Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh và giải thưởng Huy chương Puskin
“Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã bí mật với tôi đến phút cuối, nên khi biết được nhận giải thưởng tôi rất bất ngờ,” phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.
26 năm miệt mài làm từ điển Việt-Nga
Ở tuổi 80, phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh vẫn rất minh mẫn với lối nói chuyện cởi mở và thân tình.
Bà bảo, giữa năm 2017, bà đã có dịp trở lại nước Nga. Vì tuổi đã cao, bà coi đó là chuyến đi sau cùng về xứ sở bạch dương và ghé thăm thầy cô giáo, thăm bạn bè, trường xưa, lớp cũ.
Nhưng niềm vui như vỡ òa khi bà biết mình được nhận giải thưởng Huy chương Puskin. Thêm một lần nữa, bà lại có cơ hội trở về với mảnh đất mà mình đã có hơn 20 năm gắn bó.
Năm 1953, bà là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc học trường Thiếu niên Việt Nam, rồi được chọn sang Liên Xô. Năm 1961, bà Nguyễn Tuyết Minh trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của trường Đại học Sư phạm Lê Nin. Bà tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn (Đại học sư phạm Hà Nội), sau đó chuyển sang giảng dạy ở Ban tiếng Nga, Khoa ngoại ngữ (Đại học Sư phạm Ngoại ngữ).
Sau 15 năm gắn bó với giảng đường, bà Tuyết Minh cũng không ngờ nhân duyên với nước Nga lại một lần nữa gõ cửa, khi bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt-Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đó là năm 1986.
“Tôi nhận lời, vì bản thân tôi rất muốn làm khoa học. 15 năm, làm giảng viên, rồi phó chủ nhiệm khoa, tôi thấy mình cũng đã cống hiến đủ nhiều cho giáo dục,” phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.
Bán hết nhà cửa, bà cùng chồng, con bắt đầu một hành trình mới với 16 năm đằng đẵng xa quê.
“Sang Nga, lương tôi chỉ được 60 USD. May là chồng tôi cũng biết tiếng Nga và tìm được việc quản lý cho một nhà hàng, lương được 600 USD. Thế là chồng cày cuốc nuôi vợ làm khoa học,” bà Tuyết Minh vui vẻ kể.
Cả đời “ngồi ghế… bị cáo”
Chia sẻ về những ngày đầu làm khoa học bên nước bạn, phó giáo sư Tuyết Minh bảo, dù việc làm từ điển đã được triển khai từ trước đó 4 năm, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Vì đây là từ điển hợp tác giữa hai Viện Ngôn ngữ nên phải làm đúng theo quy điển của từ điển học. Về tiếng Việt phải căn cứ theo cuốn Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê chủ biên, trong khi cuốn này chỉ mới có 45.000 từ, chưa có từ điển cỡ lớn.
Bên cạnh đó, tiếng Việt và tiếng Nga có nhiều điểm khác nhau. “Ví dụ, trong nhóm danh từ của tiếng Việt có danh từ, số từ, loại từ... Tiếng Nga lại khác, mình phải chia thành nhiều loại. Cách tách từ cũng khác hoàn toàn. Chẳng hạn như từ điển của mình khi đó có mỗi từ ‘ngồi’, không có từ ‘ngồi xuống’, dù đây là hai từ khác nhau, ngồi là trạng thái, ngồi xuống là hành động. Trong khi tiếng Nga có rất nhiều từ liên quan. Hoặc từ ‘đi’, từ điển của mình chỉ có một từ ‘đi’. Trong tiếng Nga có đến chục từ như đi qua, đi lại, đi lên, đi xuống… , nhưng chúng tôi lại không được đưa mỗi từ đó như một từ riêng. Vì thế, nếu chỉ dịch thuần túy thì không dịch được.”
“Do đó, chúng tôi phải suy nghĩ xem làm như thế nào. Tôi tính đến cách để đưa các từ đó như ví dụ, cấu tạo từ, hoặc từ láy… Chưa kể, mỗi từ với mỗi nghĩa lại phải qua trao đổi thống nhất giữa nhiều người, phải lập phiếu riêng…” phó giáo sư Tuyết Minh kể.
Với những khác biệt đó, bà cùng các cộng sự đã phải mất đến hai năm chỉ để đưa ra các nguyên tắc, và mất đến 16 năm miệt mài bên nước bạn, từ năm 1986 đến năm 2002, để hoàn tất cuốn Đại từ điển Việt-Nga. Trở về nước năm 2002, bà còn phải dành đến 10 năm để biên tập lại.
“26 năm cho một cuốn từ điển, nhiều người hỏi vì sao lại tốn quá nhiều thời gian như vậy? Một cuốn từ điển, nhìn đơn giản nhưng sau lưng nó là bao nhiêu lý thuyết. Chúng tôi vẫn đùa là nếu ai phạm tội, không cần cho ngồi tù, cứ bắt đi làm từ điển là đủ sợ rồi,” bà Tuyết Minh cười nói.
Dành chừng ấy thời gian cho công trình của mình, nhưng bà Tuyết Minh bảo dù có tỉ mỉ đến đâu thì cuốn từ điển vẫn không thể tránh những sai sót.
“Từ điển là để tra, bất kỳ khi nào người ta cũng có thể tìm ra lỗi, nên tôi hay nói với mọi người rằng, làm từ điển tức là cả đời tôi ngồi trên ghế... bị cáo,” phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh vui vẻ bông đùa.
Bên cạnh việc làm Đại từ điển Việt-Nga, phó giáo sư Tuyết Minh cũng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga và biên dịch nhiều cuốn sách có giá trị.
Cả cuộc đời gắn bó với tiếng Nga, bà Tuyết Minh bảo rằng đó là điều rất may mắn. "Học tiếng Nga không những để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa vĩ đại. Không những thế, tôi còn hiểu và học được rất nhiều điều từ tính cách, tình cảm của những con người Nga thân thiện," phó giáo sư Tuyết Minh chia sẻ./.
Hoạt động vui Xuân đón Tết của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, Venezuela, Ấn Độ và Hà Lan  (18/02/2018)
Ngoại trưởng Mỹ chờ đợi Triều Tiên sẵn sàng tham gia đối thoại  (18/02/2018)
Ngoại trưởng Đức Gabriel: Mỹ không còn là siêu cường duy nhất  (18/02/2018)
Phát huy vai trò của ngoại giao để tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước  (18/02/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên