TCCSĐT - Sau chiến tranh, bom mìn, vật nổ còn sót lại là mối hiểm họa hàng ngày đối với người dân và là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử, Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sau chiến tranh.

Với thông điệp: “Tăng cường bảo vệ, hòa bình và phát triển”, ngày thế giới phòng chống bom mìn 04-4-2018 thể hiện khát vọng về một thế giới hòa bình, không có bom mìn, một cuộc sống bình yên và phát triển của nhân dân trên toàn thế giới. Hưởng ứng chương trình này, năm nay Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của xã hội với hoạt động phòng chống bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Gần 19% diện tích cả nước ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại

Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai Việt Nam hiện bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam hiện còn khoảng 800.000 tấn, nằm rải rác tại 63/63 tỉnh và thành phố, nhưng nằm tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân của bom mìn sót lại, trong đó, 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.

Trong thời gian qua, cả nước có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sự nỗ lực và hy sinh thầm lặng của lực lượng công binh là vô cùng to lớn. Tuy vậy, vẫn chưa thể giúp chấm dứt hoàn toàn các vụ tai nạn do bom mìn sót lại gây ra.

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, Chương trình 504 đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu để tổng hợp quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hướng khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Giai đoạn 2016 - 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu rà phá, làm sạch khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn; huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện Chương trình; thực hiện tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng; đưa các dự án khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương....

Đặc biệt, năm 2017, các cơ quan chức năng đã triển khai các bước để hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, trình Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thành công Hội nghị đánh giá và đề xuất công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép công bố trong năm 2018.

Trước yêu cầu nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24-5-2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701). Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành; các giải pháp vận động tài trợ nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh tại Việt Nam.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam không đơn độc trong hành trình làm sạch bom mìn còn sót lại trên dải đất hình chữ S.

Trong suốt hơn 40 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực để làm sạch các khu vực đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bằng nguồn lực trong nước cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 40.000 - 50.000 ha ở các khu vực ô nhiễm bom mìn. Như vậy, dự kiến phải mất hơn 100 năm nữa Việt Nam mới làm sạch bom mìn trên toàn quốc. Ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD, chưa kể kinh phí cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn. Nếu tốc độ này nhanh hơn thì chúng ta có thể rút ngắn thời gian hơn nữa.

Hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh

Thời gian qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh cũng luôn được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương…

Hiện cả nước xây dựng được 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập để hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có người bị ảnh hưởng do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…

Đặc biệt, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng lồng ghép trong chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2017 - 2020 đã được xây dựng, tập trung vào các hoạt động cứu chữa kịp thời cho nạn nhân bom mìn, hỗ trợ cho họ mô hình kế sinh nhai và xây dựng cơ chế phát triển dịch vụ xã hội./.