TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2017), ngày 20-6, tại nhiều địa phương đã diễn ra các hoạt động ý nghĩa, ghi nhận, tôn vinh đóng góp của đội ngũ người làm báo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

* Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đến thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí của Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam trọng điểm tại Đắk Lắk, VOV Tây Nguyên, VTV5 Tây Nguyên, Văn phòng Báo Nhân Dân tại Đắk Lắk…

Tại các đơn vị đến thăm, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chúc mừng đội ngũ người làm báo, trân trọng ghi nhận những đóng góp tích cực của các đơn vị báo chí đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tập trung cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc,… góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng Tây Nguyên.

Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam trọng điểm tại Đắk Lắk đã khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên. Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên bày tỏ mong muốn thời gian tới, các cơ quan báo chí Trung ương đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền góp phần thúc đẩy phát triển Tây Nguyên bền vững.

Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn.

* Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức chương trình gặp mặt hội viên và tổng kết, trao Giải Báo chí Ngô Gia Tự lần thứ 19 năm 2016. Đây là giải thưởng báo chí truyền thống của tỉnh Bắc Ninh được tổ chức hằng năm nhằm động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ người làm báo. Giải Báo chí Ngô Gia Tự năm 2016 thu hút 99 tác phẩm, nhóm tác phẩm dự thi của hơn 100 tác giả, nhóm tác giả. Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 7 giải khuyến khích cho nhóm thể loại A (phóng sự, ký, ghi chép, điều tra, chính luận, phim tài liệu Truyền hình) và 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 12 giải khuyến khích cho nhóm thể loại B (phỏng vấn, ảnh báo chí, người tốt việc tốt, phóng sự ngắn phát thanh - truyền hình, tin về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tin bài phản ánh).

Dịp này, 4 hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh đã được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam” .

* Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tổ chức kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), phát động Giải báo chí xây dựng Đảng “Búa liềm vàng” và trao giải báo chí tỉnh Nghệ An năm 2016.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quang Huy khẳng định: Thời gian qua, báo chí Nghệ An đã làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều vụ, việc được các cơ quan báo chí vào cuộc với trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, lập luận sắc sảo, tạo được sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội tích cực. Đội ngũ những người làm báo luôn có ý thức trau dồi nghiệp vụ, đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ đó, các loại hình báo chí đã không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức, chất lượng báo ngày càng nâng cao, kịp thời phản ánh một cách khách quan những mặt tích cực, tôn vinh điển hình tiên tiến ở khắp các vùng miền, hải đảo.

Tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quang Huy chính thức phát động Giải báo chí xây dựng Đảng “Búa liềm vàng” năm 2017. Dịp này, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các tác giả đoạt giải Báo chí Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An năm 2016. Giải nhất báo in thuộc về tác phẩm “Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù” của tác giả Khánh Ly - Mai Hoa (Báo Nghệ An); giải nhất lĩnh vực báo hình thuộc về tác phẩm “Tràn lan công trình xây dựng không phép” của nhóm tác giả Kim Hoa - Hữu Dũng - Thu Hiền (Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An).

Dịp này, Báo Nghệ An vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhận Cờ thi đua của Bộ Công an vì đã có thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

* Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức họp mặt truyền thống Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao thưởng Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết lần thứ II năm 2016. Đây là giải báo chí của tỉnh được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích, bồi dưỡng tài năng báo chí, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội. Theo đó, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 7 giải B, 12 giải C và 14 giải khuyến khích cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt giải.

Giải báo chí Nguyễn Văn Tiết tỉnh Bình Dương lần II năm 2016 thu hút gần 100 tác phẩm của các nhà báo chuyên nghiệp, không chuyên thuộc các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh gửi về tham dự.

Ông Đỗ Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương cho biết, các tác phẩm dự giải năm nay đều bám sát những sự kiện nổi bật của tỉnh, của đất nước trong năm 2016; bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền sâu đậm về các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhất là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phản ánh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng giao thông, đô thị ở Bình Dương, công tác xóa đói giảm nghèo…

Cũng theo ông Đỗ Văn Thông, nhìn chung các tác phẩm tham gia dự giải năm nay có chất lượng đồng đều; trong đó nhiều tác phẩm có chất lượng đoạt Giải “Búa liềm vàng” lần thứ nhất và giải báo chí do các bộ, ngành Trung ương tổ chức. Nhiều tác phẩm truyền hình đoạt giải cao tại Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc năm 2016.

* Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trao Giải Báo chí tỉnh lần thứ X, năm 2017.

