TCCSĐT - Sáng ngày 03-10-2017, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào Hàng Việt Nam năm 2017 và Chương trình Sinh viên nhận diện hàng Việt Nam (gọi tắt là Chương trình).

 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc.


Phát biểu Khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2017 là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014, là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01-01-2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
 

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc Vận động
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Lễ Khai mạc.

Sau 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã hình thành phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam. Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam. 

Năm 2017 là năm thứ ba Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, thông qua nhiều hoạt động truyền thông, sự kiện đã lan tỏa cảm hứng về tình yêu hàng Việt Nam đến nhiều người dân và doanh nghiệp.

Chương trình gồm các hoạt động như:

Về sự kiện: Lễ khai mạc Chương trình; Gameshow truyền hình Chương trình Sinh viên nhận diện hàng Việt; Chương trình đưa hàng Việt Nam đến người lao động tại Cần Thơ.

Về truyền thông: các hoạt động được triển khai ngay từ đầu năm 2017: Bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam”; Cuộc thi viết “Yêu hàng Việt Nam - Câu chuyện của tôi”…; các trò chơi trực tuyến về các thương hiệu Việt Nam…

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với vai trò, chức năng của mình, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng. Cùng với đó là các tiêu chí phù hợp để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tạo tiền đề liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để đưa hàng hóa về các vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các hiệp hội ngành hàng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đề xuất tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước theo thông lệ quốc tế và các cam kết trong WTO…

 

 Sinh viên các trường cao đẳng, đại học tham gia Chương trình Sinh viên nhận diện hàng Việt.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sâu rộng, thị trường Việt Nam ngày càng đa dạng, trong đó có cả những hàng hóa không bảo đảm, giá thành lại cao. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước. Việc tổ chức chương trình sẽ giúp người tiêu dùng có thông tin chính xác, đầy đủ về khả năng sản xuất, kinh doanh của nhà sản xuất trong nước; đồng thời phân biệt nhận diện, hệ thống được hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao để lựa chọn và quyết định tiêu dùng. Các doanh nghiệp sẽ nhận thức được tầm quan trọng của thị trường với hơn 90 triệu dân, nhằm cung cấp những sản phẩm có uy tín, chất lượng cho thị trường nội địa thay vì tập trung cho xuất khẩu. Giúp các doanh nghiệp cạnh tranh một cách lành mạnh, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trước, trong và sau bán hàng. Qua Chương trình này, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận toàn diện hơn được tầm quan trọng của hàng hóa nước nhà, từ đó có thêm công cụ kiểm soát, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hàng hóa Việt phát triển trên thị trường trong nước./.