Phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường để phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 09-01, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo Bộ.
* Chuyển biến trong công tác quản lý
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận ngành tài nguyên - môi trường đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước. Công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đang có những chuyển biến tích cực nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các quy hoạch, chiến lược về quản lý, sử dụng tài nguyên cũng được lập đồng bộ và được rà soát cập nhật, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của Nhà nước. Trong năm 2016, thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng; thu từ đất đai đạt trên 68.000 tỷ đồng. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên có nhiều tiến bộ; khai thác sử dụng phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Ngành đã có nhiều nỗ lực trong xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và một số địa phương khác. Từ sự cố môi trường nghiêm trọng này cũng như một số sự cố môi trường khác đã xảy ra, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã nghiêm túc rà soát, đánh giá lại những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 30-8-2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và đang khẩn trương tổ chức thực hiện.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường được tăng cường, đổi mới. Giải quyết khiếu nại tố cáo tiếp tục được quan tâm, bước đầu giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tài nguyên - môi trường vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục. Cụ thể là công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật vẫn còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, không ít quy định lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, với cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đạt kết quả cao hơn năm 2015, nhưng vẫn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng thời hạn. Cải cách hành chính đã được đổi mới trong các quy định nhưng chưa được thực thi đầy đủ, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa đáp ứng được yều cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục đánh giá tác động môi trường. Việc quản lý, khai thác tài nguyên tuy đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Công tác điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng tài nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản còn diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khai thác trái phép cát sỏi lòng sông, ven biển; tài nguyên nước, đất đai vẫn còn bị sử dụng lãng phí. Trong quá trình quản lý, khai thác tài nguyên, còn xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, gây mất trật tự xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm trọng. Hậu quả là nhiều hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, hệ sinh thái biển bị suy giảm. Ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thực sự được lồng ghép có hiệu quả trong các chiến lược, quy hoạch. Mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị còn lạc hậu, năng lực dự báo, nhất là dự báo xa còn hạn chế.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết tích cực song tình trạng khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến sử dụng tài nguyên, đất đai chưa được xử lý có hiệu quả. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, để tránh nguy cơ tụt hậu, yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh, nhưng phải bền vững; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Từ đó đòi hỏi phải tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài nguyên, đất đai, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành tài nguyên - môi trường, trong đó đặc biệt là Bộ Tài nguyên - Môi trường phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện thể thế, chính sách, quy hoạch, chiến lược phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập, đặc biệt là với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các quy định mới của quốc tế. Tăng cường huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để thực hiện Chiến lược, chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu trên cơ sở Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đến cấp xã. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, làm cơ sở rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính liên kết giữa các ngành, các vùng, phát huy được nguồn lực tài nguyên và môi trường, góp phần tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngăn chặn có hiệu quả công nghệ lạc hậu chuyển vào Việt Nam. Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí đầu tư bảo vệ môi trường”. Thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ để nâng cao năng lực ngành, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để cơ cấu, sắp xếp lại cho hợp lý; ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý tài nguyên, môi trường, dự báo thiên tai…; cải cách hành chính, đổi mới lề lối, quy trình, tác phong làm việc. Phải tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên; xây dựng cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất; thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất, nhất là với đất nông nghiệp. Khẩn trương hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai nhằm từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng chính phủ điện tử. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra của các bộ, ngành đối với việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh. Đối với tài nguyên nước: Cần sớm ban hành các quy định cụ thể về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt tại các vùng khan hiếm nước để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, lập và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tài nguyên nước của cả nước, các lưu vực sông. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm, xả nước thải vào nguồn nước. Khẩn trương đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia. Đối với tài nguyên khoáng sản: Tập trung điều tra, đánh giá triển vọng khoáng sản đến độ sâu 500m và một số vùng đến 1.000m phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến và dự trữ quốc gia. Tăng cường kiểm soát có hiệu quả sản lượng khai thác; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tổ chức tốt việc thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; khẩn trương trình Chính phủ để trình Quốc hội Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam. Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên biển ẩn sâu.
Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng chống các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết không chấp thuận đầu tư, cấp phép, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động trong bảo vệ môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư, đặc biệt sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa. Đẩy mạnh xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học.
Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, tăng cường năng lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm của công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo xa. Đổi mới phương thức cung cấp thông tin để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, phục vụ công tác phòng, tránh thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng và tài sản. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng nêu rõ: Là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, song với trách nhiệm của mình, Việt Nam cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế. Do đó, Bộ Tài nguyên Môi trường cần tham mưu với Chính phủ những giải pháp phù hợp để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm hiện thực các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
* Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Năm 2017, ngành tài nguyên - môi trường sẽ nỗ lực quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Để đạt được các mục tiêu này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường các địa phương phải đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được. Nhìn thẳng vào những hạn chế về thể chế, chính sách, pháp luật; năng lực thực thi chính sách ở Trung ương, địa phương; xác định rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá, tạo bước chuyển mạnh mẽ, phát huy tối đa các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển đất nước.
Từ thực tiễn địa phương, cơ sở đề ra các giải pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp để thanh tra, kiểm tra trở thành công cụ sắc bén phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, trong việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương, xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với các lĩnh vực quản lý của ngành. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Đánh giá đúng năng lực ngành, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý của ngành, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Nhật Bản đến chào xã giao  (09/01/2017)
Phó Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu dự Chương trình “Xuân Doanh nhân với cộng đồng”  (09/01/2017)
Đoàn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia thăm Việt Nam  (09/01/2017)
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (09/01/2017)
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (09/01/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay