Vĩnh Phúc: Công tác đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Những ngày đầu thành lập
Ngay từ ngày đầu thành lập, tháng 5-2008, với vai trò là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác đối ngoại, Sở Ngoại vụ không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào công tác đối ngoại của cả nước nói chung, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của tỉnh nói riêng. Với mục tiêu được đặt ra là mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của nước ngoài, đặc biệt là những tỉnh, thành phố đã có quan hệ kết nghĩa chính thức nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa, Vĩnh Phúc đã duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống kết nghĩa với các tỉnh Bắc Lào, Chungcheongbuk (Hàn Quốc), Akita (Nhật Bản)…
Từ những mối quan hệ này, Vĩnh Phúc và các địa phương của các nước bạn được tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư... Đặc biệt, đến nay đã có 16 thỏa thuận quốc tế được ký kết. Trong đó, có những ký kết mang ý nghĩa quan trọng như: Ghi nhớ giữa trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc và trường Đại học Cheongju, Chungcheongbuk (Hàn Quốc); thoả thuận hợp tác giữa tổ chức PAMWF (Hàn Quốc) và Sở Ngoại vụ thực hiện dự án hỗ trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc; biên bản ghi nhớ xúc tiến đưa lao động tỉnh Vĩnh Phúc đi thực tập sinh kỹ thuật tại Okayama giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Hiệp hội Trung ương doanh nghiệp vừa và nhỏ Okayama (Nhật Bản) và Hội đồng các nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào Okayama Nhật Bản; thỏa thuận hỗ trợ xây nhà tình thương cho gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phúc giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Công ty TNHH Jahwa Vina (Hàn Quốc); thoả thuận thực hiện dự án cải thiện đời sống lao động nữ nhập cư tại phường Khai Quang, Vĩnh Phúc giữa Hội Phụ nữ tỉnh và tổ chức GRET; ghi nhớ về cam kết thực hiện dự án “Quản lý rác thải chuyên nghiệp và tối ưu tại Vĩnh Phúc” giữa đại diện Tổ chức GRET và Sở Ngoại vụ…
Công tác đối ngoại phong phú, đa dạng…
Điều đáng nói là các hoạt động đối ngoại ngày càng phong phú, đa dạng và được triển khai ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng. Nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc với bạn bè trong nước, quốc tế, tỉnh đặc biệt coi trọng công tác thông tin đối ngoại, trong đó tập trung tuyên truyền quảng bá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh về truyền thống lịch sử, văn hóa, đất và người Vĩnh Phúc. Những năm qua, cùng với việc duy trì và củng cố quan hệ với địa phương các nước, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư; cử hơn 600 đoàn đi công tác nước ngoài với gần 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tham gia. Đồng thời, tiếp đón gần 1.000 đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh với gần 4.500 lượt khách. Trong đó, có các đoàn lãnh đạo cấp cao và nguyên thủ quốc gia các nước như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, Italia, Nepal và nhiều đoàn cấp Bộ trưởng, Đại sứ, chính quyền địa phương các nước và các tổ chức quốc tế.
Với việc đẩy mạnh công tác vận động, thu hút nguồn vốn viện trợ phi chính phủ, hằng năm, trên địa bàn tỉnh duy trì khoảng 30 dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ, với khoản viện trợ mỗi năm đạt từ 2,5 - 3 triệu USD. Trong đó, các tổ chức chủ yếu đến từ các nước: Hàn Quốc (tổ chức PAMWF, KFHI), Mỹ (tổ chức Maryknoll), Pháp (tổ chức GRET, BATIC). Các dự án viện trợ chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực: Xóa đói giảm nghèo, phát triển nhân lực, đào tạo nghề, môi trường. Các dự án này có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của người nghèo, người yếu thế trong xã hội và các lĩnh vực còn khó khăn trong tỉnh.
Có mặt tại Vĩnh Phúc từ năm 2013, tổ chức phi chính phủ PAMWF (Hàn Quốc) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển cộng đồng. Theo ông Jang Du Young, Giám đốc tổ chức PAMWF: “Từ khi hoạt động tại Vĩnh Phúc, chúng tôi chủ yếu phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ em mồ côi, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện nhiều dự án xã hội hóa với mục đích cải thiện chính sách an sinh xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa và viện trợ trang thiết bị cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Các chương trình thực hiện của chúng tôi đa dạng, quy mô triển khai dàn đều tại các huyện miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh. Điều quan trọng, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều đối tượng khó khăn, cần tới sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện xã hội.”
Hiện PAMWF đang tập trung vào 2 dự án lớn: Tài trợ 100% kinh phí hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi Trung tâm Hy vọng, huyện Lập Thạch và Trung tâm Bảo trợ Sao Mai, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội với các hoạt động như: Trao học bổng cho học sinh, sinh viên, trẻ khuyết tật; hoạt động các đoàn tình nguyện Hàn Quốc; hỗ trợ trang thiết bị giáo dục và trang thiết bị sinh hoạt; hỗ trợ tiền ăn bán trú; tài trợ thăm quan du lịch... Từ năm 2013 đến nay, tổ chức đã đầu tư hỗ trợ trên 260.000 USD. Riêng những tháng đầu năm 2016, tổ chức này đã đầu tư hỗ trợ trên 106.500 USD với hơn 3.800 người thụ hưởng. Ông Jang cũng cho biết thêm: Trong 3 năm tới, tổ chức tiếp tục triển khai các dự án trên địa bàn với tổng nguồn hỗ trợ khoảng 538.000 USD. Đồng thời, thực hiện các chương trình nhân đạo theo hướng coi trọng chất lượng; gắn các hoạt động khuyến học, bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi vào các chương trình từ thiện nhân đạo trên địa bàn. Đặc biệt, PAMWF sẽ tiếp tục thu hút các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện nhân đạo nước ngoài vào hỗ trợ tại tỉnh.
Vận dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách
Với phương châm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế để kêu gọi thu hút đầu tư theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, tích cực hoàn thiện bộ máy; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài... Với những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những địa phương hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài và liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước.” Với việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại trên mọi lĩnh vực, đến nay, toàn tỉnh thu hút được 227 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 3,4 tỷ USD đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thu hút được các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng như điện, nước, giao thông, thủy lợi; môi trường và xóa đói giảm nghèo.
Có thể khẳng định, công tác đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của một tỉnh năng động, sáng tạo. Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Ngoại vụ tiếp tục tham mưu triển khai hiệu quả công tác đối ngoại địa phương phục vụ phát triển và hội nhập. Đồng thời, duy trì, củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng; tạo điều kiện cho các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá văn hóa, du lịch, đầu tư tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để họ tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành ngoại giao và thúc đẩy tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Hơn 580 đại biểu tham gia các chương trình nghị sự SOM 1  (20/02/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Bạc Liêu  (20/02/2017)
Thủ tướng ban hành chỉ thị chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội  (20/02/2017)
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bình Phước  (20/02/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên