Sáng 08-10, tại Long An, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, ông Trương Văn Nọ, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo với các cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn; mục tiêu, định hướng huy động và sử dụng vốn vay và nợ công giai đoạn 2016-2020; báo cáo khắc phục hậu quả môi trường do Công ty Formosa gây ra…

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Cử tri kiến nghị về nhiều vấn đề nổi cộm

Tại buổi tiếp xúc, phản ánh về tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại trên địa bàn, cử tri Nguyễn Xuân Hồng (Sở Công Thương tỉnh Long An) kiến nghị việc tiêu huỷ thuốc lá ngoại nhập lậu và cơ chế hiện nay có tác động đến việc buôn lậu thuốc lá nhưng tình trạng buôn lậu vẫn không giảm. Bên cạnh đó, việc tiêu huỷ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu gây lãng phí của cải, đồng thời ngân sách Nhà nước gián tiếp chi thêm một khoản tiền để thực hiện tiêu huỷ.

Cử tri cho biết mức chi hỗ trợ tiêu huỷ theo quy định là 3.500 đ/bao thuốc lá nhưng thực tế các lực lượng chức năng của tỉnh chỉ nhận được 2.490 đ/bao. Mức hỗ trợ này không đủ trang trải cho tất cả các chi phí liên quan đến chống buôn lậu thuốc lá. Do đó, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn…

Theo cử tri Nguyễn Xuân Hồng, việc tiêu huỷ thuốc lá ngoại nhập lậu hiện còn nhiều bất cập, nên xem xét cho tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu sẽ tránh lãng phí của cải cho xã hội và ô nhiễm môi trường. Số tiền thu được cũng nhiều hơn số tiền hỗ trợ tiêu huỷ thuốc lá ngoại nhập lậu. Đồng thời để tránh thẩm lậu ngược trở lại thị trường trong nước và tiêu cực trong việc tái xuất, đề nghị Bộ Công an chủ trì việc tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu.

Cử tri Đinh Thị Phương Khanh cho biết, việc tiêu thụ sữa cho bà con nông dân trên địa bàn còn nhiều bấp bênh khi các công ty thu mua sữa không ổn định (hiện còn 350 hộ nông dân nuôi bò sữa chưa được ký hợp đồng). Bà con nông dân và ngành nông nghiệp đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được tháo gỡ và giải quyết căn cơ vấn đề này.

Cử tri cũng phản ánh cần có chính sách thoả đáng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia gắn kết vào cánh đồng mẫu, giải quyết dứt điểm chồng chéo trong quản lý phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý và phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; tăng mức phạt thật nặng đối với cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng kết hợp với tịch thu phương tiện sản xuất mặt hàng này.

Cử tri kiến nghị Chính phủ nên giao quản lý phân bón về một bộ quản lý, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì bộ quản lý chuyên ngành sẽ chỉ đạo công tác sản xuất phù hợp hơn, cùng lực lượng thanh tra chuyên ngành sẽ bảo đảm công tác kiểm tra tốt nhất.

Một số cử tri khác kiến nghị chính sách cụ thể trong việc bồi dưỡng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, y tế bởi có hiện tượng sau khi được đào tạo nhưng do đãi ngộ thấp nên nhiều người tài bỏ ra ngoài làm như hiện nay…

Chống buôn lậu: “Đánh cho trúng đầu sỏ, làm cho rõ đường dây”

Trao đổi với cử tri về những vấn đề nhân dân quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận những kiến nghị xác đáng của cử tri về bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật hiện nay trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Các vấn đề này đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, xem xét để sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Một số quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đang gặp nhiều bất cập, sai sót đã được Quốc hội và cử tri phản ánh sẽ được xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 2 và sớm sửa đổi, bổ sung để chính sách trong luật đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội hiện nay.

Về kiến nghị của cử tri đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng cho biết Long An là địa bàn có tình trạng buôn lậu thuốc lá lớn, phức tạp nhất trong các tỉnh có tình trạng này (chiếm 1/3, với hơn 3 triệu bao thuốc lá lậu trong hơn 9 tháng đầu năm 2016).

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ giải pháp căn cơ là tạo công ăn việc làm, định hướng nghề nghiệp, sinh kế, đào tạo và hướng nghiệp cho người dân, nhất là bà con khu vực biên giới còn nghèo, thiếu công an việc làm, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tỉnh cần kêu gọi và hỗ trợ cụ thể về nguồn vốn, đất đai, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, dịch vụ để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con.

“Nếu cứ nói hỗ trợ doanh nghiệp và tạo sinh kế cho người dân một cách chung chung thì doanh nghiệp rất khó phát triển, ngại đầu tư, người dân vẫn nghèo nên một bộ phận lại vận chuyển thuê cho các đầu nậu buôn lậu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Việc tái xuất thuốc lá liệu có tiêu cực hay không, làm thế nào để thuốc lá không thẩm lậu ngược vào thị trường Việt Nam? Phải xác định rõ nguyên nhân cung-cầu, biện pháp đấu tranh và sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu trong nước chưa”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Nhìn nhận vai trò của lực lượng chuyên trách và các tổ chức chính trị tại cơ sở trong đấu tranh với buôn lậu, Phó Thủ tướng cho rằng, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa cao, dư luận cho rằng có tiêu cực nên cần được làm rõ và nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ có dấu hiệu bao che, làm sai hay bảo kê cho buôn lậu.

"Đánh cho trúng đầu sỏ, làm cho rõ đường dây” là yêu cầu của Phó Thủ tướng đặt ra đối với các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, thực phẩm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả hiện nay.

Trả lời câu hỏi của cử tri về tình trạng quản lý phân vô cơ và hữu cơ hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, quản lý nhà nước về phân bón vô cơ và hữu cơ phải làm rõ, xác định trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra đầu ra, đầu vào trong sản xuất phân bón giả, kém chất lượng của các ngành như quản lý thị trường, công an…

“Chúng ta đã và đang tập trung đấu tranh quyết liệt, phát hiện và trừng trị tình trạng sản xuất phân bón giả và kém chất lượng. Vấn đề là công tác quản lý của chính quyền các cấp sao vẫn để xảy ra tình trạng này?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo các ngành tham gia tiếp xúc cử tri.

Việc lấy mẫu kiểm định các mặt hàng phân bón cần khách quan, chính xác, chặt chẽ để bảo đảm quyền của doanh nghiệp cũng như lợi ích của người dân. Muốn vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương chứ không chỉ kiến nghị lên cấp trên.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cấp chính quyền của tỉnh phải quản lý công tác bảo vệ môi trường cho tốt, nhất là các nhà máy như xả thải chất rắn, nước, khói bụi phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay; kiên quyết không đánh đổi phát triển “nóng” để xảy ra các hậu quả về môi trường.

Để phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần thực hiện việc kết nối hạ tầng khu vực, phát triển nguồn nhân lực, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, để đón bắt cơ hội trong kêu gọi đầu tư, kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống người dân, xứng đáng với truyền thống “Trung dũng, kiên cường” trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương giai đoạn hiện nay. /.