Tưng bừng khai mạc các lễ hội đầu Xuân

BTV/TTXVN
17:02, ngày 05-02-2017
TCCSĐT - Mùa Xuân - mùa của các lễ hội. Ngay sau Tết Nguyên đán, tại nhiều địa phương trên cả nước đã tưng bừng tổ chức khai mạc các lễ hội nhằm bảo tồn, khai thác, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sân chơi cho người dân địa phương và du khách.

Khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông năm 2017 trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Tối 04-02, tại Sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Đây là sự kiện nổi bật đầu tiên trong năm 2017 của tỉnh Hà Giang nhằm bảo tồn, khai thác, tái hiện các giá trị văn hóa và tạo sân chơi rộng lớn cho dân tộc Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và huyện Mèo Vạc là nơi cư trú của đông đảo đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 80% dân số. Văn hóa dân tộc Mông giữ vị trí là trụ cột và có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng. Những nét văn hóa truyền thống mà chỉ ở người Mông mới có là: lễ hội Gầu Tào, lễ cúng ngày 30 tết, lễ đặt tên cho người đàn ông trưởng thành, hội vỗ mông…

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông là hoạt động thường niên được tỉnh Hà Giang tổ chức mỗi khi Tết đến Xuân về. Đây là lần thứ 3 ngày hội được tổ chức tại huyện Mèo Vạc. Được coi là sự kiện văn hóa lớn của đồng bào dân tộc Mông, Ngày hội góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch, thông qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông được tổ chức trang trọng trên tinh thần tiết kiệm với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật được tái hiện nét văn hóa đa dạng, đa sắc màu của đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đến với ngày hội, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động như thi đánh yến, thi cuộn và dệt vải lanh, đan quẩy tấu… thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào như mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp... cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Đặc biệt, đến với Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, du khách còn được chứng kiến màn múa khèn tập thể của gần 200 đôi nam, nữ thanh niên người dân tộc Mông; được xem Lễ hội vỗ mông, đây là nét văn hóa vô cùng độc đáo và duy nhất chỉ có trong cộng đồng người Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông sẽ diễn ra trong hai ngày 04 và 05-02 tại huyện Mèo Vạc. Ngay trong ngày khai mạc, Ngày hội đã thu hút hàng nghìn du khách tham gia.

Lễ hội Đền Nưa, Am Tiên 2017

Ngày 05-02 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), UBND Huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã tổ chức khai mạc lễ hội Đền Nưa, Am Tiên năm 2017 (lễ hội được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2009). Tham dự khai mạc lễ hội có đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng hàng nghìn du khách thập phương về tham dự.

Đến với lễ hội Đền Nưa, Am Tiên, du khách sẽ được tìm hiểu thêm về vùng đất thiêng liêng, nơi bà Triệu đã phất cờ khởi nghĩa. Trên đỉnh Am Tiên này có huyệt đạo được xem là 1 trong 4 huyệt đạo linh thiêng nhất toàn quốc. Khi du khách đứng trên đỉnh núi cao nhất Ngàn Nưa, sẽ được hòa mình trong không gian núi non trùng điệp với mây trời và tham gia các trò chơi, diễn tuồng dân gian đặc sắc, gắn liền với tích sử Ngàn Nưa Tụ Nghĩa của bà Triệu.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: "Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Đền Nưa, Am Tiên, gắn với du lịch cần có sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần để lễ hội Đền Nưa, Am Tiên ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh, để linh khí Ngàn Nưa mãi đi vào lòng người”.

Sau khai mạc lễ hội Đền Nưa, Am Tiên, du khách thập phương đã dâng hương, tế lễ các vị anh hùng dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà an lành, hạnh phúc.

Đền Nưa, Am Tiên thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất Cổ Định khi xưa và xã Tân Ninh ngày nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm đặc các di tích, trong đó có 10 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 3 di tích được xếp hạng quốc gia. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như Gò đống thóc là kho lúa của nghĩa quân; Đồng Kỵ là nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân; Bùng Voi Đằm là nơi tắm voi Bà Triệu…

Tại đỉnh núi Nưa có động Am Tiên là khu đất rộng và bằng phẳng, tuy ở độ cao 538 mét nhưng nơi đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt, không bao giờ cạn, tạo thành cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà nhân gian đặt tên là giếng Tiên. Tương truyền đây là giếng dành riêng cho Bà Triệu để lấy nước làm lễ tế trời đất và dùng nước để rửa mặt mỗi khi xung trận.

Lễ hội Đền Nưa, Am Tiên sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng Giêng.

Khai bút đầu Xuân tại Đền thờ nhà giáo Chu Văn An

Ngày 04-02 (tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch), tại Đền thờ nhà giáo Chu Văn An, núi Phượng Hoàng xã Văn An, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã diễn ra lễ khai bút đầu Xuân.

Tại Lễ khai bút, các cụ đồ nho, các nhà giáo cao tuổi, uy tín của Hải Dương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương đã khai bút với các chữ “ Phong- Điều-Vũ-Thuận (có ý nghĩa là mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an)” và “ Tâm - Đức - Trí - Phúc - Lộc -Tài - An - Phát- Thịnh.”

Lễ khai bút nhằm tôn vinh sự học, nghiệp dạy của học sinh và giáo viên cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Lễ khai bút còn nhắc lại lời dạy của tiền nhân về đạo lập thân, tu nghiệp, rèn đức, luyện tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tại buổi lễ, lãnh đạo thị xã Chí Linh đã tuyên đọc sớ vinh danh sự nghiệp dạy học của nhà giáo Chu Văn An, người thầy giáo của muôn đời, cũng như nét đẹp của việc khai bút và cho Chữ đầu Xuân.

Theo sử sách, nhà giáo Chu Văn An (1292-1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam. Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần nhưng không được Vua nghe. Ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh dạy học, viết sách cho đến khi mất.

Tục khai bút và xin chữ đầu xuân là nét văn hóa đẹp từ nhiều đời nay. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy Chu Văn An, thường được Thầy thăm hỏi, trò chuyện… Thông qua đó, thầy thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người. Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm.

Điều đặc biệt nữa là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu Văn An thường dùng để viết chữ. Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa…

Đền thờ Chu Văn An là nơi diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Nhiều trường học trong cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Du khách đến viếng đền đầu xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho, cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đền thờ thầy Chu Văn An đã đón trên 8 vạn lượt du khách đến dâng hương và xin chữ. Cũng trong lễ khai bút, đã diễn ra Triển lãm lịch sử khoa bảng và các di tích Nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”./.