Nhà nước trong nền kinh tế thị trường Singapore

PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới
22:01, ngày 11-08-2017
TCCSĐT - Trong kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước đóng vai trò quan trọng, quyết định sự tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế. Nhà nước và thị trường là hai lực lượng cần thiết, tương tác bổ sung cho nhau để điều tiết quá trình phát triển kinh tế.
Nhà nước không thể thay thế cho thị trường nhưng có thể tác động một cách có hiệu quả đến mọi hoạt động của nền kinh tế thị trường. Sự bất cập trong xử lý quan hệ giữa nhà nước và thị trường dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả của nền kinh tế.

Vai trò can thiệp của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường Singapore

Singapore được xem như điển hình của sự can thiệp nhà nước vào kinh tế thị trường, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Sở dĩ nhà nước buộc phải can thiệp vào các hoạt động kinh tế nói chung, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nói riêng vì, sau khi giành độc lập (1965), kinh tế Singapore phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, các cơ sở kinh tế quốc doanh, tư bản tư nhân trong nước còn yếu, thị trường tiền tệ chưa có... nên chỉ có nhà nước mới có khả năng đứng ra huy động vốn để đầu tư vào các dự án lớn với thời gian dài. Trong mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, nhà nước không can thiệp vào thị trường mà chỉ thúc đẩy cho thị trường phát triển. Singapore đã sử dụng thị trường như một công cụ chứ không phải là một cơ chế. Vai trò can thiệp của nhà nước Singapore thể hiện ở 2 lĩnh vực:

Một là, định hướng cho sự phát triển của thị trường

Thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Thị trường kích thích phát triển kinh tế cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu, tăng cường chuyên môn hóa sản xuất, thúc đẩy nâng cao kỹ năng lao động và luôn được gắn kết trong mỗi nhà nước cũng như trong sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Thị trường tự thân nó không thể giải quyết những sự mất cân bằng cơ cấu bởi vì những mất cân bằng này đã vốn có trong hệ thống thị trường tự do nên nó cần đến sự can thiệp của nhà nước. Lúc này, nhà nước đóng vai trò "can thiệp" một cách có chọn lọc và trở thành thị trường "không thân thiện trong quá trình đó.

Trong nền kinh tế hiện đại, vai trò của nhà nước thể hiện rõ ở việc xác định “các quy tắc trò chơi” để can thiệp vào những khu vực cần có sự lựa chọn vào những khuyết tật của thị trường, để đảm bảo tính chỉnh thể của nền kinh tế và cung cấp những dịch vụ phúc lợi. Nhà nước muốn thu hút vốn đầu tư thì phải tạo lập được những thể chế mà các nhà đầu tư mong muốn. Nghĩa là, thị trường đòi hỏi phải có thể chế hỗ trợ. Để tạo được bước đột phá trong cải cách thể chế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh thì năng lực quản trị nhà nước được xem là nhân tố tạo nên thành công của Singapore. Những thể chế nhà nước Singapore tạo lập, bao gồm:

- Thể chế thông tin hỗ trợ thị trường.
Thông tin là huyết mạch của mọi nền kinh tế. Nếu không có thông tin đáng tin cậy, thị trường sẽ không hoạt động tốt. Vì thế, nhà nước xây dựng những thể chế thông tin hỗ trợ thị trường và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp như một kênh hỗ trợ quan trọng của nhà nước. Các doanh nghiệp quốc tế (IE-International Enterprisis) trực thuộc Bộ Công thương Singapore có trên 30 văn phòng ở nhiều nước trên thế giới. Các văn phòng này có trách nhiệm tập hợp và cung cấp các thông tin thị trường.

- Thể chế về quyền sở hữu. Thị trường sẽ không thể phát triển tốt nếu như không có sự thừa nhận và tôn trọng quyền sở hữu từ phía nhà nước. Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường cần thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, cũng như quyền được hưởng các lợi ích kinh tế xuất phát từ việc sử dụng quyền sở hữu đó. Đây là sự can thiệp rất quan trọng của nhà nước trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, khuyến khích những hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học, phát huy khả năng trí tuệ của người lao động.

- Thể chế hành chính nhà nước đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường, chống độc quyền. Các hành vi phản cạnh tranh có thể dẫn đến việc phân bổ không hiệu quả các nguồn lực, làm suy giảm hiệu quả hoạt động kinh tế. Thể chế hành chính nhà nước về cạnh tranh điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp thông qua các quy định cấm thông đồng định giá và các thỏa thuận thông đồng khác, hoặc các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.

