Ngày 15-8, Diễn đàn nhiều bên “Đầu tư cho già hóa năng động và khỏe mạnh vì tăng trưởng bền vững” với chủ đề “Cách tiếp cận khu vực nhằm thúc đẩy chăm sóc dài hạn sáng tạo” đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu là các nghị sỹ, quan chức chính phủ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế.

Diễn đàn do Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Chính phủ Nhật Bản và Diễn đàn Nghị sỹ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Tổ chức HelpAge International (Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế, Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (JCIE), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đồng tổ chức. Diễn đàn được tổ chức bên lề Hội nghị Quan chức Cấp cao (SOM) lần thứ 3 và các cuộc họp liên quan, nhằm thúc đẩy đối thoại và hành động chung về khung chính sách khu vực, cung cấp thông tin đầu vào cho SOM cũng như thúc đẩy tranh luận về chính sách trong các quan chức APEC.

Chủ trì phiên khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam khẳng định: Biến đổi dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất thế giới hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ người cao tuổi, mang lại cơ hội và thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, tới mọi cộng đồng và mỗi gia đình.

Diễn đàn là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học và các bên liên quan cùng chia sẻ, thảo luận tìm kiếm giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực để đầu tư cho “Già hóa năng động và khỏe mạnh”, hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi nền kinh tế nói riêng, cũng như sự thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Diễn đàn là dịp để Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế trong giải quyết những thách thức của vấn đề già hóa dân số.

Ông Keizo Takemi, Thượng Nghị sỹ Nhật Bản, Chủ tịch Diễn đàn các Nghị sỹ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD) cho rằng, vấn đề già hóa dân số đã trở thành một vấn đề mang tính khu vực, cần có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều bên trong việc đưa ra giải pháp và hành động giải quyết. Diễn đàn lần này tạo cơ hội thuận lợi cho việc xúc tiến hợp tác giữa các quốc gia trong việc triển khai các giải pháp đa phương, các chương trình hợp tác công tư trong việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già, giúp người dân nâng cao tuổi thọ trung bình và khỏe mạnh để có thể tiếp tục làm việc và cống hiến, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những người trẻ tuổi.

Bà Ermalena Muslim Hasbullah, Nghị sỹ Quốc hội Indonesia, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ Indonesia về Dân số và Phát triển cho rằng, Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ trách nhiệm và cam kết về tầm nhìn của APEC cũng như nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc giải quyết vấn đề già hóa dân số, chuyển đổi vấn đề già hóa trở thành những cơ hội cho phát triển, không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại.

Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tìm hiểu cách thức tăng cường hợp tác xuyên biên giới, hợp tác liên ngành nhằm giúp xã hội các quốc gia thích ứng với thế giới già hóa bằng cách tạo điều kiện, phát triển các hệ thống chăm sóc dài hạn, dựa vào cộng đồng và toàn diện cũng như thông qua hoạt động di chuyển quốc tế có hiệu quả hơn của lao động chăm sóc có trình độ.

Diễn đàn là cơ hội nâng cao nhận thức về mức độ khẩn cấp của việc giải quyết vấn đề già hóa dân số, thảo luận những thách thức và cách thức nhằm khai thác lợi ích của già hóa nhanh chóng ở các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những thực hành tốt và sáng tạo trong giải quyết vấn đề già hóa dân số.

Dân số các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% dân số thế giới, nhưng số người cao tuổi chiếm tới gần 50% số người cao tuổi trên thế giới và hầu hết các quốc gia thành viên APEC đều đối mặt với sự thách thức đến từ vấn đề người cao tuổi, nhất là các quốc gia có số lượng và tỷ trọng người già cao như Trung Quốc, Nhật Bản...

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 triệu người cao tuổi (11% dân số), với tốc độ già hóa dân số được dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới, có thể đạt 18% dân số vào năm 2030 và 26% vào năm 2050./.