TCCSĐT - Sau khi liên tục bám đuổi sát nhau từng lá phiếu đại cử tri, cuối cùng, vượt qua bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử gay cấn, tỷ phú Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với 288 phiếu đại cử tri, ông Donald Trump đã giành chiến thắng ấn tượng trước 215 phiếu bầu của bà Hillary Clinton để đắc cử Tổng thống Mỹ.

 
 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: dallasnews.com

Chiến thắng “ngoạn mục”

Ngay sau khi ông D. Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ B. Obama gọi điện chúc mừng ông D. Trump và mời ông D. Trump đến Nhà Trắng vào ngày 10-9 để cập nhật tình hình chính trị cũng như chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Ông D. Trump cũng đã nhận được điện chúc mừng từ nữ chính trị gia Hillary Clinton.

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chúc mừng ông D. Trump và khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính quyền tương lai của Mỹ. Tổng thống Nga V. Putin bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác để đưa quan hệ Nga - Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, cũng như tin tưởng rằng, việc thiết lập đối thoại xây dựng giữa Moscow và Washington, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng quan điểm của nhau, sẽ đáp ứng được quyền lợi của nhân dân hai nước và toàn thể cộng đồng quốc tế. Từ Brussels (Bỉ), quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) F. Mogherini nêu rõ, EU và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau. Bà F. Mogherini nhấn mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sâu sắc hơn những thay đổi chính trị, vì vậy hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố sức mạnh của châu Âu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu “không thể suy yếu”. Quan chức này cho biết, Paris sẽ tiếp tục hợp tác với Washington, song cần làm rõ quan điểm của chính quyền mới trong các vấn đề nóng của thế giới, như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Syria. Tại Berlin, Thủ tướng Đức A. Merkel đã chúc mừng ông D. Trump và bày tỏ hy vọng vào sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Thủ tướng Anh T. May khẳng định, London và Washington sẽ vẫn là “những đối tác gần gũi và bền chắc về thương mại, an ninh cũng như quốc phòng”. Bà T. May nói rằng, bà muốn “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ bền vững. Thủ tướng Italia M. Renzi bày tỏ tin tưởng mối quan hệ hữu nghị giữa Italia - Mỹ tiếp tục vững mạnh. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh, Canberra sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington cần tập trung vào khu vực châu Á.

Tại châu Á, các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam cũng đã chúc mừng Tổng thống đắc cử D. Trump. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhấn mạnh Washington và Tokyo là những đồng minh không thể lay chuyển dựa trên những giá trị chung như tự do, dân chủ, các quyền cơ bản của con người và pháp luật. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên và mối quan hệ đồng minh song phương sẽ được tăng cường. Trong khi đó, Tổng thống Philippines R. Duterte bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền Mỹ sắp tới để thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng và lợi ích của nhau. Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định nước này sẽ hợp tác với Tổng thống đắc cử của Mỹ để bảo đảm sự phát triển tốt đẹp và bền vững của mối quan hệ song phương. Chúc mừng ông D. Trump, Thủ tướng Malaysia N. Razak khẳng định, Kuala Lumpur sẵn sàng tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ. Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng.

Cộng đồng quốc tế đã dõi theo cuộc bầu cử được đánh giá là phức tạp bậc nhất thế giới. Quyền quyết định Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do cử tri (voter) trực tiếp bầu. Lá phiếu của cử tri gọi là lá phiếu phổ thông, tuy vẫn bầu cho các ứng cử viên tổng thống, song chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình. Đại cử tri là những người đã công khai cam kết ủng hộ cho một ứng cử viên từ trước. Mỗi bang sẽ cử ra số đại cử tri bằng đúng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang, tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản quy định các tiêu chuẩn cụ thể để trở thành đại cử tri, chỉ nêu rằng, nghị sĩ hoặc một quan chức chính phủ liên bang không thể được chỉ định làm đại cử tri. Số lượng đại cử tri của mỗi bang thường được quyết định dựa vào dân số của bang đó. Do đó, ở hầu hết các bang (trừ Maine và Nebraska), ứng cử viên tổng thống nào được nhiều phiếu phổ thông nhất thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của đại cử tri của bang đó. Các đại cử tri hợp thành cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số ghế trong Quốc hội Mỹ là 535 cộng thêm 3 đại cử tri của thủ đô Washington. Để trở thành Tổng thống, một ứng viên cần nhận được tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Nếu điều kiện này được thỏa mãn, người đắc cử không nhất thiết phải giành đa số số phiếu phổ thông trên cả nước.

Trong lịch sử bầu cử của Mỹ, hầu hết các bang đều có xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên hoặc thuộc đảng Cộng hòa, hoặc thuộc đảng Dân chủ khá rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Tỷ lệ đến phút chót vẫn bám đuổi sít sao khiến những bang này trở thành các bang “chiến địa”. Với cuộc bầu cử năm nay, Michigan và Pennsylvania được cho là hai địa bàn căng thẳng nhất. Bang Michigan có truyền thống bầu cho ứng viên đảng Dân chủ từ năm 1992. Tuy nhiên, năm 2000 và 2004, cựu Tổng thống G. Bush chỉ bị tuột phiếu tại đây với cách biệt sít sao. Năm 1960, Richard Nixon thua cuộc trước John F. Kennedy sau khi mất hai bang chủ chốt là Illinois và Texas. Trong khi đó năm 2000, Florida và New Hampshire là hai bang chiến lược khiến G. Bush trở thành Tổng thống Mỹ thay vì Al Gore. Nhiệm kỳ thứ hai mà cựu Tổng thống G. Bush có được cũng là nhờ chiến thắng quyết định tại Ohio.

Diễn ra với sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ và hàng trăm quan sát viên quốc tế đại diện cho hai tổ chức lớn có kinh nghiệm giám sát các cuộc bầu cử quốc tế là Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), theo số liệu thống kê do Reuters/Ipsos công bố ngày 08-11, tỷ lệ cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu tổng thống lần này chiếm khoảng 15%, tăng so với tỷ lệ 9% vào năm 2012. Ngoài ra, năm nay, tỷ lệ cử tri chờ tới tuần cuối cùng của cuộc bầu cử mới đưa ra quyết định lựa chọn ứng cử viên cũng cao hơn, khoảng 13%, so với 9% năm 2012 (thăm dò được thực hiện với 35.000 cử tri Mỹ). Kết quả là, trải qua cuộc đua đầy kịch tích và gay cấn tới phút chót, trong sự chờ đợi của người dân Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế trước kết quả “khó đoán định”, ông D. Trump đã giành chiến thắng, nhất là tại các bang “chiến địa” để có được số phiếu ủng hộ ngoạn mục, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân.

Sinh ngày 14-6-1946 tại New York (Mỹ), ông D. Trump là con thứ tư trong một gia đình 5 anh chị em và cha là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Hồi nhỏ, ông D. Trump là một đứa trẻ năng động và quyết tâm cao. Ông có thành tích về mặt học vấn lẫn công tác xã hội. Khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, ông là một ngôi sao thể thao của trường và là một học sinh “cốt cán”. Sau đó, ông vào Đại học Fordham và hai năm sau chuyển lên trường tài chính thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1968, ông tốt nghiệp với văn bằng kinh tế. Năm 1974, ông D. Trump mở công ty kinh doanh địa ốc riêng và nhanh chóng trở thành một trong những ông trùm bất động sản ở Mỹ. Hiện ông D. Trump đứng thứ 113 trong số các tỷ phú Mỹ và thứ 324 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của Tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tính thích đầu tư mạo hiểm cũng nhiều lần khiến tỷ phú D. Trump lao đao. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2009, ông từng 4 lần phải đến tòa nộp đơn xin phá sản, song đều vực dậy được nhờ những bất động sản “hái ra tiền” như hệ thống sòng bạc ở Atlantic City hay Tháp Trump ở New York. Ông D. Trump cũng là một ngôi sao của ngành truyền thông Mỹ với vai trò là người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” của kênh NBC. Năm 2007, ông từng được vinh danh với một ngôi sao trên “Đại lộ Danh vọng” vì những cống hiến cho ngành truyền hình. Năm 2013, Tạp chí Forbes vinh danh ông ở thứ hạng 30 trong tốp 100 nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2015, ông xếp thứ 72 trong bảng xếp hạng 100 nhân vật quyền lực toàn cầu. Tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa được tổ chức ở thành phố Cleveland của tiểu bang Ohio ngày 21-7, tỷ phú D. Trump đã được bầu làm ứng cử viên tổng thống của đảng. Trong bài diễn văn được đánh giá là tuyên ngôn chính trị sau khi được đề cử vào cương vị ứng cử viên tổng thống, ông D. Trump tuyên bố sẽ đánh bại bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ để đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng. Khẩu hiệu ông D. Trump đưa ra suốt chiến dịch tranh cử là “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again).

Ngay sau khi giành chiến thắng, tân Tổng thống D. Trump đã xuất hiện trước công chúng với cam kết ông sẽ nỗ lực hết sức vì một nước Mỹ hùng mạnh. Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố quê nhà New York, Tổng thống đắc cử D. Trump nhấn mạnh hiện là thời điểm để nước Mỹ hàn gắn những chia rẽ nội bộ, cùng nhau đoàn kết vì tương lai của đất nước. Ông D. Trump cam kết sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ. “Tôi xin hứa sẽ không làm các bạn thất vọng. Chúng ta sẽ cùng làm nên điều tuyệt vời cho nước Mỹ” - tân Tổng thống Mỹ dành tặng lời cảm ơn đối với những người ủng hộ ông - “Công việc của chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện lời hứa đối với người dân Mỹ ngay bây giờ”.

Liên quan đến quan hệ đối ngoại, Tổng thống đắc cử D. Trump khẳng định, chính quyền mới sẵn sàng hợp tác với các nước khác trên thế giới, tìm kiếm những nền tảng chung và hướng tới quan hệ đối tác thay vì xung đột - một tuyên bố được đánh giá nhằm hòa dịu thay vì những tuyên bố gây sốc trước đó của ông trong quá trình tranh cử.

Con đường phía trước

Bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử D. Trump sẽ đối mặt với không ít thách thức, trên cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Và điều dĩ nhiên là ông sẽ cần có một êkíp đủ mạnh để lấp những lỗ hổng và những mặt hạn chế để điều hành đất nước. Và yếu tố thuận lợi đầu tiên đã đến với ông D. Trump khi tại cuộc chạy đua giành ghế tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ - sự kiện đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai chính trị, kinh tế và xã hội của Mỹ - đảng Cộng hòa đã bảo toàn quyền kiểm soát Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Thượng viện, Đảng Cộng hòa đã giành đủ số phiếu cần thiết với 51/100 ghế, vượt mức quá bán cần thiết để tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Trước đó, trong cuộc bầu cử Hạ viện, đảng Cộng hòa cũng đã giành đủ số phiếu là 233/435 ghế, vượt qua mức tối thiểu 218 ghế để tiếp tục nắm quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này. Như vậy dường như ông D. Trump sẽ thuận lợi hơn trong việc thông qua các quyết sách tại Quốc hội trong thời gian cầm quyền của mình.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ vẫn phải xác định những tồn tại của nước Mỹ cần hóa giải. Trước tiên là duy trì đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế số một thế giới, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp cao luôn là mối quan tâm chính trong hai cuộc chạy đua tranh cử tổng thống gần nhất khi con số này đạt tới 6,1% (năm 2008) và 7,8% (năm 2012). Năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ còn 4,9% và đây là một trong những chỉ số thất nghiệp thấp nhất trong các nước phát triển trên thế giới, song vẫn đặt ra thách thức cần ông D. Trump quyết liệt giải quyết.

Sự bất bình đẳng trong thu nhập của người dân tăng lên cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện tại, nước Mỹ chỉ đạt 0,39 theo hệ số Gini - chỉ số dùng để đo mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ đang tăng dần, người giàu ngày càng giàu hơn trong khi những người nghèo ngày càng túng thiếu. Do vậy, ông D. Trump cần thực hiện lời hứa rằng, “mỗi người dân Mỹ sẽ có cơ hội khám phá mọi khả năng tiềm ẩn của mình, sẽ không còn ai bị lãng quên trên đất nước này”.

Như vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi mức tăng GDP, ông D. Trump cần thực hiện những cam kết đã đưa ra trong quá trình tranh cử. Đứng từ góc độ một chính khách đi lên từ giới doanh nghiệp, ông D. Trump trước đó đã nhiều quan điểm chính trị khác biệt so với các chính khách truyền thống. Ông D. Trump cho rằng, các hiệp định thương mại lớn cũng như hoạt động cho thuê ngoài mà nước Mỹ đang thúc đẩy là nguyên nhân khiến nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm. Chính vì vậy, ông D. Trump tuyên bố sẽ đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không dừng lại ở đó, ông D. Trump khẳng định sẽ đảo ngược các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền tiền nhiệm mà ông cho là đang “phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ”, đặc biệt ông khẳng định sẽ hủy bỏ cam kết của Washington trong thỏa thuận biến đổi khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) hồi tháng 12-2015. Xuất phát từ quan điểm vị thế cường quốc của Mỹ đang ngày càng mờ nhạt, ông D. Trump cam kết sẽ dùng thương lượng kinh tế để khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế.

Đối với vấn đề đối nội, một trong những vấn đề mà tổng thống tiền nhiệm chưa thể giải quyết đó là việc xử lý mối quan hệ nhiều trắc trở giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tiếp đó là giải quyết tình trạng phân biệt sắc tộc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngoài ra, vấn đề súng đạn gây nhức nhối nước Mỹ cũng cần tới đường hướng mà ông D. Trump thực hiện trong vai trò tổng thống khi mà trước đó, ông tuyên bố phủ quyết mọi dự luật kiểm soát súng đạn mới. Một chủ đề khác được ông D. Trump nhiều lần đề cập là vấn đề người Hồi giáo và người nhập cư. Điều này từng gây tranh cãi do tuyên bố “cấm cửa” tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, đồng thời muốn xây tường rào để phong tỏa biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico của ông D. Trump. Khi bắt tay vào thực hiện cam kết này, có lẽ ông D. Trump cần sự tính toán cụ thể, mềm dẻo hơn.

Trên lĩnh vực ngoại giao, ông D. Trump cho rằng, lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của đất nước và người dân lên trên hết. Ông D. Trump khẳng định: “Chúng ta sẽ đối xử hòa thuận với mọi quốc gia sẵn sàng hợp tác với nước Mỹ. Chúng ta sẽ đối xử công bằng với mọi người. Chúng ta tìm kiếm sự hợp tác thay vì xung đột”. Ông D. Trump sẽ phải đối mặt với một khu vực Trung Đông “nóng bỏng” với cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua vẫn chưa tìm được lối thoát, tình hình Yemen và tiến trình hòa bình Israel - Palestine chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên chưa thể khép lại, các cặp quan hệ đối tác - đối thủ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga thêm những nốt trầm mới và số phận của TPP vẫn chưa rõ ràng,…

Nhìn nhận mọi cuộc xung đột quốc tế dưới góc độ của một cuộc thương lượng, ông D. Trump cần tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình rằng, thế giới hiện nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ, trong khi đó Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hai tổ chức quá tốn kém. Ông cho rằng NATO đã trở nên “lỗi thời” và tuyên bố sẽ buộc các nước đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho việc bảo đảm an ninh cho chính họ. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng. Như vậy, ông D. Trump vừa phải củng cố quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực và trên thế giới, vừa yêu cầu các đồng minh “độc lập” và chịu trách nhiệm nhiều hơn trong mối quan hệ với Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Mặc dù ông D. Trump bị đánh giá là chưa rõ ràng và thiếu nhất quán trong tầm nhìn chiến lược cho các chính sách đối nội và đối ngoại, song cử tri Mỹ đã lựa chọn ứng cử viên mà họ đặt nhiều hy vọng có thể làm thay đổi tương lai của nước Mỹ cũng như cuộc sống của chính họ. Điều chỉnh các chính sách của chính quyền tiền nhiệm đến đâu, đồng thời hiện thực hóa những mục tiêu, Tổng thống đắc cử D. Trump sẽ phải hành động để “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đúng như khẩu hiệu mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử./.