TCCSĐT - Ngày 20-02-2017, đoàn cán bộ của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản làm Trưởng đoàn đã thực hiện chương trình khảo sát thực tiễn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

 
 Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe báo cáo tổng thể quy hoạch và tiến độ thực hiện của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cung cấp những thông tin về quá trình hình thành và phát triển, hiện trạng hạ tầng, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân của những tồn tại hiện nay của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Theo đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được hình thành từ năm 1998, với quy mô 1.586ha và mục tiêu phát triển để trở thành một thành phố công nghệ đa chức năng, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay về cơ bản đã xong (85%). Những vị trí đã giải phóng được mặt bằng đều đã có nhà đầu tư. Từ năm 2017, Khu công nghệ Hòa Lạc sẽ bước sang một giai đoạn mới là phát triển khoa học - công nghệ và thu hút đầu tư.

Chia sẻ với đoàn khảo sát về những khó khăn, đồng chí Phạm Đại Dương cho biết, mặc dù tiến độ thực hiện chưa được như dự định, nhưng Ban Quản lý vẫn đặt tiêu chí hạ tầng phải thật sự tốt lên hàng đầu, phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản và thiết yếu của nhà đầu tư. Mặt khác, không lấy việc lấp đầy đầu tư làm mục tiêu chính mà phải chú trọng đáp ứng mục tiêu về phát triển công nghệ cao. Các nhà đầu tư phải đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chí mới được cấp phép hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nguyện vọng của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là được các cơ quan Đảng, Chính phủ chia sẻ những khó khăn để thực hiện những mục tiêu ban đầu đặt ra.

 
Đoàn cán bộ của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sảnđi khảo sát
tại Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông VNPT

Sau đó, Đoàn đã đi khảo sát tại Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông VNPT và Làng phần mềm FPT Sofware. Hiện nay, VNPT đã tự sản xuất 100% thiết bị đầu cuối phục vụ trên mạng lưới và xác định đưa mảng sản xuất công nghiệp trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển. Sản phẩm do VNPT Technology tự thiết kế và sản xuất bảo đảm linh kiện đầu vào được chọn lọc chặt chẽ, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, cùng đầy đủ các công đoạn hậu kiểm để chắc chắn có chất lượng tốt nhất trước khi đến tay người tiêu dùng.

Làng phần mềm FPT Software nằm trong phân khu Phần mềm, với tổng vốn đầu tư hơn 48,6 triệu USD. Đây là khu văn phòng làm việc theo mô hình campus thứ 4 của FPT Software tại Việt Nam, sau Tòa nhà FPT Đà Nẵng tại Khu Công nghiệp Đà Nẵng và F-Town 1, 2 tại Khu Công nghệ cao Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh./.