Cần cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ
TCCSĐT - Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Nội vụ năm 2018 đã được Bộ Nội vụ tổ chức sáng 18-01, tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đẩy mạnh công tác ủy quyền, phân cấp gắn với thực hiện “hậu kiểm”
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, năm 2017, Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Bộ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Bộ hoàn thành công tác thẩm định, tham mưu Chính phủ ban hành 21 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng, trình Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ bước đầu thẩm định xong đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn; hoàn chỉnh dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi hoàn thiện, tiến hành các bước tiếp theo để trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Bộ Nội vụ nói riêng và ngành Nội vụ nói chung cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức các ngành, địa phương; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót.
Bộ đã nghiên cứu đẩy mạnh công tác ủy quyền, phân cấp một số lĩnh vực cho các ngành, địa phương, gắn với việc thực hiện chức năng “hậu kiểm” như: thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức hành chính; thẩm định đối tượng thực hiện tinh giản biên chế... góp phần tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Nội vụ, trong đó một mặt khó khăn, thiếu sót do sự chồng chéo của những văn bản quy định, mặt khác, do chính sự chủ quan, năng lực của đội ngũ công chức trong các cơ quan tham mưu giúp việc.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ
Phát biểu chỉ đạo, chỉ ra những tồn tại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong năm qua, ngành Nội vụ xây dựng, ban hành văn bản thể chế còn chậm, còn có tình trạng xin lùi thời hạn hoặc xin đưa ra khỏi chương trình công tác.
Công tác kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước còn chưa kiên quyết, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, thanh tra về tuyển dụng quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức các ngành, địa phương chưa toàn diện.
Bên cạnh đó, ngành chưa đổi mới công tác thi nâng ngạch công chức để khắc phục tính hình thức, hạn chế tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Bộ cũng còn bị động trong đề xuất các mô hình tổ chức bộ máy tại các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước theo ngành lĩnh vực, địa bàn lãnh thổ; chậm xem xét, xử lý các vấn đề đại biểu Quốc hội, dư luận quan tâm như tỷ lệ cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, kỷ luật, kỷ cương…
Ngành chưa chủ động rà soát tổng thể biên chế công chức, viên chức, cơ cấu lại vị trí việc làm, chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý thống nhất về công vụ nên còn để xảy ra sai sót trong quản lý, sử dụng biên chế tại các cơ quan, địa phương, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2018, Bộ Nội vụ phải gương mẫu, phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ để lãnh đạo ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bộ nghiên cứu, đề xuất sửa Luật Cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thống nhất, liên thông, đồng bộ với các quy định của Đảng. Cùng với đó, ngành Nội vụ nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, mô hình các cơ quan tổ chức theo ngành dọc để có đề án trình Chính phủ, đảm bảo tỷ tệ tinh giản đầu mối các đơn vị sự nghiệp.
“Phải quyết liệt hơn nữa, phải rà soát các quy định chặt chẽ về biên chế, số lượng công chức, viên chức. Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước. Rà soát, sắp xếp kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức trong hệ thống theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc phải do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm người phục vụ, nhất là khối văn phòng, hành chính”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước tình trạng vừa qua phát hiện một số cán bộ đề bạt không đúng, rất nhanh mà báo chí gọi là “siêu tốc”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ; khẩn trương thành lập tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra công vụ, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đặt vấn đề “có nhất thiết phải thi nâng ngạch công chức, để rồi các địa phương kéo về Hà Nội thi hay không, trong khi chuyên viên ở các địa phương công việc rất nhiều, làm bù đầu? Có người kinh nghiệm qua thực tiễn thì rất giỏi nhưng khi thi lại rớt, dư luận nói là có vấn đề tiêu cực,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả thực tế của việc thi nâng ngạch công chức, có hình thức hay không và yêu cầu của việc thi nâng ngạch dựa trên tiêu chí gì.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu theo hướng có xây dựng hệ thống tiêu chí rõ ràng, khoa học về trình độ, đạo đức, kinh nghiệm, cống hiến... để nâng ngạch.
“Đã có tiêu chí rõ ràng thì áp vào, rằng người có chức vụ thì gắn với tiêu chí nào để công nhận, người không có chức vụ nhưng có thâm niên hoàn thành nhiệm vụ theo niên hạn thì được nâng ngạch. Điều này là công khai, minh bạch, rõ ràng” - Phó Thủ tướng gợi ý.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp cùng bộ, ngành liên quan nghiên cứu đánh giá kỹ để đề xuất, tham mưu tiêu chí nào để xác định là đặc thù, bởi “không thể ngành nào cũng đòi đặc thù rồi cuối cùng không còn đặc thù gì cả, ai cũng bảo mình quan trọng như nhau”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Nội vụ rút kinh nghiệm trong công tác thi đua, khen thưởng, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, không cào bằng.
“Thủ tục rườm rà, cuối cùng ai đăng ký thì được, không đăng ký thì thôi, đăng ký rồi thì ai cũng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hết, còn chiến sỹ thi đua thì như nhau... Rồi năm nay anh nhường tôi, năm sau tôi nhường anh. Đó không phải là thực chất. Anh hùng là phải có sử tích anh hùng, phải rõ ràng thành tích, chứ tổng kết bao nhiêu việc làm của anh em khác, rồi của đơn vị, cuối cùng dồn cho một người thì không phải”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Thủ tướng thăm, tặng quà người dân bị thiệt hại do thiên tai ở Tuy Hòa  (18/01/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Indonesia  (18/01/2018)
Việt Nam không ngừng nỗ lực trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người  (18/01/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Thượng viện Indonesia  (18/01/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 08 đến ngày 14-01-2018)  (18/01/2018)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên