Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa cho biết, lần đầu trong 18 năm qua, Nga đã vượt qua A-rập Xê-út trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ ra thị trường toàn cầu. Dự đoán, sản lượng dầu mỏ của Nga năm 2030 sẽ tăng 10% và đạt hơn 530 triệu tấn. Ngoài ra, Nga đang ở vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt.

Chính phủ Nga cho biết, trong giai đoạn 2009-2030, Nga sẽ đầu tư khoảng 600 tỉ USD cho lĩnh vực dầu mỏ. Một trong những nhiệm vụ chiến lược của ngành dầu khí Nga là đến năm 2015 sẽ sử dụng hiệu quả 95% nguồn dầu khí khai thác. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong các tháng cuối năm 2009 ở mức cao kỷ lục - gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhờ các mỏ dầu mới ở Siberia được đưa vào khai thác. Chủ tịch Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom Alexei Miller khẳng định, Nga là nhà cung cấp dầu khí tin cậy cho nhiều nước và khu vực, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU) và Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2030, Nga sẽ cung ứng cho Trung Quốc 300 triệu tấn dầu thô, theo đó mỗi năm sẽ vận chuyển cho Trung Quốc 15 triệu tấn, chiếm khoảng 7% lượng dầu tiêu thụ của nước này. Nga và Trung Quốc bắt đầu tiến hành đàm phán năng lượng từ năm 2001 và đến tháng 10-2008, hai nước mới ký kết hợp đồng về xây dựng tuyến đường ống vận chuyển dầu mỏ xuyên biên giới này. Ðây là một phần của tuyến đường ống dài 4.700 km trong dự án khai thác và vận chuyển dầu từ phía đông Siberia đến Thái Bình Dương.

Tập đoàn Gazprom, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch xuất khẩu 160,8 tỉ m3 khí đốt trị giá 50,3 tỉ USD sang châu Âu vào năm 2010, tăng 13% so với năm nay. Nga hiện cung cấp khoảng một phần tư lượng khí đốt cho EU. Theo Tổng cục Thống kê Liên bang Nga, năm 2008 nước này đã xuất khẩu 174 tỉ m3 khí đốt, đạt 42,5 tỉ USD, chiếm 20% doanh thu của ngân sách Liên bang Nga. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh thu từ xuất khẩu của Gazprom trong năm 2009 có thể giảm tới 35% so với năm 2008. Hiện Gazprom đặt mục tiêu kiểm soát 25% thị trường khí hóa lỏng toàn cầu vào năm 2020. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom A. Medvedev nhấn mạnh, trong những năm vừa qua Gazprom hoạt động rất có hiệu quả tại Anh và công ty đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Mỹ. Hiện Gazprom và Shell, Công ty dầu khí hàng đầu của Anh, thỏa thuận cung cấp hằng năm một triệu tấn khí đốt hóa lỏng của Nga vào thị trường Mỹ cho tới năm 2028. Theo kế hoạch, trong vòng năm năm tới, Gazprom sẽ chiếm 10% thị phần thị trường khí đốt tự nhiên của Mỹ, thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới. Hai mỏ khí đốt Gia-man và Stốc-man-nốp-xki sẽ là nguồn cung khí đốt chủ yếu từ Nga sang Mỹ. Ngoài ra, Gazprom cũng đang thương lượng với Tập đoàn khí đốt Petrobras của Bra-din để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khí hóa lỏng và hướng tới một loạt nước có trữ lượng khí đốt dồi dào như Vê-nê-du-ê-la, Pê-ru, Bô-li-vi-a và Ác-hen-ti.

Gazprom vừa tuyên bố sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu dầu khí sang châu Á trong những năm tới. Dù châu Âu hiện vẫn là thị trường nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Tập đoàn Gazprom, nhưng các nhà năng lượng Nga nhận định, trong vòng 20 năm nữa, châu Á sẽ là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực tiêu thụ khí đốt của Nga. Theo IEA, đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ tăng 3,6% mỗi năm.

Ðể đón trước nhu cầu này, Gazprom đã cho khởi công xây dựng tuyến đường ống Sakhalin - Khabarovsk – Vladivostok vận chuyển khí đốt từ mỏ Yakutia của Nga sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là những đối tượng chủ yếu của tuyến đường ống này. Dự kiến năm 2012, tuyến đường ống sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Các công ty năng lượng của Nga cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các mỏ dầu mới ở những vùng xa xôi, như Bắc Cực hay đông Siberia. Nhiều nghiên cứu cho rằng, trữ lượng dầu khí tại Bắc Cực chiếm khoảng từ 3% đến 4% nguồn dầu khí chưa được khai thác của toàn thế giới./.