Dấu ấn phong cách Trường Chinh

Đinh Ngọc Quý ThS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:50, ngày 07-02-2017

TCCSĐT - Đồng chí Trường Chinh thuộc lớp cán bộ lãnh đạo tiền bối, chủ chốt của Đảng, có nhiều công lao to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí luôn thể hiện được phẩm chất của người cán bộ đức độ và tài năng, sáng tạo, sống gần gũi, sâu sát, hòa mình với đồng chí, đồng bào, trọn đời vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước, cả trong lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét về phong cách của người lãnh đạo, người cán bộ cách mạng chân chính, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập, noi theo.

Thứ nhất, kết hợp nhuần nhuyễn tính nguyên tắc, triệt để cách mạng với sự quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo

Tham gia cách mạng từ rất sớm, được rèn luyện qua nhiều môi trường công tác khác nhau, trải qua lao tù đế quốc, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện rõ bản lĩnh, tố chất, phong cách của người cách mạng chuyên nghiệp. Trong bất cứ công việc gì, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí đều luôn xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng, đặt lợi ích, mục tiêu của Đảng, của cách mạng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Mặt khác, đồng chí cũng luôn biết cách tìm tòi, chủ động, sáng tạo, nhạy bén với sự biến động của thời cuộc, sự xoay chuyển của tình thế cách mạng, để tìm chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện, không gian, thời gian và đối tượng cụ thể, nhằm đem lại thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng (tháng 5 -1941), quán triệt tư tưởng chuyển hướng chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng động viên lực lượng của toàn Đảng khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập trung quần chúng vào nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng lúc này là đánh đổ ách thống trị của Pháp - Nhật, giành độc lập cho Tổ quốc. Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài không có tin tức; trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đồng chí Trường Chinh đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đồng chí đã dự báo chính xác việc Nhật - Pháp sẽ bắn nhau, thể hiện rõ nhất trong bài “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ !” đăng trên báo Cờ Giải phóng, từ tháng 9-1944. Chính vì vậy, ngay sau đêm Nhật đảo chính Pháp (ngày 09-3-1945), đồng chí Trường Chinh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí Trường Chinh và Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng dấy lên cao trào kháng Nhật cứu nước, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo quyết đoán, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh, một khẩu hiệu hết sức đúng đắn, giải quyết trúng mâu thuẫn gay gắt trong đời sống xã hội lúc đó là “Phá kho thóc của Nhật và tay sai cứu đói”, đã làm dấy lên một cao trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi như một ngày hội của quần chúng. Để chuẩn bị tích cực hơn nữa cho Tổng khởi nghĩa, đồng chí Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4-1945), nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự cần kíp của Đảng lúc này. Đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo thực hiện một sáng tạo độc đáo của Đảng ta là tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, chuẩn bị bước vào trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh đã góp phần định hướng cho Đảng và nhân dân ta chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện lập trường cách mạng kiên định dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, đã tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Giữa năm 1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh đã được Ban Chấp hành Trung ương tin tưởng, nhất trí bầu làm Tổng Bí thư. Lúc này, đất nước ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Đảng khẩn trương chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi xuống các cấp lấy ý kiến. Nhưng, đồng chí Trường Chinh, với tư duy lý luận sắc bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối của Đảng ta. Đồng chí là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã nhận được sự nhất trí cao của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, phát huy dân chủ, sâu sát thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và dân tộc

Trong nhiều năm, vừa là người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan chính quyền và nhiều công tác cụ thể, đặc biệt là tham gia lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh luôn nêu cao tinh thần tập trung dân chủ, tôn trọng, phát huy ý kiến tập thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Đồng chí là người biết lắng nghe, kể cả những ý kiến trái chiều, với thái độ, lời nói luôn từ tốn, thận trọng. Khi là Tổng Bí thư, người đứng đầu của Đảng, của các tổ chức cách mạng, đồng chí Trường Chinh không bao giờ cho phép mình tùy tiện, mà trái lại, đồng chí luôn luôn khẳng định vị trí quyết đoán của mình từ chính sự tôn trọng tổ chức, từ việc bàn bạc, tham khảo ý kiến các thành viên của tổ chức. Đồng chí thường nói “càng ở vị trí cao, quyết định chỉ có thể có sức mạnh làm nên những biến động xã hội khi nó thực sự là quyết định của tổ chức”(1). Bởi vậy, trong ban lãnh đạo cấp cao chưa bao giờ xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt. Mọi người biết tôn trọng, chờ đợi nhau, điều gì chưa nhất trí thì tiếp tục đào sâu suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ một cách hợp lý nhất.

Đồng chí Trường Chinh được đánh giá là người có hiểu biết sâu sắc về lý luận, hết sức nguyên tắc và có phần “cứng” theo kiểu chính thống. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động cách mạng đồng chí luôn nêu cao tinh thần dân chủ, tôn trọng ý kiến của tổ chức, của tập thể. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới, đồng chí Trường Chinh hết sức chú ý lắng nghe từ nhiều phía và đặc biệt là rất coi trọng ý kiến của những cán bộ có tâm huyết, có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí Trường Chinh còn là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, có cơ sở.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải đổi mới để đưa đất nước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống nhân dân. Ở các địa phương bắt đầu có những tìm tòi thử nghiệm. Đồng chí Trường Chinh đã theo dõi sát tình hình, đi vào thực tiễn, đi xuống cơ sở ở một số tỉnh khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Trong một cuộc nói chuyện ở Hà Nội, đồng chí Trường Chinh đã kết luận: “Hiện nay, nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn… Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt”(2).

Tháng 7-1983, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công dự hội nghị tại Đà Lạt, trực tiếp nghe báo cáo và đề đạt nguyện vọng của một số giám đốc các xí nghiệp năng động trong sản xuất, kinh doanh ở phía Nam, tập trung là Thành phố Hồ Chí Minh. Qua nghe báo cáo và trực tiếp đi thực tế cơ sở nắm bắt tình hình, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện đổi mới cơ chế. Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới trên lĩnh vực kinh tế là một dấu mốc quan trọng của việc sâu sát thực tiễn của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mà đồng chí Trường Chinh là một điển hình.

Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, trong lao tù đế quốc, có thể làm việc và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Trường Chinh luôn luôn chấp hành sự phân công, điều động của Đảng. Cho dù ở cương vị nào, đồng chí cũng làm việc hết sức mình trên tinh thần tự giác, tận tụy, có trách nhiệm trước Đảng và dân tộc. Khi Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận thức được sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, trên cương vị Trưởng Ban Cải cách ruộng đất Trung ương, đồng chí Trường Chinh là người tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Với danh dự và lương tâm của một người cộng sản chân chính, nhận thức rõ những sai lầm đó có một phần trách nhiệm của mình, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm nhận khuyết điểm và xin thôi giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Cũng như về sau, khi đã nhận thấy khoán hộ là đúng đắn thì đồng chí đã công khai nhận sai lầm khi phê bình đồng chí Kim Ngọc(3) và Tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Cho đến sau này, tuổi cao sức yếu, khi làm Cố vấn, đồng chí được Bộ Chính trị phân công tham gia làm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh. Bằng tất cả những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết của mình, đồng chí đã dồn hết tâm trí và sức lực làm nhiệm vụ ấy với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người cộng sản mẫu mực, trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi hòa mình với đồng bào, đồng chí

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Trường Chinh đã nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tác phong lối sống giản dị, gần gũi quần chúng; tận tụy trong công tác, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và trong thực tiễn công tác, đồng chí Trường Chinh thể hiện rõ phẩm chất người cách mạng gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, quý trọng. Mặc dù có phong thái, cốt cách thư sinh của một người trí thức, nhưng đồng chí lại có thể hòa nhập bất cứ môi trường hoạt động nào. Trong những năm hoạt động bí mật ở các vùng nông thôn, đồng chí đóng vai nhà giáo, chính bản thân cũng đã là một nhà giáo. Vào thành phố, đồng chí là người thành thị. Về nông thôn, cởi áo, mặc quần nâu sòng cuốc đất làm vườn. Đồng chí thâm nhập quần chúng rất dễ dàng, nói tiếng nói của họ, trao đổi với họ về cuộc sống của người lao động mà đồng chí hiểu biết sâu sắc.

Trải qua những năm tháng gian khổ nơi tù ngục Hỏa Lò, Sơn La, đồng chí lao mình vào cuộc sống của người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, sống lăn lộn cùng với người dân lao động, đồng cam cộng khổ với họ để thực hiện lý tưởng cách mạng. Sau này, khi đã trở thành người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí vẫn giữ nếp sống thanh bạch, giản dị, gần gũi với đồng chí, đồng bào. Và, cũng vì sống tình nghĩa trước sau, khi hòa bình lập lại, đặc biệt khi đất nước thống nhất, dù bận rất nhiều công việc, đồng chí vẫn dành thời gian đi thăm hỏi, cảm ơn những nơi, những cơ sở, những gia đình đã có công đối với cách mạng.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn về trí tuệ, đồng chí còn cảm hóa mọi người bằng đức độ và nhân cách cao đẹp. Đồng chí luôn quan tâm đến sự trưởng thành của cán bộ, chan hòa, thân mật, không quan cách, thông cảm với khó khăn, nâng đỡ khi vấp ngã, giúp đỡ, động viên mọi người cố gắng vươn lên. Đồng chí còn là một con người rất mực đạo đức, cẩn trọng và tỉ mỉ đúng với những bí danh: Toàn, Nhân, Thận. Một đức tính cực kỳ quý báu mà đồng chí học được ở Bác là lấy đoàn kết làm trọng, luôn bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”.

Trong công việc, đồng chí Trường Chinh có tác phong và lối làm việc cần cù, chu đáo, cẩn trọng, sâu sắc trong tư duy, nghiêm túc trong hành động, cần mẫn làm việc cho đến sức lực cuối cùng. Trong đời sống riêng, đồng chí sống giản dị, trong sạch, tiết kiệm, thực hiện theo đúng quy chế của Đảng và Nhà nước, không vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình và dòng tộc. Đồng chí Trường Chinh đã thể hiện tấm gương mẫu mực về nói đi đôi với làm, thông qua hành động để giáo dục mọi người, để lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong tâm khảm đồng chí, đồng bào và những người từng được tiếp xúc, làm việc dù chỉ một lần./.

-----------------------------------------

(1) Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 573

(2) Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 33

(3) Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú