Hội nghị G20 đánh giá cao những đóng góp tích cực từ phía Việt Nam

BTV (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu,vn)
21:15, ngày 18-02-2017
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bonn, Đức, ngày 17-02-2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận “Duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp” và dự phiên ăn trưa làm việc với chủ đề “Hợp tác với châu Phi.”
Với thông điệp “tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bản thân việc duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực hành động để vượt qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định luật pháp quốc tế là yếu tố cần thiết để bảo đảm môi trường quốc tế ổn định, theo đó, việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để duy trì hòa bình bền vững. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các nước giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và các tiến trình pháp lý-ngoại giao.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu để duy trì hòa bình và ổn định; kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, bao gồm xây dựng lòng tin, phòng ngừa sớm xung đột.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định cách tiếp cận đa phương và toàn diện, hài hòa lợi ích của tất cả các bên là phương thức hữu hiệu để duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, duy trì ổn định và hòa bình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các nước G20, những nền kinh tế lớn nhất thế giới, có những đóng góp cụ thể và xây dựng hơn cho hòa bình và an ninh thế giới; kêu gọi các nước G20 giữa vai trò đầu tàu trong hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thông qua tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức phát triển, đặc biệt thách thức biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ mặc dù với khả năng và nguồn lực còn khiêm tốn, Việt Nam đang nỗ lực đóng góp cho các thể chế đa phương, bao gồm việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan và Trung Phi.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng môi trường an ninh ở Đông Nam Á; phương cách của ASEAN dựa trên sự đoàn kết và đồng thuận tỏ ra là một công cụ hiệu quả để giải quyết các thách thức đối với hòa bình và ổn định khu vực, trong đó có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải; đề nghị các nước G20 tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu bật vai trò chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam; khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy và kết nối Nghị sự APEC và G20, đặc biệt trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; hợp tác chống biến đổi khí hậu; an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững... nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế và quản trị toàn cầu trong bối cảnh mới thế giới đang đứng trước nhiều thách thức và bất ổn.

Thảo luận tại hội nghị, các bên khẳng định đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm, không để ai và không khu vực nào của thế giới bị bỏ lại ở phía sau là phương thức tốt nhất để duy trì bền vững hòa bình và ổn định; kêu gọi quốc tế có hành động cụ thể, có trách nhiệm để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030; nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Phiên Ăn trưa làm việc với chủ đề “Hợp tác với châu Phi,” các bên nhấn mạnh việc hỗ trợ các nước châu Phi duy trì hòa bình, ổn định và phát triển sẽ đóng góp quan trọng vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới; khẳng định các cam kết của các nước G20 về hỗ trợ các nước châu Phi như thúc đẩy công nghiệp hoá, giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường...

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil José Serra, trong đó các bên đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng, bao gồm các biện pháp để tiếp tục đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng này đi vào chiều sâu và thực chất, và thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực mà các bên cùng quan tâm... Trong các cuộc tiếp xúc, các vị Bộ trưởng đều đánh giá cao vai trò, vị thế Việt Nam ở khu vực, sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hội nghị G20 với tư cách nước chủ nhà APEC 2017. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã cùng các vị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương cũng như phối hợp trên các diễn đàn đa phương ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Sau khi kết thúc Hội nghị, trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết những nét nổi bật và kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng G20 lần này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh cho biết: Với chủ đề “Định hình trật tự toàn cầu - chính sách đối ngoại vượt ra khuôn khổ quản lý khủng hoảng,” Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 lần này đã thảo luận việc triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc, duy trì hòa bình trong bối cảnh hiện nay, hợp tác và hỗ trợ các nước châu Phi.

Thông qua các cuộc thảo luận cởi mở và hợp tác, hội nghị đã đạt được một số kết quả nổi bật sau đây:

Thứ nhất,
hội nghị đánh giá môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết đối với phát triển bền vững; thảo luận nhiều biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu các bất ổn, xung đột; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, trong đó Liên hợp quốc là trung tâm, trong việc xử lý các thách thức đang nổi lên như đói nghèo, dịch bệnh, bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng hoảng di cư...

Thứ hai, hội nghị khẳng định đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm, bảo đảm không ai và không khu vực nào bị bỏ lại ở phía sau là phương thức tốt nhất để duy trì bền vững hòa bình, ổn định; kêu gọi quốc tế có hành động cụ thể, có trách nhiệm để thực hiện Nghị sự 2030; nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, thực hiện đúng khuyến nghị của Liên hợp quốc về mục tiêu cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển... Hội nghị nhấn mạnh ODA và hỗ trợ phát triển nói chung không phải là “sự hào phóng” hay lòng tốt một chiều mà chính là đáp ứng cả lợi ích của các nước phát triển.

Thứ ba, hội nghị nhấn mạnh việc hỗ trợ các nước châu Phi duy trì hòa bình, ổn định và phát triển sẽ đóng góp quan trọng vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới; khẳng định các cam kết của các nước G20 về hỗ trợ các nước châu Phi như thúc đẩy công nghiệp hóa, giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường...

Tra lời câu hỏi của phóng viên cho biết những đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng G20 lần nàycũng như hướng phối hợp của APEC với G20 khi năm nay Việt Nam là nước chủ nhà APEC, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh cho biết: Năm 2017, Việt Nam được mời tham dự hầu hết các hội nghị, hoạt động của Nhóm G20 trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017.

Chủ đề và ưu tiên nghị sự của G20 và APEC trong năm 2017 có nhiều điểm tương đồng, tạo cơ sở để hai diễn đàn kết nối và phối hợp trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu...

Với tư cách chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đang tích cực tham gia và đóng góp tại các hoạt động và hội nghị G20 năm nay, lồng ghép các ưu tiên của APEC nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế và quản trị toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức và bất ổn. Những đóng góp thiết thực và sự tham gia tích cực của Việt Nam từ cấp nhóm công tác đến các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và chuyên ngành khác (kinh tế, thương mại, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp...) được nước chủ nhà Đức và các thành viên tham gia G20 đánh giá cao./.