Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân
TCCS - Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa chính thức đi vào hoạt động ngày 01-7-2005 theo quyết định số 161/2004/QĐ-BCN, ngày 06-12-2004, của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, chuyển Điện lực Khánh Hòa thành Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, có nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh điện năng, kinh doanh viễn thông công cộng và một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Từ đó đến nay, Công ty luôn bảo đảm nguồn, lưới điện, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Công ty là đơn vị cổ phần duy nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối điện, niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, bên cạnh những thuận lợi như tự chủ trong hoạt động kinh doanh, phương thức quản lý hiệu quả, sự ủng hộ và tạo điều kiện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như của tỉnh Khánh Hòa..., Công ty gặp không ít khó khăn:
- Thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động cổ phần cũng là thời điểm Luật Điện lực có hiệu lực. Luật quy định nghĩa vụ của ngành điện là phải đầu tư các công trình điện cho đến công-tơ để bán điện cho khách hàng sử dụng điện, điều này đã dẫn đến yêu cầu nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở về điện rất lớn.
- Do tiếp nhận toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn và bán điện trực tiếp đến các khách hàng sử dụng điện ở khu vực nông thôn, nên khối lượng, lao động quản lý lưới điện tăng lên, mặt khác hệ thống lưới điện nông thôn này hầu hết thiếu đồng bộ, chắp vá không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn cần phải đầu tư cải tạo.
- Sau cổ phần, Công ty hoạt động độc lập và phải đối mặt với cơ chế thị trường, trong khi nguồn nhân lực chưa đào tạo kịp.
- Là công ty cổ phần nên đơn vị khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ cũng như của các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài (ODA, WB...).
- Tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất thấp, bình quân tăng trưởng hằng năm sản lượng điện chỉ đạt mức 6% - 8%/năm, thêm vào đó, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của đơn vị.
Tuy nhiên, với truyền thống của một đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, cùng tinh thần năng động, sáng tạo của lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên, những năm qua Công ty đã vượt qua những khó khăn trên và đạt được kết quả tích cực:
Trong lĩnh vực sản xuất điện, Công ty tập trung thực hiện các giải pháp cải tạo nâng cấp nguồn lưới điện, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác quản lý vận hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên,... cấp điện an toàn, liên tục và bảo đảm chất lượng điện năng cho các phụ tải trên địa bàn; làm tốt công tác hiệu suất khu vực, công tác phân tích số liệu và thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp (các giải pháp này liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, quản lý hệ thống đo đếm, thay thế công - tơ định kỳ, ghi chỉ số, kiểm tra định kỳ, đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên...) nên lượng điện dùng cho truyền tải điện (TTĐN) liên tục giảm thấp ổn định.
Công ty thường xuyên cải tiến dịch vụ khách hàng, nắm bắt, cập nhật thông tin về khách hàng một cách thường xuyên, qua đó chăm sóc, phục vụ khách hàng cũng như áp giá điện cho từng khách hàng được nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, Công ty còn chú trọng đến các khâu thiết kế - dự toán, đấu thầu mua sắm vật tư, tận dụng vật tư thu hồi, giải pháp tổ chức thi công để rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vật tư, nhân công, rà soát loại bỏ các hạng mục chưa thực sự cần thiết đầu tư cũng như chi tiêu,... nhằm giảm chi phí đầu tư. Công ty hoàn thành việc xây dựng và được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 trong tháng 12-2008.
Đối với hệ thống điện nông thôn, sau khi cổ phần hóa, Công ty đã tập trung đầu tư cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện. Hằng năm, Công ty đầu tư từ 10 đến 15 tỉ đồng để cải tạo, sửa chữa lưới điện nông thôn cũ và phát triển mở rộng các khu vực có nhu cầu bức xúc về điện. Đến nay, cơ bản lưới điện khu vực nông thôn bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành an toàn, TTĐN lưới điện nông thôn từ mức trung bình 25% đã được giảm xuống còn từ 10% đến 12%. Tổng sản lượng điện năng khu vực nông thôn tính đến năm 2008 là hơn 86 triệukW, chiếm gần 10% điện thương phẩm của Công ty. Tổng số hộ dân khu vực nông thôn Khánh Hòa năm 2008 là 131.000 hộ trong đó có 129.000 hộ có điện, đạt tỷ lệ 98,47%. Công ty đã và đang triển khai chương trình phủ điện lõm trên địa bàn nông thôn với tổng mức đầu tư trên 40 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2010 - 2015 sẽ đầu tư hơn 100 tỉ đồng để cải tạo toàn bộ lưới điện nông thôn cũ.
Tính đến 30-9-2009, Công ty đang quản lý vận hành: 357km đường dây 110kV; 10 trạm 110kV với công suất lắp đặt 394MVA; 176,125km đường dây 35kV; 879,089km đường dây 22kV; 549,411km đường dây 15kV; 1.778,148km đường dây 0,4kV; 11 trạm biến áp trung gian 35kV, 22kV (64,78MVA); 2.353 trạm phân phối (477,775MVA); số lượng khách hàng sử dụng điện là 258.000 khách hàng.
Trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông, Công ty tìm kiếm các giải pháp, phương thức kinh doanh hiệu quả. Năm 2008 Công ty hoàn thành thực hiện số lượng trạm phát sóng BTS tại khu vực Khánh Hòa gồm 43 trạm, với hơn 48.985 thuê bao trong đó 29.093 thuê bao trả sau và hơn 12.302 thuê bao trả trước; về dịch vụ in-tơ-nét có 1.362 thuê bao đang hoạt động và 176 thuê bao dịch vụ cố định không dây.
