TCCSĐT - Đó là những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức diễn ra ngày 23-12-2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có đồng thí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo 8 tỉnh, thành (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước), đại diện các bộ, ngành và chuyên gia kinh tế am hiểu về tiềm năng, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhận định về mức tăng trưởng của Vùng trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: Trong giai đoạn 2001 - 2015, kinh tế của Vùng có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước trên 1,5 lần. Cơ cấu kinh tế Vùng có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng GDP khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và tăng tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng.

Vai trò, thành tựu và những hạn chế, vướng mắc

Cùng với việc nhấn mạnh vị trí quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong toàn vùng trong những năm qua và cả tương lai, đồng chí Lê Thanh Liêm dẫn chứng: Những năm qua, Thành phố luôn có tốc độ tăng GDP hằng năm gấp từ 1,72 lần đến 1,75 lần cả nước. Tính đến cuối năm 2015, Thành phố chiếm 60,6% tổng GDP, 60,5% tổng thu ngân sách nhà nước và 51% tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn vùng. Bởi vì, nơi đây tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so sánh cho Vùng, có tác động lan tỏa, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác của cả nước. Điểm nổi rõ nữa là, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư từ Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai để triển khai các dự án. Tính đến hết năm 2015 đã có 56 doanh nghiệp đầu tư 60 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 5.615 tỷ đồng trên các lĩnh vực xây dựng kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư. Tại tỉnh Long An và Tiền Giang, các doanh nghiệp của Thành phố đã, đang triển khai 627 dự án với tổng vốn đầu tư 100.820 tỷ đồng trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điểm hạn chế dễ thấy nhất trong thời gian qua làm kìm hãm sự phát triển chung của toàn vùng, đó là việc hợp tác còn nặng tính “toàn diện”, dàn trải ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố trong Vùng, chưa trọng tâm, trọng điểm, sự phối hợp xử lý vấn đề chưa thường xuyên, liên tục, nhất là thiếu chuyên môn hóa về phát triển các ngành kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong toàn Vùng.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thẳng thắn nhìn nhận kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều khó khăn, tăng trưởng thiếu bền vững, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh đến tình trạng hạ tầng đô thị chưa phát triển, ví dụ điển hình là các cửa ngõ ra vào Thành phố đều tắc, sân bay Tân Sơn Nhất, đường vào Tân Cảng cũng tắc hàng chục ki-lô-mét.

Theo đồng chí Trần Văn Cần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An: Mặc dù, Vùng đã đề ra nhiều chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu, nhưng chưa thực hiện được, năng lực cạnh tranh yếu, chưa phát huy lợi thế trong hợp tác. Kết cấu hạ tầng trong vùng có phát triển nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chưa có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, định hướng phát triển không có sự phân công rõ ràng giữa các tỉnh, dẫn đến cạnh tranh trong thu hút đầu tư, gây “méo mó” thị trường đầu tư.

Cùng với nhận định trên, nhiều ý kiến còn cho rằng, khó khăn hạn chế trong quá trình thực hiện liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung, nhất là giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng để phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu như: đối với công tác quản lý, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, cụm đô thị, thiếu định hướng và chiến lược chung, chưa tạo sự gắn kết đồng bộ. Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các tổ điều phối của các bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng còn hạn chế.

Cần có cơ chế mới để phát triển xứng với tiềm năng

Để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, PGS, TS. Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Vùng cần có các giải pháp thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể: cần khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung quy hoạch Vùng; phải tuân thủ nguyên tắc quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phải gắn với không gian của các vùng lân cận và cả nước, quy hoạch từng tỉnh, thành phải gắn với các địa phương khác trong nội vùng để không gian quy hoạch không bị chia cắt bởi các ranh giới hành chính, gây tình trạng phân bổ vốn đầu tư manh mún, thiếu tính liên kết, tính tổng thể.

Theo đồng chí Đinh La Thăng, để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phải hướng tới việc thay đổi cơ chế theo hướng phục vụ cho một đặc khu kinh tế, “đặc khu ở đây phải hiểu trong không gian mở của Vùng kinh tế trọng điểm. Chứ không phải một khu vực nhỏ với vài chính sách đặc biệt”. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, “nếu chúng ta làm tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế của vùng. Do đó, theo tôi, trong thời gian tới từng địa phương trong vùng cần nâng cao trách nhiệm, phải xây dựng được một cấu trúc liên kết bền vững. Còn nếu cách làm như hiện nay thì rất khó vì các địa phương không thể hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của cả vùng. Cơ chế ngân sách không phải nộp theo vùng mà nộp theo địa phương nên để gắn lợi ích của địa phương vào cả vùng là rất khó”. Do đó, cần cơ chế xây dựng hiệu quả, gắn địa phương với cả Vùng để trở thành đặc khu kinh tế mở cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì thực tế hiện nay cho thấy, dù Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác, liên kết với từng địa phương nhưng rất cần cơ chế tổng thể, như việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách trọng tâm, tạo giá trị gia tăng, xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thu hút các ngành phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nhất là hạ tầng giao thông”.

Cùng với đề nghị các địa phương coi trọng liên kết vùng để gắn lợi ích của địa phương với lợi ích của vùng, đồng chí Đinh La Thăng mong muốn thông qua Hội thảo sẽ nhận được sự đồng thuận của các tỉnh, thành trong Vùng để xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho cả vùng phía Nam nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bởi vì cơ sở dữ liệu hiện nay rất manh mún, rất khó để nhà đầu tư có định hướng./.