TCCSĐT - Theo báo cáo “Các kết quả suy rộng mẫu” của Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở năm 2009 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố ngày 31-12-2009, mức sinh của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm trong 10 năm qua và nước ta đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Theo đó, tổng tỷ suất sinh vẫn duy trì dưới mức sinh thay thế, đạt 2,03 con trên một phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng, miền: khu vực thành thị là 1,80; khu vực nông thôn là 2,15; vùng Đông Nam bộ là 1,69; vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,84; và cao nhất là 2,65 ở vùng Tây Nguyên.

Các kết quả suy rộng mẫu về dân số

1. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao, đạt 111 sinh trai trên 100 sinh gái. Mặc dù không có sự khác biệt lớn về tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị và nông thôn nhưng số liệu cũng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh đặc biệt cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng (115,3 sinh trai trên 100 sinh gái). Số liệu này cho thấy, giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là một nhu cầu hết sức cần thiết.

2. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26,2 và của nữ là 22,8. So với kết quả TĐT năm 1999, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam tăng một tuổi trong khi tuổi này của nữ không thay đổi. Số liệu cho thấy, cần có những phân tích sâu hơn để xác định những nhân tố góp phần trì hoãn tuổi kết hôn của nam thanh niên.

3. So với cuộc TĐT năm 1999, tổng số người di cư trong nội tỉnh và giữa các tỉnh trong 5 năm trước thời điểm TĐT năm 2009 tăng lên đến 6,6 triệu người so với 5,1 triệu người năm 1999, chủ yếu là di cư giữa các tỉnh. Di cư gắn liền với phát triển kinh tế tại các khu đô thị, các khu công nghiệp và chế xuất.

4. Việt Nam đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. So với kết quả của cuộc TĐT năm 1999, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33% năm 1999 xuống còn 25% năm 2009, trong khi tỷ trọng dân số của nhóm 15-59 tuổi tăng từ 58% năm 1999 lên 66%, và nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 8% năm 1999 lên 9% năm 2009. Trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ cao gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi “phụ thuộc”. Thời kỳ này chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia và sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nếu Chính phủ có những chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp, và những sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học đều có thể tìm được việc làm tốt trong nền kinh tế đang phát triển.

5. Đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009, cả nước có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,1% dân số; trong đó thành thị có 11,9 triệu người (27%), nông thôn có 31,9 triệu người (73%). Điểm đáng lưu ý là lao động nữ chiếm 46,6% tổng lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hoá dân số. Chỉ số già hoá (được tính bằng cách lấy số người từ 60 tuổi trở lên chia cho số người dưới 15 tuổi) đã tăng 11,4 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 24,5% năm 1999 lên 35,9% năm 2009). Chỉ số già hoá của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%). Như vậy, cùng với “cơ cấu dân số vàng”, Việt Nam cũng cần có những ứng phó với già hoá dân số để bảo đảm an sinh xã hội cho người già vì họ là nhóm dân số dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong cuộc sống.

6. Mức chết của Việt Nam vẫn rất thấp. Tỷ suất chết thô là 6,5 phần nghìn và tỷ suất chết của trẻ em dưới một tuổi tính cho 12 tháng trước thời điểm TĐT năm 2009 là 16 phần nghìn.

Cùng với mức sinh và chết giảm, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam cũng tăng lên. Sau 10 năm, tuổi thọ đã đạt 72,8 tuổi, tăng 3,7 tuổi đối với dân số nam (từ 66,5 tuổi năm 1999 tăng lên 70,2 tuổi năm 2009) và 5,5 tuổi đối với dân số nữ (từ 70,1 tuổi năm 1999 tăng lên 75,6 tuổi năm 2009). Kết quả này khẳng định sự thành công của các chương trình chăm sóc sức khoẻ và phát triển xã hội trong vòng 10 năm qua.

Các chỉ tiêu văn hoá, lao động, việc làm và nhà ở cũng đã được công bố trong báo cáo “Các kết quả suy rộng mẫu”. Lần đầu tiên trong TĐT năm 2009, thông tin về khuyết tật cũng được điều tra. Số liệu cho thấy, có 3,9 triệu người có khuyết tật về nhìn; 2,5 triệu người có khuyết tật về nghe; và 2,9 triệu người có khuyết tật về vận động. Ngoài ra còn có 2,8 triệu người có khuyết tật về ghi nhớ. Cũng cần phải lưu ý rằng, trong nhiều trường hợp, một người có thể có hơn một loại khuyết tật. Con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì các cơ hội an sinh xã hội phù hợp và cơ chế hỗ trợ cho người người khuyết tật ở Việt Nam.

Kết quả suy rộng mẫu cũng cho thấy, đời sống của người dân Việt Nam đã có sự cải thiện. Đến nay, 93% dân số có nhà riêng. Trong số những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 47%, nhà bán kiên cố chiểm 37,8%. Diện tích ở bình quân đầu người là 18,6m2, trong đó người dân thành thị là 23,1m2 và người dân nông thôn là 16,7m2. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh là 87%; 96% số hộ có điện lưới thắp sáng; 87% số hộ có ti-vi. Tuy nhiên, chỉ có 54% số hộ có hố xí hợp vệ sinh. Tỷ lệ này của khu vực thành thị là 87,8% và của khu vực nông thôn là 39%.

** Báo cáo “Các kết quả suy rộng mẫu” được biên soạn trên cơ sở tổng hợp số liệu từ mẫu 15% trong tổng số 22 triệu hộ gia đình ở Việt Nam, được điều tra trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4-2009. Báo cáo bao gồm 53 chỉ tiêu trong 10 nhóm chỉ tiêu ở cấp quốc gia, khu vực và các tỉnh. Các thông tin chi tiết bao gồm số liệu tổng hợp theo tuổi và giới tính sẽ được công bố trong báo cáo cuối cùng, dự kiến vào năm 2010./.