TCCSĐT - Đó là ý kiến của các luật gia, luật sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu luật trong nước và quốc tế tại Hội thảo Khoa học với chủ đề “Các thể chế pháp lý của Cộng đồng kinh tế ASEAN: Tác động đối với pháp luật thương mại, đầu tư Việt Nam” do trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 09-12-2016.
Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã bước sang tuổi thứ 2 là một tin vui đối với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhắc đến AEC là nhắc đến những hiệp định quan trọng như ATIGA, AFAS, ACIA và hàng loạt công cụ pháp lý khác. Các công cụ pháp lý đó góp phần điều chỉnh toàn diện thương mại hàng hoá và dịch vụ, cũng như bảo đảm môi trường đầu tư trong ASEAN. Đó là chưa kể, nhắc đến AEC là nhắc đến thị trường chung rộng lớn với hơn 622 triệu dân, nếu gộp lại thì nền kinh của AEC đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 3 châu Á. Sự lớn mạnh của thị trường này đem lại những cơ hội thương mại và đầu tư đáng kể, trước hết cho cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực.

Nhắc đến AEC là nhắc đến thành quả từ những nỗ lực bền bỉ của các quốc gia Đông Nam Á nhằm xây dựng một trong những cột trụ chính của ASEAN với “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Sự ra đời và lớn mạnh của AEC, không nghi ngờ gì, đóng vai trò thiết yếu đối với chiến lược phát triển của các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời góp phần quan trọng trong tiến trình gìn giữ hoà bình, an ninh khu vực.

Bên cạnh những cơ hội hợp tác thuận lợi đó, PGS, TS. Bùi Xuân Hải đã chỉ ra những vấn đề mà các nước thành viên AEC nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với những thách thức to lớn, như: Trong lĩnh vực cạnh tranh, việc xác định thị trường liên quan trong pháp luật Việt Nam có tương thích với quy định của AEC hay không? Luật cạnh tranh của ASEAN có nên thúc đẩy các mục tiêu xã hội? Hay trong lĩnh vực đầu tư, pháp luật và chính sách đầu tư tại ASEAN phát triển thế nào; đâu là những cơ hội cho chính sách cải cách của Việt Nam? những điểm chồng chéo giữa Hiệp định Đầu tư toàn diện của ASEAN và các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam, và hướng giải quyết là gì?

Tiếp đó, tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề trên. Theo ý kiến của các đại biểu, nếu nhìn từ góc độ pháp lý, quá trình thực hiện cam kết trong AEC đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động điều chỉnh và thực thi pháp luật của mỗi nước, trong đó có Việt Nam, nhất là về thương mại và đầu tư. Do đó, việc nhận thức được các ảnh hưởng này sẽ đóng vai trò quyết định, giúp cộng đồng doanh nghiệp, các nhà cung cấp và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước tranh thủ tối đa những lợi ích từ quá trình tham gia vào cộng đồng này.

Cùng với việc phân tích, đánh giá những trở lực của thể chế và cơ chế vận hành hiện tại của AEC tác động đến việc vận hành và phát triển của AEC trong tương lai. Tiến sĩ Trần Thăng Long, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, về bản chất AEC là một cấp độ liên kết kinh tế dựa trên cơ sở của những cam kết kinh tế - thương mại hơn là một thể chế kinh tế - chính trị hoàn chỉnh và là trụ cột có khả năng thực thi hiệu quả và toàn diện nhất trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Và để hoạt động một cách hiệu quả trong tương lai, tiến sĩ Trần Thăng Long cho rằng, AEC nên tham khảo mô hình Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), theo đó AEC buộc phải có những định hướng, điều chỉnh thích hợp với đặc thù của mình để đạt đến những mục tiêu đã hoạch định.

Chia sẻ về sự khác biệt, tương đồng trong cách tiếp cận của EEC và bài học từ trường hợp Brexit, tiến sĩ Stefano Pelligrino, thuộc Công ty Frasers Law Company, EUROCHAM cho rằng, AEC cần đặc biệt chú ý về các thể chế pháp lý, phải chặt chẽ trong việc thống nhất thị trường. Tiến sĩ Stefano Pelligrino cho rằng, bài học Brexit đã chỉ ra những thách thức, kinh nghiệm mà AEC cần lưu ý để quá trình hội nhập khu vực diễn ra suôn sẻ hơn. Còn tiến sĩ Nasarudin Abdul Rahman, Khoa luật, Đại học Hồi giáo Quốc tế, Malaysia nhìn nhận, trong quá trình hợp tác, các quốc gia thành viên ASEAN đặt ra nhiều mục tiêu trong luật cạnh tranh của nước mình để phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng từ đó lại tự làm khó mình trong việc chọn lựa giữa mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và mục tiêu xã hội. Chuyên gia này khuyến khích luật cạnh tranh của các nước thành viên ASEAN nên nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế để tạo sự minh bạch và đảm bảo nguyên tắc cân bằng hợp lý, còn các mục tiêu xã hội nên được thể hiện thông qua những chính sách khác.

Phân tích về chính sách đầu tư tại ASEAN, luật sư Rafael Tay, thuộc Công ty luật Chooi & Co, Malaysia đã nhấn mạnh đến dòng chảy đầu tư tự do đem đến cơ hội cho Việt Nam nói riêng và các thành viên AEC nói chung, nhưng cũng cần có sự chủ động cải cách các quy định pháp luật và chính sách mỗi nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu đất đai, thành lập doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp, vốn là những vấn đề mang tầm quan trọng đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong quá trình hội nhập vào AEC.

Đối với Việt Nam, PGS, TS. Trần Việt Dũng cho rằng, do những vấn đề pháp lý còn phức tạp mà Việt Nam và các nước ASEAN phải đối mặt liên quan đến sự chồng chéo của các cơ chế bảo hộ đầu tư được quy định trong 26 Hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa các nước ASEAN và Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). Theo đó, PGS, TS. Trần Việt Dũng nhận định, mặc dù điều khoản ASEAN-BIT sẽ đem lại nhiều ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư ASEAN, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn có quyền giải thích vận dụng quy định của ACIA và quyền quyết định cuối cùng về luật áp dụng sẽ thuộc cơ quan tài phán.

Cùng với việc đồng tình quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ pháp Luật Dân sự - Kinh tế thuộc Bộ Tư pháp phân tích những trở ngại đối với việc thực thi tiến trình này tại Việt Nam, đó là sự thiếu vắng các thiết chế hữu hiệu để giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ ASEAN, trong khi đó sự bất cập bởi những quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hài hòa hóa pháp luật hay năng lực chưa thể hiện rõ của các cán bộ, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng cũng như thực thi pháp luật.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú lấy dẫn chứng để hài hòa pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế, thì Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Vienna năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và công ước này có hiệu lực đối với Việt Nam từ đầu năm 2017, thế nhưng theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia quốc tế thì pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này vẫn chưa tương thích với Luật mẫu UNCITRAL (Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế). Và, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam đã có nhiều sửa đổi, nhưng việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài vẫn còn nhiều trở ngại, bất cập. Vì thế, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú cho rằng, cần thiết phải xây dựng một cơ chế hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN và tác động đối với pháp luật thương mại, đầu tư Việt Nam./.