Cuối tháng 3 đầu tháng 4, nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu cao hơn tháng trước, chỉ số tăng giá giảm dần, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân.

1- Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên, còn thấp hơn cùng kỳ năm 2007. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 215,5 nghìn tỉ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

2- Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định mặc dù gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 15-4-2006, các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.690.000 ha lúa Đông Xuân, tăng 4% so với vụ Đông Xuân trước; các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được 1.118 000 ha lúa Đông Xuân, bằng 99,4% diện tích gieo cấy của cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm 2008, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 562,7 nghìn tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 737,3 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ.

3- Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng năm 2007; trong đó ngành thương nghiệp tăng 29,8%; ngành khách sạn nhà hàng tăng 25,4%; ngành du lịch tăng 49,5%; ngành dịch vụ tăng 28,8%.

Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều địa phương. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 ước tính 411 nghìn lượt người, đưa lượng khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm lên khoảng 1,696 triệu lượt người, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2007. Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách tăng khá do lượng hàng hóa lưu thông và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao. Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 7,2% về tấn vận chuyển và tăng 25,6% về T.km so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách tăng 11,4% về lượt hành khách và tăng 13,1% về HK.km. Mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Trong tháng 4-2008 đã phát triển mới 1,9 triệu thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao điện thoại mới từ đầu năm lên 4,56 triệu máy. Tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 51,5 triệu máy, đạt mật độ 60,1 máy/100 dân. Tháng 4 phát triển mới 100 nghìn thuê bao in-tơ-nét, nâng tổng số thuê bao hiện có trên toàn mạng đạt 5,45 triệu thuê bao in-tơ-nét, quy đổi, đạt mật độ 6,36 thuê bao/100 dân; số người sử dụng dịch vụ in-tơ-nét khoảng 19,3 triệu người bằng 22,5% dân số.

4- Hoạt động xuất nhập khẩu tuy tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng nhập khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu và nhập siêu vẫn ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 18.260 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8.756 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng năm 2007, đạt 30,8% kế hoạch năm. Trong 4 tháng năm 2008, đa số các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2007, trong đó, gạo tăng 72,7%; sản phẩm nhựa tăng 34,1%; chè tăng 34%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện tăng 33,9%; dây điện và cáp điện tăng 33,8%; va li, túi xách, ô dù tăng 33,4%; dệt may tăng 24,5%; cao su tăng 23,7%; sản phẩm gỗ tăng 22,5%; thủy sản tăng 13,6%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 7.850 triệu USD, giảm 2,8% so với tháng trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2008 ước đạt 29,360 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8.756 triệu USD, tăng 43,7%.

Các mặt hàng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đều tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2007 như: ô tô nguyên chiếc tăng 65,1%, thép các loại tăng 98,3%, giấy các loại tăng 47,8%, máy móc thiết bị tăng 47%, máy tính và linh kiện tăng 47,2% phân bón các loại tăng 45,2%, bông các loại tăng 41,9%, xe máy nguyên chiếc tăng 34,9%, chất dẻo nguyên liệu tăng 20,9%. Mức nhập siêu trong 4 tháng đầu năm là 11.100 triệu USD, bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm để có biện pháp giảm nhập siêu trong các tháng cuối năm, không để ảnh hưởng đến lạm phát.

5- Nguồn vốn đầu tư. Vốn đầu tư ngoài thực hiện trong tháng 4 ước đạt 750 triệu USD, nâng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 4 tháng đầu năm lên 3.150 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2007.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tăng. Trong tháng 4, vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 2.212 triệu USD. Tính chung cả 4 tháng, tổng vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 7.648 triệu USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới là 7.272,6 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành khách sạn du lịch với 3.910,8 triệu USD; xây dựng văn phòng, căn hộ với 2.358,6 triệu USD.

Thu hút vốn ODA: từ đầu năm đến 22-4-2008, nguồn vốn ODA được ký kết thông qua các hiệp định với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị trên 1.266 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.216 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 49 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân ODA ước đạt 343 triệu USD, bằng 18% so với kế hoạch giải ngân năm 2008, trong đó vốn vay đạt 270 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 73 triệu USD.

Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2008 ước đạt khoảng 23.537 tỉ đồng, bằng 24% kế hoạch. Thực hiện vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 13,9 tỉ đồng, bằng 34% kế hoạch.

6- Thu chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 38,6% dự toán năm, trong đó, đáng chú ý là các khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước đều đạt tiến bộ khá như thu nội địa đạt 36,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 38,1% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 45,3% dự toán.

Tổng chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năng đạt 33% dự toán năm. Chi ngân sách trong kỳ tập trung bảo đảm thanh toán nghĩa vụ nợ của ngân sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu hoạt của bộ máy nhà nước; tập trung xử lý các nhu cầu phát sinh như: khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân, đối tượng chính sách ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh và chịu tác động bất lợi do giá cả tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2008, so với tháng trước tăng 2,2%, trong đó, có 4 nhóm hàng có mức tăng cao nhất là: lương thực tăng 6,11%, thực phẩm tăng 2,22%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,62%, phương tiện đi lại, bưu điện tăng 2,33%; các nhóm hàng khác đều tăng từ 0,38% đến 0,96%; riêng giá bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Chỉ số giá vàng giảm 2,14%, chỉ số giá đô-la Mỹ tăng 1,21%.

So với tháng 12-2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 11,6%. Nếu xét theo diễn biến giá cả từ đầu năm đến nay thì tốc độ tăng giá đang có chiều hướng giảm dần.

7- Một số hoạt động trong lĩnh vực xã hội có chuyển biến. Các hoạt động của các ngành giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao tiến triển tốt. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng nên đã không xảy ra các dịch bệnh lớn về viêm não, sốt xuất huyết, sốt rét; tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Công tác giải quyết việc làm có tiến bộ. Trong tháng 4, giải quyết việc làm cho khoảng 15 vạn lao động; tính chung cả 4 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 53 vạn người, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó đi xuất khẩu 2,6 vạn người.

Bên cạnh các kết quả đã được trong 4 tháng đầu năm 2008, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn về lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu vẫn trong xu thế tăng; nhập siêu tiếp tục ở mức cao; đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục các khó khăn nêu trên, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 10/2008/NQ-CP ngày 17-4-2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững và Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17-4-2008 về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2008 phục vụ mục tiêu kiểm chế lạm phát, tập trung vào các việc: thực hiện Chính sách tiền tệ chặt chẽ.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

Thứ ba, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hóa.

Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu; giảm nhập siêu; triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng các chính sách về an sinh xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền.

Thứ bảy, đối với cân đối lương thực: trong các tháng tới cần chú ý điều hòa lương thực giữa các vùng miền không để thiếu lương thực cục bộ, đảm bảo ổn định giá lương thực, chống đầu cơ nâng giá.

Thứ tám, việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008, không điều chỉnh tăng thêm vốn của ngân sách nhà nước đã giao cho các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Thực hiện việc rà soát để đình hoãn, giãn tiến độ các dự án và sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008 từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; trước hết, là công trình đầu tư kém hiệu quả, các công trình chưa thực sự cần thiết, trụ sở của cơ quan nhà nước... Số vốn có được từ các biện pháp trên được điều chỉnh cho các dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008-2009 của chính bộ, ngành, địa phương đó. Tuyệt đối không bố trí vốn cho các dự án không đủ các thủ tục đầu tư./.