TCCSĐT - Ngày 22-7, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước và làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Vĩnh Long.

* Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, sáng 22-7, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các gia đình_Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, lãnh đạo Quân khu 9, các vị lão lãnh thành cách mạng, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thân nhân các liệt sĩ trên cả nước, đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đến dự.

Trong không khí trang trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc ta, đặc biệt là trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc, mang lại tự do cho đất nước, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vĩnh viễn không được trở về với người thân, với gia đình và quê hương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho đất nước; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các thương binh và những người có công với nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ghi nhận những công lao đóng góp to lớn đó, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và thân nhân người có công với đất nước. Hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và được bảo đảm thực hiện đồng bộ; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong cả nước. Qua đó, góp phần xoa dịu những nỗi đau, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương “Uống nước, nhớ nguồn”, không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước và đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn nữa...

Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Qua 3 năm triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với nỗ lực rất cao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng với những cách làm sáng tạo, thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đến nay đã xác nhận được gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70 - 80 năm.

Trong số 468 liệt sĩ được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công dịp này, có phần lớn các liệt sĩ được xác nhận thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp: là những bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và trong đó có những tín đồ tôn giáo yêu nước đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng.

“Đây là kết quả rất đáng biểu dương. Đảng, Nhà nước đánh giá cao vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn. Đây cũng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân gia đình liệt sĩ đã đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công sau bao khắc khoải chờ mong.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong ba năm qua; tiếp tục làm công tác này trong thời gian sắp tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác nhận đến đâu sẽ công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức lễ long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và hệ thống chính sách đối với người có công để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhằm bù đắp được phần nào những đau thương, mất mát của người có công và thân nhân người có công; đồng thời thực hiện được mục tiêu trong Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2020, 100% số gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.

Chủ tịch Quốc hội chúc các thương binh, bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đạt nhiều thành tích hơn nữa, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội mong rằng, mỗi người, mỗi bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, coi đây là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tới đặt vòng hoa, dâng hương trước Tượng đài Liệt sĩ; thắp hương, viếng mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn cũng đã tới thăm và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Diệu, sinh năm 1932; gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh, thương binh 1/4; bà Võ Ngọc Thoại, sinh năm 1950, thương binh.

** Chiều cùng ngày, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Vĩnh Long.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc_Ảnh: TTXVN

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung...

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón đã báo cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2019.

Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng đến cuối năm 2018, Vĩnh Long đã có 7/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết. Tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm (2016 - 2018) đạt 6,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,8 triệu đồng (khoảng 1.947 USD), tăng 1,3 lần so năm 2015...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Vĩnh Long luôn đi đầu, hiện là địa bàn thực hiện tốt chính sách người có công. Toàn tỉnh có 2.867 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong có 174 Mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Vĩnh Long cơ bản giải quyết xong hồ sơ liệt sĩ tồn đọng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Kinh tế phát triển ổn định. Sản xuất chuyển biến tích cực, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long duy trì nằm trong nhóm đầu của cả nước. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Vĩnh Long hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nhiệm kỳ. Đời sống người dân trên địa bàn khởi sắc hơn. Các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt kết quả tốt. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, ở giữa hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ, Vĩnh Long có lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa bền vững, tỉnh chưa hình thành rõ nét chuỗi giá trị cũng như thương hiệu mạnh cho một số mặt hàng nông sản chủ lực. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu cải tiến mẫu mã hàng hóa, xây dựng thương hiệu để tham gia thị trường.

Cơ bản nhất trí với giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Vĩnh Long cần quán triệt tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, tập trung làm tốt nhiệm vụ then chốt là công tác xây dựng Đảng, ở tất cả các mặt công tác tư tưởng, tuyên giáo, tổ chức bộ máy và cán bộ, công tác kiểm tra, dân vận. Tỉnh coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đột phá chiến lược phát triển kinh tế gắn với cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu là tỉnh có quy mô kinh tế khá khi hết nhiệm kỳ này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hạn chế hiện nay của Vĩnh Long vẫn là quy mô kinh tế. Để tạo nguồn thu bền vững, tỉnh chú ý đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế. Vĩnh Long cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tập trung tích tụ đất đai, khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chế biến sâu và tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thu hút đầu tư, nhất là khi có dự án lớn, cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ. Trong thực hiện nghị quyết Trung ương, Vĩnh Long chú ý quan tâm để kinh tế tư nhân phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Vĩnh Long tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội, không để người có công với cách mạng có đời sống, thu nhập thấp hơn những gia đình ở nơi cư trú. Tỉnh chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tăng cường hoàn thiện các thiết chế văn hóa tại cơ sở, nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, theo Chủ tịch Quốc hội, các công ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do sẽ tác động tới từng địa phương, từng doanh nghiệp. Cần tuyên truyền cả mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức, để các doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế tham gia vào môi trường kinh doanh quốc tế.

Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ và hạ tầng kết nối, Quốc hội, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ vướng mắc để cho thông tuyến đến cầu Mỹ Thuận 2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ; sẽ đôn đốc, thúc đẩy, giám sát và tham gia xử lý những vướng mắc theo thẩm quyền. Về đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chú ý để bảo đảm phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc Quốc hội giao và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định số 593/QĐ-CP, ngày 6-4-2016, về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Về đề xuất của tỉnh liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là những vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp bách, quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong bố trí nguồn lực thực hiện Nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với bề dày truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống đạt được, nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo đà cho sự phát triển tiếp theo.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tặng kinh phí xây cầu cho hai xã khó khăn và 200 suất quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long./.