18 tác phẩm đoạt Giải Báo chí tỉnh gồm: 2 giải nhất, 5 giải nhì, 6 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Hai giải Nhất được trao cho các tác phẩm “Ánh sáng từ tâm”, thể loại phim tài liệu của nhóm tác giải Diệu Hà, Định Phước và Văn Thiện (Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên - Huế) và tác phẩm “Lâm tặc hoành hành rừng Thượng Quảng”, thể loại báo in của nhóm tác giả Nguyễn Khánh và Lê Xuân Thọ (Báo Thừa Thiên - Huế).

Dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đáng chú ý, trong các ngày 9 và ngày 10-6 vừa qua, tại thành phố Huế đã diễn ra Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ IV, thu hút hơn 300 vận động viên của 8 đội bóng gồm Liên quân Báo chí Thanh Hóa, Liên quân Báo chí Nghệ An, Liên quân Báo chí Hà Tĩnh, Liên quân Báo chí Huế, JFC Đà Nẵng, Liên quân VTV, Liên quân Đài TRT - Báo Thừa Thiên - Huế và Liên quân Báo chí Bình Định.

Năm nay, Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ IV do Câu lạc bộ bóng đá báo chí thường trú Huế (HUE RFC) phối hợp với Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng cai tổ chức. Đây là lần thứ hai giải đấu tranh tài tại thành phố Huế. Trước đó, giải được tổ chức tại Đà Nẵng (lần 2), tại thành phố Vinh, Nghệ An (lần 3).

Các đội bóng được chia làm 2 bảng thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm, chọn ra 2 đội có thành tích tốt nhất 2 bảng vào đá trận chung kết. Kết quả Liên quân Báo chí Nghệ An vô địch giải đấu.

* Ngày 19-6, Hội Nhà báo tỉnh Nam Định tổng kết, trao Giải báo chí Nam Định lần thứ 3 và quán triệt 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Ban Tổ chức đã trao 1 giải B; 19 giải C và 9 giải khuyến khích cho các tác giả ở Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Bạch Ngọc Chiến nhấn mạnh: Báo chí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội, góp phần định hướng thông tin, dư luận xã hội, cung cấp thông tin, kiến thức bổ ích cho bạn đọc.

Báo chí cũng đồng thời phản ánh những mặt còn tồn tại, hạn chế giúp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các sai phạm.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, người làm báo phải đối diện với nhiều nguy hiểm, phức tạp, do đó phóng viên các cơ quan thường trú Trung ương và địa phương cần rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nghiêm các quy định đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với đó, người làm báo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, giữ vững lập trường tư tưởng báo chí cách mạng…

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã đến chúc mừng cán bộ phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cũng gặp mặt, trao đổi nghiệp vụ với phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

* Chiều 19-6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt.

Trên 130 hội viên nhà báo thuộc các Chi hội Báo Hòa Bình, Báo Văn nghệ Hòa Bình, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình đến dự và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của những người làm báo.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh biểu dương đội ngũ những người làm báo địa phương và cơ quan thường trú Trung ương luôn xung kích trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối, tai mắt của Đảng và nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các nhà báo phản ánh những việc làm chưa tốt, hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền người tốt, việc tốt, các tập thể cá nhân điển hình trong cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình đã trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam cho 6 hội viên; trao Giải thưởng báo chí Hòa Bình năm 2016 cho nhiều tác giả...

* Tại cuộc họp mặt kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã ôn lại truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tại Sóc Trăng, từ những ngày đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cùng với đội ngũ tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, tờ báo Chiến đấu - tiền thân của Báo Sóc Trăng ngày nay đã ra đời.

Đã có nhiều nhà báo cách mạng xung phong ra tuyến lửa, sống và chiến đấu như người lính, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, được nhân dân đùm bọc, thương yêu giúp đỡ...

Vũ khí của các anh chính là những bài báo giàu tính chiến đấu, những dòng tin góp phần làm nung nấu tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng bào, chiến sỹ.

Thời gian gần đây, hoạt động báo chí Sóc Trăng đã có nhiều tiến bộ, hệ thống báo chí đã thực hiện tốt chức năng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng cổ vũ các phong trào hành động cách mạng; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại những luận điệu của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 hội viên đang hoạt động tại các cơ quan truyền thông đại chúng địa phương, các đài truyền thanh cấp huyện… những người làm báo phấn đấu không ngừng nâng cao năng lực tác nghiệp, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp...

Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng cũng đã trao Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng năm 2016 cho 39 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải (trong đó, có 3 tác phẩm đạt giải nhất ở 3 loại hình báo in, báo nói, báo hình; 7 tác phẩm đạt giải nhì, 12 tác phẩm đạt giải ba và 17 tác phẩm đạt giải khuyến khích).

Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 10 tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho 19 hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Tại buổi lễ, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng cũng phát động Giải Báo chí tỉnh và Giải Búa liềm Vàng năm 2017./.