Thông qua dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 20-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
* Người bị oan sai vẫn được bồi thường dù thiếu hóa đơn, chứng từ
Với 92,46% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật gồm 9 Chương, 78 Điều.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Luật quy định nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng. Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật này.
Để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường đối với các trường hợp khó chứng minh được thiệt hại do thời gian diễn ra quá lâu, dự án Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, trong đó quy định rõ để xác định mức bồi thường ngay trong dự án Luật này trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường. Cụ thể như chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.
Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2, Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính. Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí thì chi phí được bồi thường không quá 1 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2, Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Về tạm ứng kinh phí bồi thường, dự án Luật quy định ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại quy định và đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường. Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.
* Bảo đảm quyền công dân trong tiếp cận công lý
Với 93,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Luật gồm 8 Chương, 51 Điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật quy định trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý là tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Về người được trợ giúp pháp lý (Điều 7), nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị rà soát quy định về trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người cho thống nhất với các luật có liên quan; có ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người thuộc hộ cận nghèo là người bị hại, người chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người Việt Nam ở nước ngoài...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, diện người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật đã bao quát và mở rộng hơn nhiều so với Luật hiện hành, tăng từ 7 nhóm (theo Chính phủ trình) lên 14 nhóm người được trợ giúp pháp lý theo những nguyên tắc đã báo cáo Quốc hội, thể hiện đúng bản chất của trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý đối với tất cả trẻ em khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý; người dân tộc thiểu số “cư trú” mà không chỉ là “thường trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như đã được chỉnh lý tại Điều 7 của dự thảo Luật. Đối với những người chưa được quy định trong Luật này thì vẫn có thể được các tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ pháp lý “miễn phí” theo quy định của pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật; khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những người này vào dự án Luật./.
Giá viện phí mới với người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế áp dụng tại 50 bệnh viện  (20/06/2017)
Báo chí cách mạng Việt Nam: Cội nguồn, đặc trưng, trọng trách  (20/06/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-6-2017)  (20/06/2017)
Quốc hội phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015  (19/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay