TCCSĐT - Sáng 19-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Được thành lập năm 2004, Hội Cựu giáo chức Việt Nam là tổ chức tập hợp các cán bộ viên chức đã nghỉ hưu của ngành giáo dục để đoàn kết giúp đỡ nhau giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, hỗ trợ nhau về vật chất, tinh thần trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm chấn hưng giáo dục-đào tạo của đất nước.

Đến nay, Hội đã tập hợp 600.000 nhà giáo tại 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học đã từng công tác trong ngành; tổ chức giúp đỡ các nhà giáo khó khăn về kinh tế và sức khỏe thông qua “Quỹ tình nghĩa nhà giáo”; vận động tư vấn phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giáo dục như Luật Giáo dục, Luật Đại học, Nghị quyết Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo”, Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể...; đồng thời có các hoạt động vận động hỗ trợ trường học, học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Theo Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam Phạm Minh Hạc, Hội thường xuyên theo dõi, góp những ý kiến tâm huyết với mỗi bước tiến của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các chủ trương, chính sách, về chất lượng giáo dục, về xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Tại buổi làm việc, đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là kênh thông tin quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục của đất nước, đặc biệt là chính sách, chế độ đối với các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy ở các trường hoặc đã nghỉ hưu.

Ghi nhận, biểu dương nỗ lực vượt qua khó khăn của Hội, Thủ tướng nhìn nhận các thầy, cô giáo dù tuổi cao, điều kiện sống còn khó khăn nhưng đã nêu tấm gương sáng của nhà giáo để con cháu, học sinh noi theo. Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục duy trì những hoạt động này, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động của Hội thiết thực, hiệu quả cao hơn; có cơ chế thích hợp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến đóng góp quý báu cho ngành giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt, hiệu quả việc phối hợp với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, thực hiện “4 cùng”: Cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; Cùng bàn giải pháp đổi mới; Cùng tổ chức một số hoạt động; Cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng cho rằng muốn xã hội phát triển thì không chỉ xóa đói giảm nghèo nhanh mà còn phải chú trọng đến giáo dục và do đó, phải quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Thủ tướng mong muốn Hội Cựu giáo chức Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.

** Sáng cùng ngày, phát biểu tại buổi làm việc với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, một tổ chức xã hội đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động của Hội”.

Do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập cách đây 71 năm, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam hiện có hơn 8 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập Đỏ hoạt động tại gần 17.000 tổ chức Hội cơ sở.

Trong 10 năm qua, Trung ương Hội đã vận động được 527,8 tỷ đồng (tương đương 26 triệu USD), trợ giúp thiết thực hơn 22,2 triệu lượt người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, riêng năm 2016 đã vận động cứu trợ hạn hán và xâm nhập mặn, mưa lũ trên diện rộng đạt giá trị 161,3 tỷ đồng.

Trung ương Hội phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động hiến máu các cấp, lập mới và đã vận động được hơn 4,7 triệu đơn vị máu trong giai đoạn 2013 - 2016, góp phần bảo đảm máu cho cấp cứu và điều trị, trong đó, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 97,5%, tương đương 1,52% dân số hiến máu.

Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình, chiến dịch mà Hội phát động như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, dự án “Ngân hàng bò”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.

Trung ương Hội đã lập Đội ứng phó thảm họa quốc gia, các Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh, cấp xã và trở thành lực lượng dân sự duy nhất tại Việt Nam bên cạnh lực lượng Quân đội và Công an có đội ứng phó thiên tai, thảm họa từ cấp Trung ương.

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hoạt động của Hội tiếp tục thể hiện, phát huy truyền thống văn hóa tương thân tương ái, nhân văn rất tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh hoạt động nhân đạo, Hội đã góp phần vào chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. “Nhiều cuộc vận động, phong trào của Hội đã lan tỏa, thu hút sự quan tâm của nhân dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, góp phần chăm lo cuộc sống của những đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng bào vùng sâu, vùng xa”, Thủ tướng đánh giá.

Đề cập đến một số phương hướng hoạt động của Hội thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ hoạt động của Hội là hoạt động nhân đạo, dựa vào cộng đồng, do Hội Chữ thập Đỏ thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện, theo nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi, công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Do đó, thời gian tới, Hội cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong các hoạt động nhân đạo, góp phần vào sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Thủ tướng đề nghị Hội cần đẩy mạnh các hoạt động Chữ thập Đỏ với bảy nội dung quy định theo luật. Tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, các phong trào, hoạt động nhân đạo thiết thực, cụ thể, hướng về cơ sở. Nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần nhân đạo, nhân ái, vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động cứu trợ từ thiện, nhân đạo, nhất là đối với đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ rất được xã hội quan tâm. Song thời gian qua, vẫn còn có một số hoạt động tự phát, chưa được quản lý tốt dẫn đến chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, cách thức, biện pháp thực hiện, làm cho hiệu quả ở một số nơi chưa cao. Bởi vậy, Thủ tướng mong muốn Hội cần chú ý nắm bắt, hướng dẫn, cung cấp các địa chỉ nhân đạo, cùng các cấp chính quyền tổ chức, định hướng các hoạt động nhân đạo đúng địa chỉ, đúng đối tượng để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn.

Cùng với đó, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam phải nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy, nâng cao vai trò tổ chức thực hiện hoạt động nhân đạo của Hội. Tiếp tục đổi mới tổ chức, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Quan tâm phát triển hệ thống các tổ chức Chữ thập Đỏ cơ sở. Chú trọng đào tạo cán bộ, phát triển đội ngũ tình nguyện viên.

Thủ tướng cũng gợi ý Hội cần dẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; có trách nhiệm tham gia hỗ trợ các thảm họa trên thế giới một cách phù hợp./.