Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 26-3 đến ngày 01-4-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
00:02, ngày 03-04-2018
TCCSĐT - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cần tăng cường công tác quản lý luật sư; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Liên kết 6 nhà” và dựa trên “3 trụ cột”để đưa Vĩnh Long phát triển bền vững; Thủ tướng thăm làng gốm và gặp gỡ các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng; Đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Họp báo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ III - năm 2018; Tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam còn rất lớn;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tuổi trẻ phải luôn là lực lượng xung kích

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của Tháng Thanh niên năm 2018, đúng vào dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sáng 26-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt và nói chuyện với 87 cán bộ Đoàn xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương và vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018.

Nói chuyện với các đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ghi dấu những mốc son chói lọi, những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đóng góp vào những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc có vai trò xung kích, tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam các thời kỳ. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cả nước trong thời gian qua; nhiệt liệt chúc mừng 87 cán bộ Đoàn xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương và vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018. Chủ tịch nước đánh giá cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã duy trì tốt Giải thưởng cao quý mang tên Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng mà tên tuổi gắn liền với câu nói nổi tiếng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành một xu thế lớn; công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đồng bộ và toàn diện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn các cấp và đoàn viên, thanh niên đặt ra rất nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, thực hiện tốt hơn nữa chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; kiên trì, thường xuyên và đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về truyền thống vẻ vang của Đảng quang vinh, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải thấm nhuần lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tiếp nối xứng đáng truyền thống cha anh. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi hướng tới các giá trị cao đẹp, luôn có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, đổi mới, sáng tạo, tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu, những yếu tố tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mạnh mẽ dấn thân khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, tuổi trẻ phải luôn là lực lượng xung kích giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các cán bộ Đoàn tiêu biểu được tuyên dương và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018 cần phát huy những kết quả, thành tích đạt được, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc hơn nữa để mãi xứng đáng với niềm tin yêu của tuổi trẻ cả nước. Cùng với đó, tổ chức Đoàn các cấp cần có kế hoạch bồi dưỡng, chăm lo và phát huy các điển hình tiên tiến, lan tỏa các giá trị cao đẹp, nhân rộng các tấm gương cán bộ Đoàn tiêu biểu, tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho Đảng và hệ thống chính trị.

Khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng và mong muốn tuổi trẻ cả nước phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, tiếp tục rèn đức, luyện tài, xung kích đổi mới, sáng tạo, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cần tăng cường công tác quản lý luật sư

Sáng 26-3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ Tư pháp về việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.

Vấn đề đầu tiên được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến là Bộ Tư pháp cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ kế cận. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cán bộ tư pháp không chỉ giỏi luật trong nước mà phải giỏi cả luật quốc tế. Cùng với đó, Bộ quan tâm củng cố hệ thống tư pháp địa phương, nguồn lực, chất lượng đội ngũ làm công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với yêu cầu hội nhập, mở cửa hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chúng ta cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, thể chế, các vụ kiện, tranh chấp quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải có lực lượng cán bộ giỏi, có phản ứng kịp thời, có kiến thức, trình độ, năng lực để xử lý những vụ tranh chấp liên quan đến trọng tài quốc tế.

Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật, công tác quản lý nhà nước về luật sư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về luật sư hiện nay ở một số địa phương còn buông lỏng, cần có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư để giám sát luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chặt chẽ hơn, phát hiện những sai sót trong quá trình hoạt động của luật sư.

Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến nay, Bộ đã hoàn thành quy hoạch lãnh đạo Bộ, đã bổ sung nhân sự giai đoạn 2016-2021 và quy hoạch nhân sự cho giai đoạn 2021-2026 đang được duyệt. “Quy trình làm kỹ, tinh thần đúng người, có phẩm chất đạo đức, có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với Đảng. Đấy là những tiêu chí cứng. Đồng thời, chúng tôi rất chú trọng chọn những người đúng chuyên môn, được đào tạo cơ bản và có ngoại ngữ,” Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Trước ý kiến của Tổ công tác liên quan đến công tác quản lý luật sư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, toàn quốc hiện có trên 12.000 luật sư. Qua các phiên tòa xét xử trong nước, cách tiếp cận của luật sư đối với từng vụ việc cho thấy đội ngũ luật sư đã lớn mạnh, trưởng thành. Có luật sư sử dụng thành thạo 2, 3 ngoại ngữ, có thể "ngang ngửa" khi làm việc hay đấu trí trong các vụ kiện quốc tế. Song, ông cũng thừa nhận một thực tế “một số luật sư, dù số ít, có sự tụ tập, lôi kéo bằng cách này hay cách khác, đi ngược lại chủ trương của Đảng, nhà nước, làm phức tạp hóa tình hình.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Liên kết 6 nhà” và dựa trên “3 trụ cột”để đưa Vĩnh Long phát triển bền vững


Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng hơn 750 đại biểu đại diện lãnh các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long 2018 với chủ đề “Vĩnh Long chủ động hợp tác phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang khẳng định: Với việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, Vĩnh Long bày tỏ thiện chí luôn đồng hành và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển ổn định, sản xuất - kinh doanh bền vững. Là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư cả nước với hơn 54.000 ha, Vĩnh Long ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, phân phối, chế biến nông sản, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; văn hóa - du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự tham dự hội nghị đông đảo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quyết tâm đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long; sự tăng cường liên kết, hợp tác của các địa phương trong vùng và những con số ấn tượng: tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư cho 32 dự án với số vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng và số tiền các nhà tài trợ dành cho an sinh xã hội lên tới 340 tỷ đồng. Thủ tướng cho rằng tỉnh đã định hướng thu hút đầu tư đúng, thông qua nhiều dự án tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; du lịch sinh thái. Những chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh thời gian qua đã theo sát chỉ đạo của Chính phủ.

Đề cập đến hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, theo đuổi tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư để trong thập niên tới đưa Vĩnh Long trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước, với quy mô nền kinh tế và thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần; có mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh và du lịch sinh thái. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, Vĩnh Long cần đặt mục tiêu gia nhập vào nhóm các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Đề cập đến việc xây dựng chuỗi liên kết, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đưa ra khái niệm “liên kết 6 nhà”. Đó là: Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng (ngân hàng) - Nhà Khoa học - Nhà Phân phối. Thủ tướng nhấn mạnh: “Làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thể thành công”. Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định triết lý phát triển dựa trên 3 trụ cột. Một là, giữ vững màu xanh và phát triển xanh, quan tâm gìn giữ môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long; hai là, chú trọng hơn nữa nguồn nhân lực, xem đây là động lực quan trọng để phát triển bền vững; ba là, phát huy tính kết nối, liên kết vùng.

Thủ tướng thăm làng gốm và gặp gỡ các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng

Chiều 28-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan Triển lãm gốm sứ Bát Tràng tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Thủ đô và cả nước từ hàng trăm năm nay về nghề gốm sứ.

Vui mừng đến thăm Làng gốm Bát Tràng, nói chuyện với các nghệ nhân và bà con trong xã tại Đình làng Bát Tràng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thị trường, làng nghề Bát Tràng vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế hiệu quả cao. Thủ tướng cho rằng, những thành tựu này chính là thể hiện lòng yêu nước của các nghệ nhân và nhân dân Bát Tràng.

Cho biết chính sách đối với các nghệ nhân đã có nhưng chưa đầy đủ, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện vấn đề này. Chính phủ sẽ tạo cơ chế tốt hơn để làng nghề được quy hoạch phát triển đồng bộ hơn và thuận lợi hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng.

Cho rằng những thành tích của làng nghề Bát Tràng có thể coi là kinh nghiệm quý cho các làng nghề khác, Thủ tướng đánh giá cao nhiều sản phẩm từ nơi đây được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài nước, được khách nước ngoài yêu thích.

Ghi nhận kết quả của chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng sản xuất nghề truyền thống qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sống. “Mỗi nhà, mỗi người dân và đơn vị sản xuất phải chú trọng điều này," Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh đến đầu ra của sản phẩm, yếu tố mang tính quyết định sự tăng trưởng của làng nghề, Thủ tướng đề nghị làng nghề mở rộng hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối. Cùng với đó là không ngừng cải thiện, áp dụng kỹ thuật mới từ thành tựu cuộc cách mạng 4.0 để có ngày càng nhiều mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng đề nghị huyện Gia Lâm và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn làng nghề Bát Tràng với các hãng lữ hành để tận dụng tốt nguồn khách hàng triệu người đến thăm Hà Nội thì đến với Bát Tràng. Đi liền với đó là tiếp tục hoàn thiện bao bì để khách hàng khi mang sản phẩm đi trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quảng bá cho làng nghề.