Vai trò quan trọng nhất của nhà nước Singapore là định hướng mục tiêu phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường, kiểm soát độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước xây dựng được môi trường cạnh tranh công bằng, bền vững, môi trường mà ở đó các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có điều kiện phát triển. Nhà nước dùng công cụ chính sách khắc phục khó khăn, khiếm khuyết của thị trường nhưng chủ yếu là dùng công cụ, chính sách chứ không sử dụng nguồn lực của nhà nước để làm thay công việc sản xuất và kinh doanh của thị trường. Điều này được thể hiện rất rõ trong cách thức quản lý vốn nhà nước ở Singapore. Nhà nước thành lập Công ty Đầu tư tài chính Temasek (1974). Việc thành lập Temasek nhằm phục vụ yêu cầu tách biệt vai trò điều hòa chính sách của nhà nước khỏi vai trò kinh doanh. Nguồn vốn của Temasek được hình thành chủ yếu từ khoản tiết kiệm bắt buộc của người dân cùng với nguồn ngân sách nhà nước thu được từ thuế. Với số vốn đó, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia kinh tế hàng đầu quốc gia và thế giới, Temasek tập trung đầu tư và kinh doanh vào một số lĩnh vực nhất định nhằm thu lợi nhuận cho quốc gia. Lợi nhuận đó sẽ được chia đều cho những người góp vốn - là người dân. Chính bởi lý do này mà ở Singapore, khoản trợ cấp khi về hưu của người dân rất lớn.

Yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của Temasek là cơ cấu tổ chức hợp lý, tập hợp được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh. Temasek không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ thực hiện vai trò cổ đông trong những vấn đề lớn như chính sách quản trị công ty, định hướng chiến lược phát triển... Temasek bảo đảm tính độc lập trong quản lý kinh doanh của bộ máy lãnh đạo công ty. Để giảm thiểu các trường hợp đầu tư kém hiệu quả, Temasek có thể bán bớt cổ phiếu hoặc giải thể các công ty làm ăn thua lỗ như trường hợp bán Công ty Công nghệ Xây dựng (1996) và giải thể Công ty Micropolis (1997).

Hai là, thúc đẩy, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp


Là một trong hai mươi quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới (1), vì vậy, nếu các doanh nghiệp Singapore chỉ hoạt động trong nước thì khó có điều kiện phát triển bởi thị trường nhỏ hẹp, nguồn tài nguyên khoáng sản khan hiếm… Do đó, 60% doanh nghiệp của Singapore có khuynh hướng đầu tư ra nước ngoài hoặc hướng tới hoạt động xuất khẩu. Nhà nước Singapore đã hỗ trợ kinh phí hình thành quỹ đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp để họ có kiến thức sâu rộng khi tham gia kinh doanh tại các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nga… Trường Đại học Công nghệ Nanyang là một trong những cơ sở được Nhà nước “đặt hàng” và đã thực hiện tốt chương trình đào tạo. Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo của nhà nước và chỉ phải đóng một phần nhỏ tiền học phí còn phần lớn được Nhà nước hỗ trợ nhưng lại được tiếp thu những kiến thức kinh tế mới nhất, những kinh nghiệm quản trị kinh doanh tốt nhất từ các chuyên gia kinh tế, các nhà kinh doanh thành đạt.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới (năm 2008), kinh tế Singapore bị sụt giảm, nhưng với phương châm “Doanh nghiệp mạnh, đất nước giàu”, Nhà nước hỗ trợ vốn cho sản xuất, kinh doanh và thành lập doanh nghiệp mới. Những doanh nghiệp có tính sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển trong tương lai cũng được nhà nước xem xét hỗ trợ về mặt tài chính. Chính sách hỗ trợ được thực hiện thông qua bảo lãnh với ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Nhà nước giúp đỡ doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai hoặc những nguyên nhân khách quan thông qua việc can thiệp, bảo lãnh với cơ quan thuế cho doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp đã có công đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế Singapore.

Phát triển kinh tế luôn đòi hỏi sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước Singapore rất năng động và thực tế. Sự can thiệp của nhà nước Singapore có hiệu quả cao, bởi đó là sự can thiệp theo hướng thị trường, hoặc sửa chữa những sai lầm của thị trường, chứ không phải là thay thế thị trường. Là quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, Singapore chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2007) với lạm phát cao, tăng trưởng chậm và xuất khẩu đình trệ. Nhà nước đã trấn an tinh thần người dân bằng cách đảm bảo nguồn cung cấp lương thực. Theo khía cạnh kinh tế, phương châm để "bàn tay vô hình" tự ổn định thị trường đã có hiệu quả: Không tìm cách dìm cung mà đối phó với nó bằng cách tăng cầu. Sự can thiệp của nhà nước Singapore đối với nền kinh tế tập trung vào ba khu vực chính:

Thứ nhất, điều tiết thị trường lao động. Trong giai đoạn đầu phát triển, nhà nước xây dựng khu vực việc làm cho lao động phổ thông qua việc thu hút đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm duy trì mức cạnh tranh quốc tế trong hoạt động sản xuất, nhà nước áp đặt mức lương tối thiểu hiệu quả. Để đạt được mục tiêu có nguồn lao động với chất lượng cao, Singapore đã tập trung ngân sách rất lớn tài trợ cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục sau đại học. Nhà nước ban hành chương trình giáo dục bắt buộc và miễn phí trong vòng 10 năm (từ 6 đến 16 tuổi). Nhà nước phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo vào trong các chính sách công nghiệp hoá, bao gồm đưa nguồn nhân lực vào các khu vực sản xuất công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia. Đây được xem là một chiến lược quan trọng nhằm học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước phương Tây cho nguồn nhân lực của Singapore. Nhà nước có chính sách cụ thể trong việc trả lương xứng đáng cho cán bộ, công chức, qua đó hạn chế tối đa tham nhũng (2), minh bạch hóa chính phủ, tạo đà cho cán bộ công chức dành hết tâm sức vào công việc được giao.

Thứ hai, khuyến khích giáo dục đào tạo.
Singapore có đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới, thành thạo về chuyên môn, kĩ thuật và có thái độ làm việc tích cực là nhờ nhà nước đã liên tục đầu tư vào đào tạo thông qua giáo dục. Nhà nước tập trung xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Giáo dục và đào tạo ban đầu được trợ cấp bởi nhà nước. Sau đó được khuyến khích đầu tư nhằm hiện đại hoá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Hiện Singapore có hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến nhất thế giới. Không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài trong nước, Singapore chú trọng đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới với bước đột phá là việc sử dụng nhân tài ngoại quốc trong bộ máy nhà nước. Chính sách của Singapore là chào đón người có tài năng từ nước ngoài vào bộ máy nhà nước với ưu đãi trọng dụng người tài như trả lương cao để họ dành hết tâm sức cho công việc quản lý kinh tế.

Thứ ba, nâng cao mức tiết kiệm trong nền kinh tế. Nhà nước Singapore xem tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Cuộc vận động tiết kiệm luôn được tiến hành và nhận được sự ủng hộ của người dân. Với chính sách tiết kiệm bắt buộc, người lao động có thu nhập bằng lương đều gửi tiết kiệm vào quỹ khoảng 20-25% tổng thu nhập. Gói kích cầu đầu tư gần 20 tỷ USD (2009) là minh chứng rõ ràng cho tỷ lệ tiết kiệm cao của Singapore. Có thể khẳng định, Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới với mức gửi tiết kiệm đã tăng từ 10% lên đến 50% trong giai đoạn (1955 -1985) (3). Tiết kiệm chất xám và sức lao động được Singapore thực hiện thông qua việc khai thác chất xám, khai thác sức lao động một cách hiệu quả. Từ một quốc gia chuyên sản xuất hàng giá rẻ vào những năm 1960, Singapore trở thành trung tâm ngoại hối lớn thứ 3 thế giới (sau Anh và Mỹ), vượt Nhật Bản để thành trung tâm ngoại hối lớn nhất khu vực châu Á năm 2013 (4). Chính sách tiết kiệm bắt buộc đã góp phần làm giàu nền kinh tế Singapore. Với tỉ lệ tiết kiệm cao, nguồn vốn dự trữ lớn, lưu lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài dồi dào, Singapore đã có khả năng ứng phó cũng như đề ra các biện pháp kịp thời và quyết đoán để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng. Chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh cho các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp Singapore có khả năng tích luỹ vốn và nguồn lực ở mức cao. Chính sách thuế hiệu quả giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế. Hệ quả là tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ở mức cao được duy trì ổn định lâu dài. Singapore là một trong số quốc gia phát triển bậc nhất Châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người cao, phúc lợi từ các tiện ích, dịch vụ cuộc sống và an sinh xã hội hàng đầu thế giới.

