi trường, hợp tác quốc tế...

Thứ ba, là cơ hội cho các nước nâng cao hơn nữa vị thế trên trường quốc tế.

Chính những xu thế hòa dịu, cùng gia tăng quan hệ với nhiều hình thức đan xen trong quan hệ quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khu vực xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế.

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản ổn định tạo điều kiện xây dựng môi trường khu vực ổn định, hòa bình, an ninh tin cậy, là nơi hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài với thị trường tiềm năng và nhân công dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư… Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực đưa ra những chính sách đối ngoại rộng mở, cùng hợp tác phát triển.

Các quan điểm và đề xuất của các nước về những vấn đề trong khu vực được đưa ra dựa trên những lợi ích chung, có sức thuyết phục, đi vào giải quyết cụ thể các vấn đề có tính hiệu quả, mang tính tập thể, nhận được sự ủng hộ và tán thành của các nước.

Thứ tư, cơ hội cho cho các nước khu vực giảm bớt các can thiệp, sức ép từ bên ngoài.
Tuy trình độ phát triển kinh tế khác nhau nhưng nhìn chung, các nước trong khu vực là các nước đang phát triển, phải tập trung các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, trong khi các nguồn lực lại không nhiều nên gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới cả trên biển và đất liền, đòi hỏi các nước phải dành nhiều nguồn nhân lực đáng kể. Chính vì vậy, môi trường hòa dịu như tạo cơ hội cho các nước có thể giải quyết được các vấn đề, mâu thuẫn, tranh chấp bằng đối thoại và thương lượng một cách hòa bình, giảm bớt được thương vong về người và tiết kiệm được của cải để tập trung xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời, bảo đảm mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước khác.

Thứ năm, cơ hội giao lưu, hợp tác về văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và giải quyết các vấn đề môi trường.

Sự ổn định trong khu vực cho phép các nước có điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác, tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Hơn nữa, chính sự hòa dịu trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản là điều kiện quan trọng cho việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.

Sự giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hóa giữa các nước, đặc biệt trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và chính điều đó cũng góp phần bảo đảm sự hòa bình, an ninh khu vực.

Với nhận thức sâu sắc rằng, thế giới hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề toàn cầu mà không một nước nào có thể tự đứng ra giải quyết, các nước trong khu vực đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như dịch bệnh truyền nhiễm, đói nghèo, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, buôn lậu ma túy,... Đặc biệt, từ sau sự kiện “ngày 11-9-2001”, nhiều nước trong khu vực tích cực tham gia vào nỗ lực chung của các nước, tăng cường hợp tác chống khủng bố trên cơ sở song phương và đa phương nhằm loại trừ tận gốc nguy cơ của khủng bố đối với an ninh và ổn định của các quốc gia. Những nỗ lực này của các nước trong khu vực thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Những tác động tiêu cực

Một là, các nước trong khu vực sẽ đứng trước những khó khăn, phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn trong quan hệ chính trị Trung Quốc - Nhật Bản; mối quan hệ này tác động, ảnh hưởng mạnh tới môi trường ổn định của toàn khu vực.

Sự hòa dịu trong quan hệ hai nước Trung - Nhật, cũng như trong khu vực không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết, vì trước hết, ở mỗi quốc gia, lợi ích về cơ bản là không hoàn toàn giống nhau. Các quốc gia luôn muốn có được lợi thế và lợi ích trong hợp tác, vì vậy, muốn điều hòa được các lợi ích là rất khó và phải có cơ chế hợp lý và nếu không giải quyết được các mâu thuẫn này, sẽ dẫn tới nguy cơ nảy sinh những mâu thuẫn mới, làm mất ổn định môi trường khu vực.

Mặt khác, vì lợi ích chung, có thể các nước tạm gác lại những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử, song với thái độ dè chừng, chưa xây dựng được sự tin cậy trong quan hệ với nhau, bầu không khí nghi kỵ, sự khác biệt về hệ tư tưởng vẫn tồn tại trong khu vực. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản cũng vậy. Còn nhiều tồn đọng trong quan hệ hai nước trong lịch sử, kể cả các vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Quan trọng hơn cả là sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn, trong đó đặc biệt là sự tranh giành ảnh hưởng của Nhật Bản và Trung Quốc có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực, đặc biệt là đối với các quốc gia trong khu vực.

Hai là, các nước trong khu vực sẽ phải cạnh tranh một cách quyết liệt hơn.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các nwocs, các nền kinh tế đang phải đứng trước những nguy cơ cạnh tranh gay gắt và khốc liệt. Hội nhập đồng nghĩa với việc các quy chế và quy tắc hay những luật định trong thương mại buộc các nước phải tuân theo. Hội nhập tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư của các công ty xuyên quốc gia. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, các công ty xuyên quốc gia đang có thị phần ngày càng lớn, chi phối và có vai trò hết sức quan trọng tới kinh tế các nước trong khu vực cũng như toàn cầu. Và nền kinh tế nhiều nước hiện nay đang chịu ảnh hưởng, sự chi phối tương đối lớn của các công ty này. Điều này đang là thách thức không nhỏ đối với các nước trong việc điều hành nền kinh tế nhất là những nước đang phát triển, quy mô và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Ba là, bên cạnh thuận lợi mở cửa và hội nhập, có cơ hội tiếp xúc, giao lưu để làm phong phú cho nền văn hóa bản địa, các nước cũng phải chấp nhận những thách thức trong việc bảo vệ chế độ chính trị; bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

Trong mở cửa, hội nhập mỗi quốc gia, dân tộc tiếp cận với nhiều luồng văn hóa khác nhau, bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp làm đa dạng văn hóa trong sự phát triển, là những lối sống lai căng làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, tới tâm lý và lối sống của người dân, đặc biệt là trong lớp trẻ. Đây là một vấn đề rất khó khăn cho mỗi nước, bởi các thế lực bên ngoài có thể lợi dụng nhằm chia rẽ người dân, làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền và ảnh hưởng tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh quốc gia của mỗi nước.

Đánh giá tác động của mối quan hệ Trung - Nhật đến các nước trong khu vực có cả những thuận lợi và khó khăn, song điều quan trọng là mỗi nước cần tận dụng tốt những cơ hội từ mối quan hệ này mang lại cho khu vực và từ những thuận lợi, khó khăn để có đối sách hợp lý, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, khắc chế khó khăn, trở lực để phát triển./.

----------------------

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Văn Hà (chủ biên), “Quan hệ Trung Quốc - Asean - Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt Nam”, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007

2. Nguyễn Thanh Bình, “Quan hệ Nhật Bản - Đài Loan từ năm 1972 đến nay”, Tạp chí Đông Bắc Á, số 9 năm 2010, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

3. Nguyễn Xuân Thắng, Trần Quang Minh (2013), “Chiến lược, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về một số vấn đề nổi bật của khu vực giai đoạn 2011 - 2020”, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội

4. Phạm Bình Minh, Cục diện thế giới đến năm 2020, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010

5. Nguyễn Hoàng Giáp, Cạnh tranh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á giữa một số nước lớn hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2013