Thủ tướng Chính phủ đến thăm, lắng nghe ý kiến bà con nhưng cũng muốn qua đó quảng bá hình ảnh Bát Tràng để mọi người cùng biết vẻ đẹp của gốm Bát Tràng và cùng đến nơi đây - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng tin tưởng với trí tuệ, bàn tay khối óc của các nghệ nhân và người dân sở tại, làng nghề gốm sứ Bát Tràng sẽ có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, trở thành làng kiểu mẫu về ngành nghề truyền thống, để các làng nghề khác học tập, noi theo.

Đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chiều 29-3, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017, đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai Quy chế phối hợp năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, năm 2017 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trọng tâm là các công tác: Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; động viên phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường phối hợp giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế; tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tham gia công tác tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát động và tổ chức được nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”...; tổ chức tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực góp sức cùng hệ thống chính trị và toàn dân đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như chương trình “Xuân quê hương”, chương trình “Sức mạnh nhân đạo”, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Tết trồng cây”, “Tết vì người nghèo”…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân. Cùng với đó là yêu cầu thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, có hình thức, biện pháp cụ thể để nhân dân bày tỏ ý kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Họp báo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ III - năm 2018

Chiều 29-3-2018, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng đã tổ chức họp báo.

Tham dự cuộc họp báo có đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông; Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; … Cùng sự có mặt của đông đảo lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên của các báo, đài Trung ương và Hà Nội.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện lãnh đạo báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ trì cuộc họp báo.

Trình bày tóm tắt về kế hoạch, Thể lệ Giải và những nét mới trong tổ chức Giải Búa liềm vàng lần thứ III - năm 2018, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Ngày 03-02-2018, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp cùng báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017 và phát động Giải Búa liềm vàng lần thứ III - năm 2018. Trên cơ sở đánh giá công tác tổ chức Giải Búa liềm vàng lần thứ II - năm 2017, Ban Chỉ đạo Giải Búa liềm vàng xây dựng Kế hoạch tổ chức Giải Búa liềm lần thứ III - năm 2018 nhằm thông qua việc tổ chức Giải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp báo, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, Giải Búa liềm vàng lần thứ III là sự kế thừa và phát huy những thành công rất đáng ghi nhận của Giải Búa liềm vàng lần thứ I và lần thứ II. Qua hai năm tổ chức giải cho thấy việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng đã thiết thực góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí chỉ rõ, Giải Búa liềm vàng được phát động trong năm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta bước sang năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng, đồng chí Phạm Minh Chính mong muốn mọi công dân, các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức đảng nhiệt tình hưởng ứng tham gia, cổ vũ, động viên, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng và với nhân dân.

Tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam còn rất lớn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đã dự, cắt băng khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) năm 2018 diễn ra sáng 29-3 tại Hà Nội.

Tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch và bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà đang phấn đấu để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thành cầu nối để nhân dân các nước gặp gỡ, trao đổi, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, hướng tới hòa bình, thịnh vượng, chia sẻ những điều tốt đẹp. Những năm qua, du lịch Việt Nam và các nước trong khu vực đã duy trì được đà tăng trưởng tốt, tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam là rất lớn, Việt Nam luôn mong muốn cùng với các nước, nền kinh tế trong khu vực, trên thế giới chung tay phát thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa trong tương lai.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Thành công của ngành du lịch Việt Nam cũng như các quốc gia bè bạn thời gian qua chắc chắn không thể thiếu sự đóng góp của các chính sách giao lưu ngày càng cởi mở của các quốc gia, các nền kinh tế, của các doanh nghiệp, mỗi người dân. Đặc biệt, người dân ngày càng tham gia sâu rộng vào phát triển du lịch, khi ở trong nước, người dân là đại sứ giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét đẹp của đất nước, con người; khi ra nước ngoài, mỗi người dân cũng là đại sứ mang hình ảnh văn hóa ra bên ngoài. Do đó, Phó Thủ tướng mong rằng, mọi người dân Việt Nam và người dân các quốc gia trên thế giới chung tay phát triển du lịch bền vững, góp phần vào phát triển một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt đánh giá cao và cám ơn sự giúp đỡ, đồng hành của bạn bè quốc tế trong suốt quá trình phát triển đất nước, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào sự phát triển của du lịch nước nhà… Chủ đề của Hội chợ lần này là “Du lịch trực tuyến – Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng các đơn vị, doanh nghiệp sẽ sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để kết nối ở mọi tầng nấc, giữa chính phủ với chính phủ, chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người với nhau được phát huy một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của du lịch.

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam năm 2018 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức. Hội chợ năm nay thu hút sự tham gia của hơn 670 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch đến từ từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ, 45 tỉnh, thành phố của Việt Nam.