Châu Phi và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Văn Trịnh
21:39, ngày 09-11-2017

TCCS - Châu Phi đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với rất nhiều thách thức mà người châu Phi cho rằng, châu lục cần phải thực hiện “cuộc cách mạng táo bạo” để biến những thách thức lớn nhất trở thành các cơ hội đặc biệt. Nếu làm được điều đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến việc làm và sự thịnh vượng cho người dân châu Phi.

Những thách thức không nhỏ

Tính đến nay, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thường được gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cuộc cách mạng 2.0 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, cuộc cách mạng 3.0 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, thì cuộc cách mạng 4.0 được phát triển từ cách mạng 3.0, kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển, như Mỹ, một số nước ở châu Âu và châu Á.

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng 4.0 sẽ là: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Trên lĩnh vực vật lý là rô-bốt thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ na-nô. Nếu như cuộc cách mạng 1.0 dựa trên quyền sở hữu đất đai và kéo dài vài trăm năm thì cuộc cách mạng 4.0 phát triển với “tốc độ ánh sáng” lại chủ yếu dựa trên sở hữu về tri thức.

Với châu Phi, sau các cuộc đấu tranh giành độc lập và nửa thế kỷ phát triển nền kinh tế độc lập, châu Phi vẫn là châu lục chưa có sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy châu Phi phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng của các cuộc cách mạng công nghiệp trước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thách thức mới này lại xảy ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo châu Phi đang phải vật lộn với thực tiễn tăng trưởng kinh tế không như mong đợi để tạo thêm việc làm, giảm đói nghèo và bất bình đẳng.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nền công nghiệp của châu Phi vẫn còn khá lạc hậu so với nhiều nước khác. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), mặc dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã tăng hơn gấp đôi, đạt trên 120 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2005 - 2016, trong đó thương mại nội khối tăng từ 20% lên 34% trong cùng thời kỳ, nhưng thị phần xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của châu Phi chỉ chiếm trên dưới 1% trên phạm vi toàn cầu.

Châu Phi cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với môi trường làm việc hiện đại. Theo tính toán, châu Phi hiện thiếu 1 triệu kỹ sư. Thêm vào đó là sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận công nghệ số… Đây là những thách thức không dễ vượt qua trong một sớm một chiều, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có một cuộc “cách mạng táo bạo”. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khắp châu lục đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ đầu tư giảm sút, hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đến di cư trái phép và các cuộc biểu tình, xung đột trong nước. Quan ngại hơn, chỉ số Ibrahim 2016 về quản trị châu Phi cho thấy, nguyên tắc luật pháp đã bị suy giảm ở hơn 30 nước kể từ năm 2006. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi được tổ chức vào đầu tháng 5-2017 ở Đơ-ban (Nam Phi) dưới chủ đề “Đạt được tăng trưởng bao trùm thông qua trách nhiệm và trách nhiệm lãnh đạo”, đã tập trung vào nội dung mở rộng đối thoại giữa các nhà lãnh đạo khu vực và toàn cầu về các cơ chế mới để nâng cao tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Biến thách thức thành cơ hội

Đối với châu Phi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đầy thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn. Sau hàng thập niên phụ thuộc nặng nề vào các chu kỳ hàng hóa không ổn định, châu Phi đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Trong thập niên trước đây, các nhà lãnh đạo châu Phi đã có những nỗ lực để duy trì một khuôn khổ kinh tế vĩ mô ổn định và thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và các nâng cấp kết cấu hạ tầng. Những kết quả đạt được khiến người châu Phi tin tưởng rằng, châu lục của họ sẽ chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên sang một nền kinh tế dựa trên phát triển khoa học - công nghệ. Giai đoạn phát triển kinh tế mới của châu Phi sẽ tạo ra một thế hệ doanh nhân mới am hiểu về công nghệ và có đóng góp đối với sự phát triển khoa học - công nghệ của thế giới.

Nhiều đánh giá lạc quan cho rằng, châu Phi sẽ có những đóng góp có ý nghĩa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhiều thách thức lớn nhất từ cuộc cách mạng này có thể sẽ trở thành những cơ hội đặc biệt để thúc đẩy châu lục phát triển. Công nghệ di động đang nối liền lục địa này theo nhiều cách khác nhau. Hơn 70% người châu Phi hiện đã có cơ hội lớn chưa từng có để tiếp cận với công nghệ di động. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật số này tạo cơ hội mới cho đa số người châu Phi nghèo ở các nền kinh tế nông thôn và phi chính thức.

Để nắm bắt những cơ hội này, chính phủ các nước châu Phi đã đặt ra tầm nhìn trong báo cáo “Tương lai chúng tôi muốn cho châu Phi năm 2063”, được những người đứng đầu các nhà nước và Liên minh châu Phi thông qua. Hiện tầm nhìn này đã bắt đầu được triển khai thành hành động. Một số nước châu Phi khác cũng đang tìm kiếm những biện pháp đối phó với những thách thức mới khi đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chẳng hạn, Chính phủ Ga-bông đã thực hiện các biện pháp để ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nước này. “Đường vào kỷ nguyên số là tương lai” có thể được nhìn thấy trong rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông tới an ninh, tài chính và dịch vụ nhà hàng - khách sạn. Ga-bông đã thành lập Cơ quan quốc gia về tần số và hạ tầng số vào năm 2011. Cơ quan này có mục tiêu cải thiện chất lượng hệ thống thông tin của Ga-bông, làm tăng khả năng hình thành một tầng lớp doanh nhân mới. Năm 2015, Ga-bông được giải thưởng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thuộc giải thưởng phát triển bền vững vì đã cải thiện sự tiếp cận đối với các dịch vụ và mạng lưới công nghệ thông tin và truyền thông, giảm chi phí và mở rộng sự tiếp cận in-tơ-nét cho thanh niên. Gần đây, Chính phủ Ga-bông đã áp dụng loại hình vi-da điện tử, lưu trữ thuế điện tử; sử dụng hệ thống thanh toán, ngân hàng lưu động và hệ thống giám sát môi trường từ vệ tinh để theo dõi các nguy cơ môi trường. Sự đóng góp của các hoạt động mới này cho tăng trưởng kinh tế đã được kiểm chứng. Chẳng hạn như, dự án GRAINE là một chương trình đồn điền tiên phong đặt mục tiêu vào việc tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp cân bằng, cho phép người nông dân tự tiêu thụ sản phẩm mà không cần nhiều đến kết cấu hạ tầng. Thực hiện dự án này, người nông dân có khả năng sử dụng truyền thông số để bán sản phẩm trên phạm vi toàn cầu, có thu nhập phù hợp với môi trường và điều kiện sống của họ.

Sự kiện tuyến đường sắt lớn xuyên quốc gia Ê-ti-ô-pi-a - Di-bu-ti đi vào hoạt động vào tháng 10-2016 đã biến khao khát về mạng lưới đường sắt cao tốc của châu Phi đang trở thành hiện thực. Công nghệ sản xuất mới, như việc sử dụng mạng in-tơ-nét và in 3D đang giúp tự do hóa việc tiếp cận với công nghệ và phân cấp sản xuất. Tại khu công nghiệp Gearbox của Kê-ny-a, các nhà sản xuất, bao gồm các thợ thủ công không có kỹ năng chuẩn, đang sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, nhanh hơn và rẻ hơn. Tập đoàn đường sắt quốc gia Nam Phi (TRANSNET) cũng đi tiên phong với đoàn tàu đầu tiên được thiết kế, chế tạo và sản xuất tại châu Phi - đầu máy xe lửa xuyên Đại Tây Dương - ra mắt vào tháng 4-2017.

Hướng đến một kỷ nguyên phát triển mới

Theo các chuyên gia, khắc phục được thách thức, khai thác được cơ hội và làm chủ được tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề sống còn đối với các nền kinh tế. Việc châu Phi xác định đúng vị trí của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động to lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định của các quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhìn nhận là sẽ đưa châu Phi thoát khỏi sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt, không ổn định để hướng đến một tương lai thịnh vượng hơn, đạt được mục tiêu toàn cầu: Trở thành một châu lục “nổi lên” vào năm 2025. Đây là một thách thức nhưng châu Phi có thể biến thách thức thành cơ hội. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thể giúp người dân châu Phi nâng cao và cập nhật kiến thức lên mức chung của thế giới thông qua việc đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực đổi mới. Sự thay đổi này sẽ mang đến cơ hội đưa ra các quyết định nhanh hơn, có giá trị hơn và hiệu quả hơn cho tất cả mọi người dân châu Phi. Và như thế, lợi ích và sự thịnh vượng của châu lục sẽ tăng theo. Quy mô, sự đa dạng của các thị trường châu Phi tăng lên cũng có nghĩa là thương mại và công nghệ sẽ có cơ hội phát triển, tạo điều kiện cho châu lục này trở nên mạnh mẽ thông qua cuộc cách mạng công nghệ. Những cơ hội lớn có khả năng trở thành hiện thực trong tầm tay ở châu Phi là phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường - an ninh tài nguyên và y tế. Những cơ hội này sẽ hiện thực hóa khi đầu tư nước ngoài và nội khối tăng cao hơn.

Để đạt được mục tiêu đưa châu lục phát triển mạnh vào năm 2025, một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Phi là xây dựng một khu vực tự do thương mại chung. Hiện nay thương mại nội khối châu Phi chiếm khoảng 15%, trong khi đó thương mại liên lục địa giữa châu Phi với Liên minh châu Âu (EU) là 60%, Đông Á là 53%, Bắc Mỹ là 41% và khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê là 20%. Theo kế hoạch, đến ngày 30-10-2017, châu Phi sẽ tiến tới hình thành một Khu vực Thương mại tự do châu lục (CFTA). Khu vực mậu dịch tự do này được hình thành dựa trên việc hợp nhất thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC) và Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) với cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi, cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, Liên minh A-rập Ma-grép (Arab Maghreb) và cộng đồng các quốc gia Xa-hen - Xa-ha-ra (Sahel - Sahara).

Mục tiêu chính của CFTA là thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực châu Phi bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lưu chuyển hàng hóa và lao động; giảm chi phí kinh doanh, qua đó cải thiện khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Phi. Khu vực thương mại tự do này sẽ hướng tới xoá bỏ thuế quan trong khoảng thời gian từ 5 - 8 năm, trong đó 60% - 85% các loại thuế sẽ được miễn ngay khi thoả thuận có hiệu lực. Bước tiếp theo sẽ là giúp cho người châu Phi dễ dàng đi lại trong châu lục này mà không cần thị thực.

Năm 2025 được chọn như một thời điểm thích hợp để khai thác các cơ hội tiềm năng của các công nghệ mới và mang nó vào nền kinh tế số toàn cầu. Tuy nhiên nếu không có các chính sách phù hợp và hiệu quả, sẽ khó khăn để tiếp cận thương mại và khai thác các cơ hội đến từ các công nghệ mới. Để các doanh nghiệp châu Phi khai thác được cơ hội tiềm tàng của các công nghệ mới vào năm 2025, cần có sự hợp tác và cộng tác giữa ba thực thể là chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Ba thực thể này cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong một thế giới siêu kết nối, được dẫn dắt bởi công nghệ. Sự phát triển kết cấu hạ tầng, như năng lượng và khả năng kết nối cần đồng bộ với sự phát triển của hệ thống luật pháp, thể chế, môi trường kinh doanh... Sự đồng bộ đó sẽ bảo đảm cho nền kinh tế châu Phi phát triển một cách linh hoạt, luôn đổi mới, toàn diện và có khả năng thích ứng, khai thác được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ mới. Và như vậy, châu Phi có thể viết lên được kịch bản tương lai của mình, cất cánh, trở thành một “người chơi” chính trong nền kinh tế số toàn cầu ở thế kỷ XXI./