TCCSĐT - Sau Lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, trên khắp địa bàn Quảng Nam diễn ra nhiều hoạt động mang tầm quốc gia và quốc tế với mục đích quảng bá tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Festival mang đậm bản sắc truyền thống nghề tơ tằm Việt Nam

Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, sáng ngày 12-6-2017, tại Làng lụa Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Festival Văn hóa Tơ lụa, Thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017, chính thức Khai mạc với chủ đề “Con đường tơ lụa trên biển”.

 
 Cắt băng khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa, Thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017

Tham gia Festival có các tổ chức, doanh nghiệp 7 nước châu Á và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam. Trong đó có các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Thái Lan, các nước láng giềng như Malaysia, Cam-pu-chia, Lào, Myanmar,… Tại Việt Nam, có các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với hàng trăm sản phẩm tơ lụa mới được xuất khẩu ra nước ngoài như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk, Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam… Đặc biệt, Festival lần này thu hút sự tham gia của gần 80 nghệ nhân từ các làng nghề của miền núi cao phía Bắc, các làng nghề truyền thống ở đồng bằng Bắc bộ và các làng nghề ở phía Nam. Bên cạnh đó, Festival còn thu hút sự tham gia của giới thiết kế hàng đầu Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tơ lụa Quảng Nam, Phó ban tổ chức Festival, Lê Thái Vũ, đây là lần thứ ba, Làng lụa Hội An tổ chức Festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt Nam, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế. Làng lụa Hội An kế nghiệp truyền thống sản xuất và xuất khẩu tơ lụa từ 300 năm trước ở Hội An sẽ cố gắng để làm cầu nối đưa lụa Việt Nam ra thế giới và thị trường nội địa thông qua các hoạt động tôn vinh văn hóa tơ lụa truyền thống, xây dựng trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước.

Festival Văn hóa Tơ lụa Thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 diễn ra từ ngày 12-6 đến 13-6-2017 với những chương trình nổi bật như: Gala Dinner gặp mặt các đối tác sản xuất, nghệ nhân làng nghề, nhà thiết kế trong và ngoài nước; Lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang và ra mắt Ban Chấp hành Hiệp hội Tơ Lụa Việt Nam tại Làng Lụa Hội An; giới thiệu trưng bày những sản phẩm Lụa và giao lưu trao đổi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, từ các cơ sở Lụa Tơ Tằm - Thổ cẩm Việt Nam; Trình diễn quy trình ươm tơ, dệt lụa truyền thống của đồng bào Thái ở tỉnh Nghệ An, đồng bào Cơtu ở tỉnh Quảng Nam, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Khơ me ở An Giang, H’mông ở tỉnh Hà Giang, Nha Xá ở tỉnh Hà Nam và làng dệt đũi Nam Cao, Thái Bình; Hội thảo với đề tài “Tơ Lụa trong đời sống hiện đại và giải pháp để phát triển ngành tơ lụa Việt Nam do Hiệp Hội Tơ lụa Việt Nam chủ trì được tổ chức tại Làng Lụa Hội An; giới thiệu 18 bộ sưu tập của các nhà thiết kế trên chất liệu Lụa; Hội thảo về Con đường Tơ Lụa Việt Nam do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì.

Gặp gỡ các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong tỉnh

Chiều ngày 10-6-2017, tại Thành phố Tam Kỳ, diễn ra Cuộc gặp gỡ các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Quảng Nam.

 
 Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Gwangyang, Hàn Quốc ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác

Thời gian qua, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Nam luôn quan tâm phát triển sâu, rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các địa phương và đối tác nước ngoài. Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác với 9 địa phương của các quốc gia: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bê-la-rút, Hoa Kỳ. Ngoài mối quan hệ cấp tỉnh, một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác cấp cơ sở với các địa phương nước ngoài như: huyện Lạ Màm, Thà Tèng, Kà Lừm thuộc tỉnh Sekoong, Lào; quận Dalseo, huyện Hamyang, phường Namchon của Hàn Quốc; thành phố Szentendre của Hungary; Wernigerode của Đức…

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc gặp mặt là dịp để tăng thêm hiểu biết nhau hơn, thắt chặt tình hữu nghị và phát triển, mở rộng các lĩnh vực, phương diện hợp tác, tạo cơ sở để tiếp tục tăng cường việc trao đổi đoàn ở các cấp độ, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, nhằm đưa mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Tại Cuộc gặp gỡ này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Gwangyang, Hàn Quốc ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, hậu cần (logistics), du lịch và đào tạo.

Thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các địa phương, vùng, miền trong cả nước

Tối 10-6-2017, Liên hoan Hô hát Bài chòi các tỉnh miền trung Việt nam và Trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh được khai mạc tại Quảng trường Biển Tam Thanh, thành phố Tam kỳ. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, là dịp hội tụ và tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được thể hiện bởi các nghệ sỹ, diễn viên đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên với Ca trù; Gia Lai với Cồng chiêng; Nghệ An với Ví dặm; Bắc Ninh, Bắc Giang với Quan họ; thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận với Đờn ca tài tử; Thừa Thiên Huế với Nhã nhạc cung đình; Phú Thọ với Hát xoan, và các nghệ sỹ, diễn viên đến từ 04 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giới thiệu di sản Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam, sắp đến trình hồ sơ quốc gia để UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, Liên hoan cũng là dịp để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các địa phương, vùng, miền trong cả nước.

 
 Những ván buồn ra khơi chuẩn bị lướt sóng

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Giải đua thuyền buồn và Giải Lướt ván buồm. Tối ngày 11-6-2017, tại Bãi biển An Bàng, thành phố Hội An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam khai mạc Giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức loại hình thể thao này với sự hỗ trợ từ Hiệp Hội Lướt ván buồn quốc tế (IWA) và Neil pryde, thuộc Liên đoàn Thuyền buồm quốc tế. Tham dự giải có 108 vận động viên đến từ 33 quốc gia, trong đó có 57 vận động viên của 18 quốc gia tham gia giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và 51 vận động viên của 15 quốc gia tham gia giải Thuyền buồm Việt Nam mở rộng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức giải sẽ tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, giao lưu văn hóa, thể thao giữa các vùng miền trong nước và bạn bè quốc tế; đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa - thiên nhiên biển, đảo trong phát triển du lịch của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phát triển sâm Ngọc Linh thành dược liệu hàng hoá


Cùng với những hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam, sáng 12-6-2017, tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” với sự tham gia đông đảo các đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diên lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kom Tum, cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cở y tế trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ các vấn đề về thực trạng bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum. Trong đó, phần lớn chú trọng phân tích sâu về tính dược liệu và công năng cũng như điều kiện, mô hình quản lý, sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu từ cây sâm Ngọc Linh. Theo các đại biểu, sâm Ngọc Linh có 3 giá trị đặc hữu cơ bản là bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe và làm giàu cho xã hội; là tài nguyên quý tái tạo được, cần chú trọng khai thác phát triển bền vững, sớm tạo nên cây kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là Quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam.

Đề xuất giải pháp cho thời gian tới, các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, cần phải tiến hành đồng thời các giải pháp về quảng bá thương hiệu với xây dựng doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên sản xuất, kinh doanh giống sâm Việt Nam; phải gắn việc lưu giữ bảo tồn nguồn gen với phát triển trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên theo hướng trồng phân tán, trồng theo hốc, không bóc lớp đất nền rừng, giữ gìn và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường rừng vùng sản xuất; phải quan tâm phát triển và mở rộng hình thức trồng sâm dưới dàn mái che có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến theo phương thức sản xuất hữu cơ; đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển sâm gắn với phát triển các cây thuốc đặc hữu, có giá trị kinh tế cao./.