Bên cạnh việc ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng, Công ty còn xúc tiến nghiên cứu, tìm hiểu, đàm phán với các đối tác để mở rộng hoạt động kinh doanh vào các lĩnh vực khác. Công ty đã góp vốn cùng với các đối tác đầu tư, thành lập các công ty cổ phần: Công ty cổ phần Thủy điện Sông Chò (nắm giữ 45% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (2% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Bất động sản EVNLand - NhaTrang (8% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Bất động sản EVNLand - SaigonVina (1% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Bất động sản EVNLand - Central (2% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Thiết bị điện VINASINO (5% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Bê-tông ly tâm Điện lực Khánh Hòa (31% vốn điều lệ)...
Trên cơ sở xác định con người là yếu tố chính quyết định thành bại trong sản xuất kinh doanh, những năm qua Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức và cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn do ngành điện và các trường đại học tổ chức. Hiện nay, Công ty chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản lý cấp cao như: giám đốc điều hành (CEO), kế toán trưởng doanh nghiệp (CFO), quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị maketting... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của công ty hiện tại cũng như tương lai. Năm 2008, các giám đốc đơn vị trực thuộc đã được đào tạo lớp CEO, các kế toán đã được đào tạo lớp CFO. Đến nay, tất cả cán bộ quản lý đã được học các chuyên đề về quản trị công ty và có 7 người đang theo học trên đại học.
Ngoài những kết quả trên, Công ty còn chăm lo bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) theo các nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành... Công đoàn Công ty và cơ quan chuyên môn đã phối hợp và triển khai tốt các nội dung công tác BHLĐ nên trong các năm qua không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào. Từ năm 2005 đến nay, Công ty liên tục được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống cháy nổ và công tác BHLĐ.
Công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, công tác từ thiện, xã hội cũng được Công ty quan tâm đúng mức: Đã xây dựng 1 nhà tình nghĩa cho bà Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ các quỹ từ thiện, xã hội, xóa đói, giảm nghèo,... hằng năm trên 100 triệu đồng.
Nhìn chung, từ sau cổ phần hóa, Công ty bảo đảm cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, Công ty bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước và của các cổ đông, bảo đảm cổ tức cho cổ đông, đồng thời bảo đảm thu nhập và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong Công ty.
Công ty là một trong 13 doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa luôn hoàn thành vượt mức nghĩa vụ nộp thuế cho địa phương.
Trong giai đoạn tới, khi khủng hoảng tài chính thế giới chấm dứt, tình hình kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế sẽ tăng cao, do đó đặt ra yêu cầu cao về đầu tư hạ tầng lưới điện cũng như đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hiệu quả để bảo đảm sự phát triển hợp lý, bền vững của đơn vị. Để đáp ứng các yêu cầu đó, Công ty sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Cải tạo lưới điện để nâng cao năng lực cấp điện và giảm tổn thất điện năng một cách bền vững, xây dựng và tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư ưu đãi cho các dự án cấp điện các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Phát huy hiệu quả các ngành nghề đang kinh doanh, bảo đảm ổn định mức lợi nhuận. Củng cố nội lực để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh sau khi nền kinh tế hồi phục và phát triển.
- Giai đoạn 2011 - 2015: Dự báo sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh Khánh Hòa đạt gần 2 tỷ kWh, tăng trưởng ổn định ở mức 15% - 20%. Trên cơ sở này, Công ty sẽ tập trung đầu tư phát triển lưới điện để cấp điện cho các khách hàng trọng điểm (khu công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế trọng điểm...), chủ động trong việc xây dựng phương án giá mua bán điện khi thị trường điện hình thành. Tham gia đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực tiềm năng và lợi thế của Công ty như: đầu tư và khai thác nguồn thủy điện nhỏ, sản xuất và kinh doanh thiết bị điện, bất động sản, du lịch, công nghệ thông tin, sản phẩm bê-tông ly tâm dự ứng lực...
Với hoạt động kinh doanh điện đặc thù, Công ty kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền:
- Tạo điều kiện cho Công ty có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước có lãi suất thấp như nguồn vốn ODA, WB, các tổ chức tín dụng trên thế giới,... để đầu tư lưới điện phân phối từ 110kV trở xuống, nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Khánh Hòa.
- Có cơ chế về giá bán điện ổn định từ 4 - 5 năm. Chỉ có như vậy Công ty mới xây dựng được chiến lược kinh doanh trung hạn và dài hạn. Hiện nay, Công ty phải bảo vệ giá mua điện hằng năm với EVN.
- Đối với một số hoạt động mua bán điện không mang tính kinh doanh như cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực an ninh quốc phòng, Chính phủ có cơ chế tài chính phù hợp hơn cho việc đầu tư và cung cấp điện cho các khu vực trên./.
Mục lục chuyên đề cơ sở số 36 (12-2009)  (30/12/2009)
Chăn nuôi năm 2009, đạt tốc độ tăng trưởng cao  (29/12/2009)
Hơn 360 nghìn tỉ đồng đầu tư hệ thống cảng biển  (29/12/2009)
Đầu tư 196 tỉ đồng cho chương trình khuyến nông năm 2010  (29/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên