Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Nhật Bản và Đại sứ Thái Lan
22:48, ngày 24-02-2017
Chiều 24-2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio và Đại sứ Thái Lan Manopchai Vongphakdi đến chào xã giao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đến chào xã giao, nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN) |
Tiếp Đại sứ Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và chúc mừng Ngài Umeda Kunio chính thức đảm nhận trọng trách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Bà mong Đại sứ tiếp tục phát huy những thành quả của Đại sứ các nhiệm kỳ trước tại Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, hai Quốc hội lên tầm cao mới.
Thông báo về việc Việt Nam đang tích cực chuẩn bị đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và rất coi trọng chuyến thăm này.
Qua Đại sứ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chuyển lời trân trọng cảm ơn của các Chủ tịch Quốc hội Việt Nam các nhiệm kỳ gần đây tới Nhà vua Akihito đã đón tiếp trọng thị khi tới thăm đất nước Nhật Bản.
Về quan hệ hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đại sứ phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để tiếp tục tăng cường giao lưu trao đổi đoàn các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và giao lưu nghị sỹ trẻ giữa hai nước, đặc biệt là việc tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản, chính vì thế chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, cùng các đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp của Nhật Bản tới Việt Nam sẽ góp phần xúc tiến, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết giữa nhân dân, cũng như các cơ quan hữu quan hai bên, góp phần tăng cường quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong thời gian qua, chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Thời gian tới hai bên tiếp tục phát huy chương trình này.
Cùng với những lĩnh vực hợp tác khác, đây là một trong những lĩnh vực góp phần hết sức quan trọng để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam đi vào thực chất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Manopchai Vongphakdi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam đến chào xã giao (Ảnh: TTXVN) |
Tiếp Đại sứ Thái Lan Manopchai Vongphakdi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đóng góp tích cực của Ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thái Lan, đặc biệt là việc phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (6-8-1976 - 6-8-2016); trong đó có “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan”, “Những ngày văn hóa Thái Lan tại Việt Nam”.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, nhất là về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư.
Năm 2016 vừa qua, Thái Lan đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là nhà đầu tư lớn thứ 10 trong số 116 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đánh giá cao các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện về chính sách pháp luật cho việc triển khai các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có Thái Lan đã được cấp phép và đang xin cấp phép đầu tư tại Việt Nam.
Bà cũng đề nghị Thái Lan tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Về quan hệ hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, nhất là sự phối hợp tại các diễn đàn lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), cũng như các hoạt động hợp tác giữa Nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước.
Qua Đại sứ, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi lời mời Ngài Chủ tịch Hội đồng lập pháp, Vương quốc Thái Lan sớm thăm chính thức Việt Nam.
Nhấn mạnh năm nay, Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác song phương nhằm tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả góp phần vào việc triển khai thành công và thực chất các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan.
Đánh giá cao Thái Lan đã tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam trên một số ngành nghề như xây dựng và đánh bắt cá trên biển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên thúc đẩy sớm thực hiện Thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có việc ban hành chính sách pháp luật tạo điều kiện để công dân hai nước sang kinh doanh và lao động tại mỗi nước.
Đại sứ Thái Lan Manopchai Vongphakdi nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội nhận xét thời gian qua hai nước đã đạt nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp.
Thái Lan và Việt Nam cùng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là nước láng giềng gần gũi, giao lưu nhân dân phát triển.
Khách du lịch hai nước tăng dần theo các năm. Cùng với đó, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã hiện diện tại các trung tâm thương mại của Thái Lan.
Đại sứ cho biết thời gian tới, cùng với quả thanh long đã nhập khẩu, Thái Lan sẽ nhập vải thiều của Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp Bến Tre, đồ trang trí nội thất…
Đại sứ Thái Lan khẳng định Chính phủ Thái Lan sẵn sàng tạo điều kiện đối với các doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam đầu tư, kinh doanh; đồng thời tin tưởng, từ kết quả thống kê trong năm 2016, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam sang Thái Lan tìm hiểu đầu tư.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Lan tiếp tục hợp tác tích cực với Việt Nam và các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong trong giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước Mekong, bảo đảm phát triển, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Cùng với đó, năm nay đánh dấu 50 năm thành lập ASEAN, Việt Nam mong Thái Lan - một trong những nước thành viên sáng lập ASEAN tích cực thúc đẩy ASEAN kiên định đi theo mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực..../.
Bạc Liêu 20 năm: Xây dựng Đảng, chính quyền  (24/02/2017)
Bạc Liêu 20 năm: Xây dựng Đảng, chính quyền  (24/02/2017)
Cải cách khu vực công - cơ hội và thách thức đối với phụ nữ và công tác hội phụ nữ ở khu vực công  (24/02/2017)
APEC 2017: Kết quả ngày làm việc thứ sáu Hội nghị SOM 1  (23/02/2017)
Tăng cường đối thoại mang tính xây dựng giữa EU và Việt Nam  (23/02/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên