Cuộc khủng hoảng Catalunya lên đến cao trào
Catalunya chính thức tuyên bố độc lập
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Madrid và các nước châu Âu, ngày 27-10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalunya chính thức tuyên bố độc lập. Hãng tin Anh Reuters cho biết cơ quan lập pháp địa phương này đã thông qua kiến nghị độc lập với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền và đảng Ciudadanos đã bày tỏ sự phản đối khi bỏ ra ngoài trước cuộc bỏ phiếu.
Việc cơ quan lập pháp Catalunya chính thức tuyên bố độc lập khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha lên đến cao trào. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalunya là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU. Trong một phản ứng đầu tiên sau khi cơ quan lập pháp vùng tự trị chính thức tuyên bố vùng này độc lập khỏi Tây Ban Nha, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã kêu gọi người dân kiềm chế và khẳng định các trật tự pháp luật sẽ được khôi phục tại đây. Thủ tướng Rajoy kêu gọi người dân Tây Ban Nha giữ bình tĩnh và cam kết chính quyền trung ương khôi phục các quy định luật pháp tại Catalunya.
Tây Ban Nha thông qua các biện pháp khẩn cấp
Tối 27-10, Thượng viện Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với vùng Catalunya.
Thượng viện Tây Ban Nha phê chuẩn các biện pháp này ngay sau khi quan lập pháp Catalunya công bố kết quả cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi về kiến nghị tuyên bố độc lập. Các biện pháp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp cho phép chính quyền Madrid tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalunya.
Chính quyền trung ương Madrid khẳng định Thủ hiến Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực vì Thượng viện Tây Ban Nha đã thông qua việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với khu vực này. Đây là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Cũng trong ngày 27-10 Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố ông đã giải tán cơ quan lập pháp Catalunya và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua.
Thủ tướng Rajoy cũng chính thức cách chức lãnh đạo Catalunya của Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này như một phần trong các biện pháp "khôi phục lại trạng thái bình thường" sau khi nghị viện của Catalunya trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu đơn phương tuyên bố độc lập.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng cần khẩn trương lắng nghe các công dân Catalunya, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể hành động ngoài vòng luật pháp nhân danh họ".
Ngày 28-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức kiểm soát chính quyền vùng Catalunya với việc Thủ tướng Mariano Rajoy tiếp nhận mọi công việc điều hành của Thủ hiến vùng này. Tuy nhiên, Thủ tướng Rajoy đã chuyển giao các công việc này cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria. Các bộ, ngành chính phủ Tây Ban Nha cũng đã tiếp nhận việc điều hành các cơ quan khác trong chính quyền Catalunya.
Chỉ huy cảnh sát vùng Catalunya Josep Lluis Trapero cũng đã bị cách chức và được thay thế bằng một người khác.
Cũng trong ngày 28-10, cựu Thủ hiến Puigdemont đã kêu gọi người dân Catalunya kiềm chế, không gây bạo động và nỗ lực hướng đến việc "xây dựng một quốc gia tự do". Trong một động thái liên quan, chính phủ Tây Ban Nha khẳng định Madrid hoan nghênh cựu Thủ hiến Puigdemont tham gia cuộc bầu cử sớm tại Catalunya vào tháng 12 tới. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho rằng ông Puigdemont cần chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới nếu muốn tiếp tục theo đuổi con đường chính trị. Người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha cũng khẳng định nếu ông Puigdemont không từ bỏ nhiệm sở, chính quyền Madrid sẽ phản ứng một cách "sáng suốt và căn cứ trên thực tế". Liên quan đến vấn đề cựu Thủ hiến Catalunya phải đối mặt với việc bị truy tố trước tòa, ông Mendez tái khẳng định hệ thống tư pháp và chính trị ở Tây Ban Nha là tách biệt và rằng "không ai đứng trên luật pháp".
Nhiều nước phản đối Catalunya tuyên bố độc lập
Ngày 28-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Catalunya, Tây Ban Nha và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của Nghị viện vùng này. Ông Tusk nhấn mạnh: “Với EU, không có gì thay đổi, Tây Ban Nha là đối tác duy nhất của chúng tôi”. Ông cũng kêu gọi Madrid ưu tiên đối thoại thay vì sử dụng vũ lực.
Ngày 27-10, Chính phủ liên bang Đức đã tuyên bố không công nhận tuyên bố độc lập của vùng Catalunya thuộc Tây Ban Nha. Trong một tuyên bố được đăng trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nêu rõ: "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha đang và sẽ luôn là bất khả xâm phạm". Bên cạnh đó, ông Seibert cũng kêu gọi các bên liên quan sử dụng tất cả những cơ hội sẵn có để đối thoại và tránh leo thăng căng thẳng.
Đồng quan điểm với Chính phủ Đức và EU, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-10 cũng khẳng định Catalunya là một phần không thể tách rời Tây Ban Nha và Washington ủng hộ các biện pháp của chính quyền trung ương Madrid nhằm đảm bảo sự thống nhất đất nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: "Catalunya là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp trong khuôn khổ Hiến pháp của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm gìn giữ một đất nước thống nhất và vững mạnh". Ngoài ra, quan chức ngoại giao Mỹ còn khẳng định Washington coi trọng tình hữu nghị và mối quan hệ đối tác lâu dài với Madrid, một quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, giới chức NATO khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay tại Catalunya là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và nước này cần giải quyết vấn đề này theo quy định Hiến pháp.
Pháp, Anh, Italia cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalunya vừa thông qua. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalunya cần phải được xem xét. Chính phủ Đức thì cho hay ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này. Người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalunya được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và rằng sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng.
Ngoài ra, một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.
Ngày 28-10, Hàng nghìn người Tây Ban Nha đã tuần hành trên các đường phố lớn ở thủ đô Madrid nhằm phản đối tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Catalunya. Nhiều người trong đoàn tuần hành thậm chí còn hô vang khẩu hiệu, yêu cầu bỏ tù cựu Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont. Đoàn người cũng mang theo những biểu ngữ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha, trong đó có 1 biểu ngữ lớn với dòng chữ "Tây Ban Nha sẽ không khuất phục".
Những hệ quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Catalunya
Ngay sau tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalunya, thị trường chứng khoán Madrid đã ngay lập tức mất giá. Chỉ số chứng khoán tổng hợp của Madrid - IBEX 35 đã giảm 1% giá trị ngay trong phiên giao cuối giờ chiều. Trong khi đó, các chỉ số chủ chốt khác của châu Âu vẫn duy trì đà tăng. Theo các chuyên gia chứng khoán, chuyển động trái chiều này của chỉ số IBEX 35 là do chịu tác động của các thông tin từ Catalunya.
Cùng đà với phản ứng này, cổ phiếu của các ngân hàng Catalunya cũng đồng loạt lao dốc. Cổ phiếu ngân hàng lớn thứ 3 của Tây Ban Nha CaixaBank đã mất giá tới 5% trong khi Sabadell, ngân hàng lớn thứ 5, cũng giảm tới 6%. Gần 1.700 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở của mình khỏi vùng Catalunya. Đây cũng là trường hợp của hai ngân hàng CaixaBank và Banco Sabadell, công ty khí Gas Natural, "người khổng lồ" bất động sản Colonial hoặc nhà quản lý đường cao tốc Abertis. Công ty đánh giá tín dụng tài chính Fitch đã đặt chỉ số tín dụng tài chính của Catalunya dưới sự giám sát đặc biệt và khả năng cao là chỉ số này sẽ bị hạ bậc. Fitch nêu rõ có cơ sở chắc chắn để khẳng định hành động tuyên bố độc lập của vùng Catalunya sẽ gây ra một thảm họa về kinh tế cho người dân nơi đây.
Chủ tịch tổ chức giới chủ Tây Ban Nha Juan Rosell thừa nhận rằng xu hướng ngày càng xấu và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội Catalunya. Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại tuyên bố độc lập sẽ kéo theo việc vùng Catalunya sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu, khu vực đồng tiền chung châu Âu và thị trường chung.
Ngoài những lo lắng này, "sức khỏe" tài chính của vùng tự trị cũng bị ảnh hưởng nặng nề một khi cắt đứt với Tây Ban Nha. Vùng Catalunya chắc chắn sẽ mất quyền tiếp cận vào thị trường chung châu Âu. Nếu Catalunya tuân theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới thì hàng hóa của họ xuất khẩu sang EU đều sẽ phải chịu thuế ở mức trung bình là 5% và với các sản phẩm ô tô là 10%. Điều này sẽ gây những tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế cũng như đối với cán cân thương mại của Catalunya, nhất là khi vùng đất này hiện đang có tỷ lệ xuất siêu cao.
Cuộc khủng hoảng đã đến hồi kết?
Tuyên bố độc lập của vùng Catalunya không nhận được sự ủng hộ của các nước phương Tây cũng như đối mặt với các biện pháp cương quyết từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đó, hy vọng thành công là khá mong manh. Tuy nhiên, liệu cuộc khủng hoảng này đã đến hồi kết hay chưa thì vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, bởi lẽ, vẫn còn đó những nguyên nhân sâu xa về kinh tế, văn hóa,… làm phát sinh cuộc khủng hoảng này.
Nhà nghiên cứu Barbara Loyer, Giám đốc Học viện địa chính trị Paris 8 của Pháp, chuyên gia về quan hệ Tây Ban Nha - châu Âu cho rằng tuyên bố độc lập của chính quyền tự trị vùng Catalunya có những vấn đề chính trị và địa chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột bất kỳ lúc nào.
Chuyên gia trên cho rằng theo nghị quyết được cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalunya thông qua, "Cộng hòa Catalunya là Nhà nước độc lập và có chủ quyền, pháp quyền, dân chủ và xã hội". Như vậy, rõ ràng Catalunya tự tuyên bố mình là một quốc gia độc lập như Tây Ban Nha hay Pháp. Tuy nhiên, không một quốc gia châu Âu nào sẵn sàng công nhận Catalunya như một Nhà nước độc lập.
Bà Loyer nhấn mạnh nghị quyết của Catalunya "hoàn toàn không mang ý nghĩa tượng trưng", mà "kế hoạch của chính quyền vùng này khá rõ ràng" và được "dày công nghiên cứu trong nhiều năm". Bà cho rằng "Madrid đã không đánh giá đúng mức độ bất mãn tại Catalunya và đã bị mắc kẹt" trong vấn đề này.
Trước việc hàng trăm người dân vùng Catalunya tụ tập để ăn mừng tuyên bố độc lập của chính quyền vùng này, bà Loyer cho rằng Chính phủ Tây Ban Nha sẽ không làm ngơ sau tuyên bố độc lập trên, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột là rất lớn trong những tuần tới vì xã hội dân sự đang bị chia rẽ nghiêm trọng./.
Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát về đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt tại Quảng Ninh  (28/10/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra các thiết chế công đoàn và đối thoại với công nhân tại Đồng Nai  (28/10/2017)
Bảo đảm chu đáo công tác đón tiếp lãnh đạo các nền kinh tế APEC  (28/10/2017)
Khai trương Trung tâm Báo chí Quốc tế Tuần lễ Cấp cao APEC 2017  (28/10/2017)
Phát triển quan hệ truyền thống Việt Nam - Algeria  (28/10/2017)
Khai mạc Triển lãm ảnh về ASEAN tại Myanmar  (28/10/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên