Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy các cấp khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay

TS. Trần Duy Hưng Kiểm tra viên Cao cấp, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
08:26, ngày 19-07-2017
TCCSĐT - Kiểm tra, giám sát, thực hiện kỷ luật là một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Trong thời gian qua, cấp ủy các cấp 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và uy tín của Đảng.

Nhìn một cách tổng thể, cấp uỷ các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và cụ thể hoá các văn bản mới của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của cấp mình để tổ chức đảng và đảng viên thực hiện; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của cấp uỷ năm 2017 có trọng tâm, trọng điểm, nội dung tập trung vào những vấn đề nổi cộm được người dân quan tâm, những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống chính trị ở địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đối tượng là cấp uỷ viên, quan tâm quy hoạch và đào tạo cán bộ kiểm tra các cấp.

Bên cạnh đó, Uỷ ban kiểm tra các cấp khu vực các tỉnh phía Nam luôn chủ động bám sát nhiệm vụ theo chương trình kiểm tra, giám sát năm 2017 đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng; tham mưu giúp cấp uỷ xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp uỷ sát với tình hình thực tế và nghị quyết của cấp uỷ; kiện toàn tổ chức, bộ máy Uỷ ban kiểm tra các cấp; có kế hoạch thực hiện nghiêm túc, chất lượng việc kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, nhất là đề cao tinh thần tự giác, tự gương mẫu của người đứng đầu và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Trong công tác kiểm tra, giám sát, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã chú trọng lựa chọn đối tượng, nội dung, lĩnh vực để tiến hành giám sát chuyên đề và kiểm tra dấu hiệu vi phạm; công tác xử lý kỷ luật được thực hiện cơ bản đúng quy trình, phương châm công minh, chính xác, kịp thời xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm; đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng thẩm quyền; phát huy hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra tài chính thu, chi ngân sách và kiểm tra việc thu, chi, quản lý, sử dụng đảng phí, qua kiểm tra kịp thời phát hiện những sai sót để khắc phục, sửa chữa; đồng thời, phát hiện những biểu hiện tham nhũng, lãng phí để xử lý theo quy định.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, cấp ủy các cấp 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam kiểm tra 4.375 tổ chức đảng, 23.491 đảng viên (4.370 cấp ủy viên); giám sát 2.395 tổ chức đảng, 4.591 đảng viên (1.350 cấp ủy viên). Qua đó, kết luận, có 11 tổ chức đảng, 104 đảng viên khuyết điểm, vi phạm, phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng, 30 đảng viên, phát hiện 2 tổ chức đảng, 7 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm 4 đảng viên; xem xét, thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng (khiển trách 18, cảnh cáo 8) và 1.613 đảng viên (khiển trách 1.087, cảnh cáo 382, cách chức 101, khai trừ 43 trường hợp).

Uỷ ban kiểm tra các cấp trong khu vực kiểm tra 269 tổ chức đảng và 964 đảng viên (463 cấp ủy viên) khi có dấu hiệu vi phạm; kết luận, 124 tổ chức đảng, 753 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 9 tổ chức đảng, 343 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với 3.025 tổ chức đảng; qua đó đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát ở các địa phương, đơn vị.

Uỷ ban kiểm tra các cấp giám sát 1.909 tổ chức đảng, 1.930 đảng viên (1.070 cấp ủy viên), phát hiện 39 tổ chức đảng và 37 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3 tổ chức đảng, 15 đảng viên; giải quyết tố cáo 248 đảng viên (165 cấp ủy viên), kết luận 114 đảng viên vi phạm, phải thi hành kỷ luật 53 đảng viên; kiểm tra 284 tổ chức đảng trong việc thu, chi ngân sách, phát hiện 16 tổ chức vi phạm số tiền 283.324.000 đồng; kiểm tra 4.368 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí, kết luận 122 tổ chức đảng thu thiếu, chi sai chế độ số tiền trên 232 triệu đồng; thi hành kỷ luật 501 đảng viên (khiển trách 199, cảnh cáo 129, cách chức 9, khai trừ 164 trường hợp)... Cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 46 trường hợp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn còn nổi lên một số vấn đề sau:

- Một số cấp uỷ chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý đảng viên, không kịp thời kiểm tra, giám sát phát hiện vi phạm, dẫn đến phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm nên vẫn còn những trường hợp vi phạm đến mức phải kỷ luật nhưng không thi hành kỷ luật; thi hành kỷ luật chưa đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, qua kiểm tra phải thay đổi hình thức kỷ luật.

- Uỷ ban kiểm tra một số nơi thực hiện các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát còn lúng túng; việc triển khai và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát ở cấp cơ sở còn chậm, chất lượng một số cuộc kiểm tra chưa cao; nội dung kiểm tra, giám sát chưa tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, còn nặng về hình thức, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; kết quả giải quyết đơn thư tố cáo một số nơi chưa được thoả đáng, dẫn đến tình trạng đơn thư tố cáo vượt cấp; việc lựa chọn để quyết định kiểm tra việc thi hành kỷ luật chưa phù hợp, trong mốc thời gian kiểm tra, không có hồ sơ kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên nhưng vẫn tiến hành kiểm tra. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra còn hạn chế.

- Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có lúc, có việc chất lượng chưa cao. Một số Uỷ ban kiểm tra cấp tỉnh chưa thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề. Một số địa phương thực hiện chế độ báo cáo chậm so với thời gian quy định.

Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, song chủ yếu là do một số cấp uỷ nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; chưa thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên. Một số đảng viên chưa nêu cao ý thức tự tu dưỡng rèn luyện dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Uỷ ban kiểm tra một số nơi chưa chủ động tham mưu, giúp cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ kiểm tra còn hạn chế; một số nơi do thay đổi cán bộ kiểm tra nên chưa có nhiều kinh nghiệm, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động bộ máy Uỷ ban kiểm tra.

Để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, trong thời gian tới, cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra các cấp các tỉnh, thành khu vực phía Nam trong thực hiện nhiệm vụ của mình cần tập trung bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp và hướng dẫn nghiệp vụ của Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần chủ động, đẩy mạnh và quyết liệt hơn; kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, sự phát triển của đất nước và lòng tin của Nhân dân. Một số định hướng cụ thể là:

Một là, kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, chú trọng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề để phòng ngừa, nhắc nhở, ngăn chặn vi phạm từ khi còn manh nha; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ba là, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý; những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, công tác cán bộ…

Bốn là, thi hành kỷ luật đảng cần đảm bảo công tâm, khách quan, xử lý đúng, bảo đảm “có lý, có tình”, bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, lẽ phải.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác.

Sáu là, tăng cường và đổi mới hoạt động tuyên tuyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; đẩy mạnh việc phát hành Tạp chí Kiểm tra đến cơ sở, để Tạp chí Kiểm tra là tài liệu lý luận, nghiệp vụ của các tổ chức cơ sở đảng và Uỷ ban kiểm tra các cấp, qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tr cũng như chất lượng đội ngũ cộng tác viên Tạp chí Kiểm tra./.