TCCSĐT - Ngày 07-7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề cần quan tâm trong chỉ đạo triển khai thực hiện tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì Hội thảo. Đến dự Hội thảo có các đồng chí đại diện các bộ, ban ngành Trung ương cùng một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Hội thảo khái quát thực trạng tình hình tổ chức lại sản xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, xây dựng mới các quy hoạch của vùng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu bằng những đề án, kế hoạch để triển khai vào thực tế.

Nhìn chung, toàn vùng và các địa phương đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước chuyển đổi theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh gắn với bảo đảm môi trường, nhu cầu thị trường và phát triển bền vững; mỗi tỉnh đều xác định những nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực. Hầu hết các tỉnh đã xây dựng được các vùng lúa đặc sản, trái cây, thủy sản, hoa kiểng tập trung, chuyên canh, vùng chăn nuôi trọng điểm quy mô khá lớn, chất lượng cao; triển khai, nhân rộng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu phát triển. Năm 2016, cơ cấu kinh tế khu vực I của vùng chiếm 33,1%; kim ngạch xuất khẩu 13,7 tỷ USD, trong đó nông sản hàng hóa chiếm 65%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng đáng kể, cao nhất đạt 33 triệu đồng/người/năm ở tỉnh Tiền Giang và thấp nhất là hơn 10 triệu đồng/người/năm tồn tại ở tỉnh Bến Tre.

Có 11 tham luận được trình bày tại Hội thảo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các doanh nghiệp.... Và cùng thống nhất, hiện nay đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với những thách thức: Biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập diễn biến phức tạp; nước thượng nguồn Mekong về giảm, nước ngọt ngày càng khan hiếm; rừng ngập mặn mất dần; đa dạng sinh học, nguồn thủy sản giảm sút; việc khai thác cát sông, nước ngầm làm gia tăng thêm tình trạng sạt lở, sụp lún. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh mún khá phổ biến; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (giao thông, thủy lợi, điện...) chưa đồng bộ, trong khi điều kiện tự nhiên sông ngòi chằng chịt, suất đầu tư cao; sức cạnh tranh của nông sản thấp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; vai trò của công tác quy hoạch và chiến lược phát triển vùng chưa rõ ràng; vấn đề hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế hàm chứa những yếu tố bất ổn, khó lường... Những vấn đề trên đã làm cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế: kết quả tái cơ cấu nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, nhiều địa phương còn chậm triển khai; phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới còn chậm; diện tích lúa liên kết sản xuất so với diện tích gieo trồng chung còn quá ít, chỉ vào khoảng 12,6% và sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp - người sản xuất chưa hài hòa; liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản mới dừng lại ở bước đầu thực hiện liên kết ở một số công đoạn với tiến độ chậm, quy mô nhỏ, thiếu bền vững...

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trước yêu cầu phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị Thường trực Ban Bí thư lãnh đạo đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo một số vấn đề cơ bản: Sớm điều chỉnh quy hoạch tổng thể để tạo sự thống nhất, đồng bộ toàn vùng; Sớm xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống luật, quyết định, nghị định... liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp cho phù hợp; Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách về nông nghiệp...

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Bình ghi nhận sự đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết của Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị nhằm đưa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long hướng đến phát triển đồng bộ theo chuỗi giá trị có hiệu quả cao. Sau Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tập hợp những đề xuất có chọn lọc báo cáo, trình Trung ương để có thêm cơ sở sớm ban hành những quyết sách cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong thời gian sớm nhất./.