Nhà nước quản lý phần lớn các khoản tiết kiệm thông qua Quỹ Dự phòng Trung ương (CPF-Central Provident Fund) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện (POSB- Post Office Saving Bank). Hằng năm, Nhà nước quyết định tăng lương và thiết lập các lợi ích tối thiểu trong khu vực công và tư nhân. Trách nhiệm của nhà nước về phúc lợi đã giành được sự ủng hộ lớn của người dân, do đó đảm bảo sự ổn định chính trị khuyến khích đầu tư tư nhân. Sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế đã được quản lý theo hướng kinh doanh mà không cần phải có sự trợ giúp, ít nhất là về phúc lợi vật chất. So với các nền kinh tế châu Á năng động khác, cách tiếp cận của nhà nước Singapore trong việc can thiệp vào nền kinh tế ngày càng rộng rãi hơn. Mục tiêu chính là tập trung hẹp vào tăng trưởng GDP và tích lũy dư thừa. Sự thống trị gần như hoàn toàn của nhà nước đã cho phép huy động các nguồn lực để tạo điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng GDP và tỷ lệ tiết kiệm cao.

Hàm ý kinh nghiệm cho các nước

Sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường khác nhau theo thời gian và không gian. Quan hệ nhà nước - thị trường được xác định tùy thời điểm phù hợp với trình độ phát triển của sức sản xuất. Bởi vì, các quốc gia khác nhau có trình độ phát triển sản xuất, trình độ phát triển thị trường khác nhau, nên việc xử lý mối quan hệ giữa vai trò của thị trường với vai trò của Nhà nước ở các giai đoạn khác nhau phải được xuất phát từ thực tế mỗi nước, dựa trên nguyên tắc có lợi cho phát triển sản xuất, cho nền kinh tế. Phần lớn các nhà nước đều có những điểm mạnh mà thị trường không có (cung cấp hàng hoá công; duy trì trật tự xã hội; hoạch định khung khổ thể chế điều tiết nền kinh tế; khắc phục những bất cập của thị trường...). Nhà nước Singaproe đã khai thác tốt được những điểm mạnh, nên hiệu quả hoạt động của nhà nước được cải thiện. Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực như: ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài chính và tiền tệ, củng cố an ninh quốc phòng, cung cấp hàng hoá công cộng, chống ô nhiễm môi trường, phát triển giáo dục tăng thu nhập và nâng cao phúc lợi xã hội, tạo dựng một bộ khung xã hội dưới sự điều hành của luật pháp, định hướng cạnh tranh một cách có hiệu quả bằng cách giảm độc quyền… Kinh nghiệm điều hành của nhà nước Singapore tập trung ở 3 điểm mạnh, đó là:

Thứ nhất, định hướng kinh doanh của nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư lâu dài. Nhà nước ban hành chính sách thuế cạnh tranh cho các nhà đầu tư nước ngoài khiến Singapore trở thành thiên đường thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách thuế hiệu quả giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế cùng với chi phí hoạt động thấp giúp Singapore thu hút hàng loạt các tập đoàn, công ty lớn nước ngoài đến đầu tư. Việc cải thiện đáng kể trong phân phối thu nhập đi liền với sự tăng trưởng kinh tế cao ở Singapore nhờ sử dụng có hiệu quả các thể chế, tổ chức nhà nước và tư nhân.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh cùng có lợi. Sự can thiệp của nhà nước Singapore vào nền kinh tế đã có tác động tích cực không chỉ đối với lợi nhuận kinh doanh tư nhân mà còn đối với phúc lợi chung của nền kinh tế. Ngoài các công việc tạo ra trong các khu vực tư nhân và công cộng, nhà nước cung cấp nhà ở, giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giải trí, cũng như phương tiện giao thông công cộng. Các thể chế đổi mới tạo điều kiện phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở... cho thấy nhà nước cam kết đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển và thịnh vượng.

Thứ ba, thiết lập hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả.
Hệ thống hành chính ở Singapore thực hiện chính sách tuyển dụng và thăng tiến dựa trên cơ sở trọng dụng nhân tài, mức độ thăng tiến trong nghề nghiệp được định hướng rõ ràng, mức lương cạnh tranh tương ứng với khu vực tư nhân. Phúc lợi cho hưu trí trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Singapore rất lớn. Bên cạnh đó, vai trò Nhà nước Singapore thể hiện một cách trực tiếp và thường xuyên nhất, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế không thể "cất cánh" được trừ phi có được cơ sở hạ tầng vững chắc. Nhà nước Singapore muốn sự ổn định kinh tế và có lợi cho tất cả người dân.

Ở Singapore, bốn nguyên tắc lý giải cho “nhà nước có chất lượng”, đó là nền kinh tế nhất thiết là sự kết hợp của các thị trường, các hoạt động và quy định của nhà nước; thị trường bị ràng buộc bởi nhà nước và do nhà nước điều hành, do đó thị trường không thể hoạt động được trong môi trường tự do; vốn và nhà nước đều có mục tiêu rõ ràng, không thể đạt được đồng thời cũng không độc lập với nhau; ý tưởng về nền kinh tế bắt nguồn từ sự phân đôi của các thị trường và các nhà nước trong tư tưởng kinh tế cổ điển.

Khi động cơ kinh tế trong nước của Singapore đã cạn kiệt vào những năm 80, nhà nước Singapore đã bắt đầu tìm kiếm một thể chế mới thay thế nhằm đem lại cuộc sống mới cho nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào vốn nước ngoài. Singapore luôn dẫn đầu trong các hoạt động phát triển liên kết khu vực, nhờ đó cả các công ty tư nhân và GLCs (6), có thể mở rộng phạm vi kinh doanh và cơ hội đầu tư vượt ra khỏi phạm vi của thị trường nội địa còn hạn chế. Cùng với khái niệm "tam giác tăng trưởng" năm 1989, nhà nước Singapore đã không ngừng thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế phi thị trường, không chỉ bổ sung nền kinh tế nội địa của Singapore mà quan trọng hơn nữa là tạo bàn đạp để hình thành Singapore ngày nay.

Hai xu hướng đặc thù tuy khác nhau nhưng đã thúc đẩy quản trị nhà nước trở nên khả thi: Một là, các vụ sáp nhập và mua lại của các công ty liên kết với chính phủ (GLCs) do nhà nước thực hiện sẽ cho phép các doanh nghiệp của Singapore có khả năng cạnh tranh hơn; Hai là, phạm vi địa lý của đầu tư nước ngoài ở Singapore sẽ được chuyển từ quy mô khu vực sang quy mô toàn cầu. Nhà nước đã đảm nhận vai trò của các nhà đầu tư thông qua các công ty liên kết với chính phủ (GLCs), bao gồm các khu vực mà các công ty đa quốc gia (MNCs-multinational corporation) không quan tâm nhưng nhà nước đã coi đây là chiến lược cho sự phát triển của Singapore.

Sự can thiệp của nhà nước xuất hiện như một tất yếu cho sự hoạt động có hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Trong các nền kinh tế thị trường đã phát triển, Nhà nước có 3 chức năng kinh tế rõ rệt là: can thiệp, quản lý và điều hòa phúc lợi. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song sự điều tiết của nhà nước vẫn là một trong các hoạt động của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước cần có giới hạn. Vai trò của nhà nước là xác định "các quy tắc trò chơi" để can thiệp vào những khu vực cần có sự lựa chọn, thể hiện những khuyết tật của thị trường, để đảm bảo tính chỉnh thể của nền kinh tế và để cung cấp những dịch vụ phúc lợi cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

1 Mười chín quốc gia nhỏ khác (xếp theo thứ tự nhỏ dần), đó là: Liên bang Micronesia, Saint Lucia, Andorra, Andorra, Seychelles, Antigua và Barbuda, Barbados, Saint Vincent và Grenadines, Grenada, Malta, Maldives, Liên bang Saint Kitts và Nevis, Quần đảo Marshall, Liechtenstein, San Marino, Tuvalu, Nauru, Monaco, Thành quốc Vatican

2 Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI-Transparency International), Singapore xếp thứ 8 toàn cầu về Chỉ số Tham nhũng năm 2015, là quốc gia ít tham nhũng nhất

3 Phạm Thị Thanh Bình (2012), Chính sách tiền lương Singapore: Chìa khóa của cuộc cải cách, trong cuốn “ Lao động, tiền lương, an sinh xã hội: Một số kinh nghiệm của thế giới (tủ sách phục vụ lãnh đạo), Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012

4 Theo đánh giá của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS - Bank for International Settlements)

5 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC- State Capital and Investment Corporation) của Việt Nam, được thành lập năm 2005. SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và thực hiện đầu tư vào vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tập đoàn Temasek của Singapore thành lập năm 1974.

6 Government Linked Companies (GLCs) hay Các công ty liên kết với chính phủ được thành lập trong các ngành không có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, ví dụ như: Đóng tàu,Vận chuyển hàng không, vận chuyển và Phát triển ngân hàng.