TCCSĐT - Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức trực trong dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin

Ngày 27-12, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia yêu cầu Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan tập trung rà soát các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chế tạo, sản xuất các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Cụ thể, Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phát triển về giống cây trồng, vật nuôi; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, lựa chọn một số công nghệ, thiết bị về an toàn thông tin đặc thù để làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị chuyên biệt của Việt Nam...

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan rà soát các nhóm nhiệm vụ: các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong đó bao gồm cả các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác liên quan tới các ngành công nghiệp, kinh tế - kỹ thuật như giao thông, năng lượng, xây dựng…

Các chương trình, nhiệm vụ của chương trình cần xây dựng có trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm các dự án và sản phẩm phải thực sự đạt tầm quốc gia, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước. Trước mắt, các bộ tập trung chỉ đạo, phối hợp các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, ưu tiên tổ chức nghiên cứu, phát triển một số dự án, sản phẩm.

Hiện nay, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA). Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắcxin khi tự sản xuất được vắcxin MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắcxin trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vắcxin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Việt Nam đã triển khai 12 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có 10 loại vắcxin do Việt Nam sản xuất trong nước. Đó là vắcxin phòng các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Tất cả các vắcxin dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và trải qua những kiểm định nghiêm ngặt, bảo đảm điều kiện về tính an toàn và hiệu quả.

Với các vắcxin sản xuất trong nước được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trực 24/24h dịp Tết Dương lịch


Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức trực trong dịp nghỉ Tết Dương lịch. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế theo chức năng, nhiệm vụ bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó các đơn vị trên cần tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội.

Về công tác cán bộ, các cơ sở y tế cần bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; Xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, các lực lượng liên quan trên địa bàn bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố quán triệt tới từng cán bộ trong đơn vị có trách nhiệm kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết; nghiêm cấm việc thắp hương, đun nấu trong phòng làm việc bảo đảm phòng chống cháy nổ tại đơn vị, niêm phong toàn bộ cửa ra vào các phòng của đơn vị. Các đơn vị trên cần thường xuyên nắm tình hình, kịp thời báo cáo về những vấn đề nổi cộm, đột xuất phát sinh xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán

Ngày 27-12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết năm nay, tại Việt Nam, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A (H5N1) và cúm A (H5N6) tại một số hộ gia đình. Tuy nhiên, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm, không để lây truyền dịch bệnh sang người.

Dịp cuối năm và mùa lễ hội do nhu cầu tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm gia tăng nên nguy cơ mắc cúm gia cầm trên người sẽ cao nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi rút từ gia cầm sang người.

Bộ Y tế khuyến cáo rằng để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người dịp cuối năm 2016 và mùa lễ hội đầu năm 2017, người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, các đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Năm 2016, đặc biệt trong những tháng cuối năm tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) chủng cúm A (H5) tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, kể từ tháng Sáu năm nay, chim hoang dã và gia cầm ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á như Áo, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hungary, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Thụy Sĩ được phát hiện nhiễm vi rút cúm gia cầm A (H5N8). Các nhà khoa học nhận định có mối liên hệ giữa nguyên nhân chết ở chim hoang dã, di cư và các vụ dịch tại các trang trại nuôi gia cầm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A(H5) độc lực cao như cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) trên người tại Trung Quốc và Ai Cập trong năm 2016. Ngoài ra, các trường hợp mắc cúm A (H7N9) cũng được ghi nhận rải rác tại Trung Quốc (124 người). Đặc biệt, ngày 24-12 vừa qua, Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp cúm A (H9N2) tại Quảng Đông và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định rằng các trường hợp mắc virus cúm gia cầm thường tiếp xúc với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm.

Virus cúm gia cầm hiện chưa có khả năng lây truyền từ người sang người song nguy cơ bị nhiễm bệnh của hành khách khi đến, trở về từ vùng dịch là hoàn toàn có thể…/.