Thông tư quy định giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện giá điện mới từ ngày 1-3-2009 do Bộ Công Thương mới ban hành có nhiều cách tính giá điện theo hướng có lợi cho người sử dụng, khuyến khích ưu đãi cho sản xuất, ưu đãi giá thấp nhất cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, giá điện vẫn tiếp tục là một vấn đề được thảo luận, bởi vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường tiến tới áp dụng cơ chế thị trường trong lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm này.

1. Điều chỉnh giá điện - giúp cải thiện tình hình cung cấp điện

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sẽ giúp tình hình cung cấp điện năm 2009 tốt hơn năm 2008.
Giá điện bán lẻ áp dụng cho các hộ gia đình
 
50kWh đầu tiên: giá mới: 600đ/kWh; giá cũ: 550đ/kWh

50kWh tiếp theo: giá mới 865đ/kWh; giá cũ: 550đ/kWh

50kWh tiếp theo giá 1.135đ/kWh; giá cũ: 1.110đ/kWh

50kWh tiếp theo giá 1.495đ/kWh; giá cũ: 1.470đ/kWh

100kWh tiếp theo giá 1.620đ/kWh; giá cũ: 1.600đ/kWh

100kWh tiếp theo giá 1.740đ/kWh và giá cũ: 1.720đ/kWh

kWh sau đó (kWh 401) trở lên: 1.790đ/kWh; giá cũ: 1.780đ/kWh

- Điều chỉnh giá giúp hỗ trợ đúng đối tượng là các hộ nghèo, có thu nhập thấp

Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang sẽ được áp dụng vớimức đầu tiênlà 50kWh và giữ ở giá thấp với mức bù giá bằng 35 - 40% giá bán điện bình quân. Hiện tại cả nước có khoảng 12% số hộ thuộc diện nghèo (2008), trong khi đó số hộ sử dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2008 ở mức 23% (ở các vùng do các công ty điện lực trực tiếp bán điện) và trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ điện.

Vì vậy, khi thực hiện trợ giá cho 50kWh điện đầu tiên thì toàn bộ số hộ thuộc diện nghèo và một tỷ lệ lớn số hộ có thu nhập thấp cả ở thành phố và nông thôn sẽ được hưởng chính sách bù giá điện của Chính phủ, đồng thời cũng sẽ giảm được lượng bù giá cho các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, dần thực hiện được việc bù giá đúng đối tượng.

Đối với các hộ sử dụng điện ở mức từ 51- 100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao, nên giá cho bậc thang này sẽ được giữ ở mức bằng giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện. Các bậc thang cao hơn của biểu giá sẽ được điều chỉnh với mức độ khác nhau, cao hơn giá thành để đủ bù chéo cho các bậc thang thấp.

Ngoài ra, để tăng cường hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ thu nhập không cao, từ năm 2010, cơ chế giá điện sẽ nghiên cứu áp dụng thêm việc bù giá trực tiếp cho các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 50kWh/tháng theo hoá đơn tiền điện thực tế hàng tháng.

- Điều chỉnh giá giúp xoá bỏ sự bù chéo giữa giá điện sản xuất và sinh hoạt

Về việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, biểu giá mới này (đã có hướng dẫn bởi Thông tư 05/2009/TT-BC) có lộ trình bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng để từng bước xoá bỏ dần bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt. Hơn nữa, với việc áp dụng thống nhất biểu giá điện sinh hoạt bậc thang trong toàn quốc sẽ đảm bảo cho người dân nông thôn được hưởng giá điện một cách công bằng, xoá bỏ tình trạng chính sách bù giá điện không đến được với người tiêu dùng nông thôn mà chỉ mang lại lợi nhuận cho các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn.

Giá bán buôn điện khu vực nông thôn là giá bán tại công tơ tổng, theo đó giá cho 50 kWh đầu tiên là 420đ/kWh và cho kWh từ 401 trở lên giá 1.345đ/kWh (có 7 bậc thang). Sau ngày 31-8, nếu đơn vị kinh doanh điện nông thôn không đáp ứng đủ các điều kiện trên sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, đình chỉ hoạt động để bàn giao cho các Công ty Điện lực tiếp nhận bán điện trực tiếp đến khách hàng sử dụng.

2. Những vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có giá điện hợp lý nhất

Sản xuất điện là một loại sản xuất đặc thù, bởi sản phẩm của nó không thể cất để dành khi sản xuất nhiều và lấy từ kho dự trữ ra để bổ sung khi cung không đủ cầu. Điện lại là sản phẩm mà mọi người, mọi nhà, mọi ngành tiêu dùng, nhưng có lẽ lại là mặt hàng duy nhất, càng dùng nhiều, mua nhiều, càng đắt, không giống nhiều sản phẩm khác: mua nhiều được khuyến mại. Hiện tượng này phản ánh một thực tế là: cung luôn luôn thấp hơn cầu.
Những năm gần đây, nhu cầu dùng điện tăng trung bình khoảng 15%/năm. So với năm 2004, nhu cầu dùng điện năm 2010 sẽ tăng gấp đôi, tới năm 2015 sẽ tăng gấp 3, và tới năm 2020 sẽ tăng gấp 5,5 lần. Tốc độ này còn có thể cao hơn, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn có triển vọng tốt.

Những nét đặc thù đó đang đặt ra những khó khăn trong chính sách phát triển ngành điện của Nhà nước, trong quy hoạch sản xuất điện, thu hút các nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm điện năng...

Kết quả buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 24-2-2009, cũng như qua ý kiến của các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sử dụng nhiều điện, có thể thấy nổi lên một số điều cần quan tâm.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN, triệt để tiết kiệm điện. EVN là đơn vị độc quyền mua và phân phối điện trên cho phần lớn sản lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc.

Bên cạnh những nỗ lực của EVN bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân trong giai đoạn khó khăn về nguồn điện vừa qua, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao trong buổi làm việc với lãnh đạo của EVN tại Văn phòng Chính phủ ngày 24-2-2009, vẫn còn một số công ty điện lực chưa chấp hành nghiêm túc kế hoạch điều độ hệ thống điện; lúng túng trong điều hành khi hệ thống xảy ra tình trạng thiếu công suất và điện năng; khối lượng đầu tư một số đơn vị đạt thấp; tiến độ một số công trình không bảo đảm…

Thủ tướng nhấn mạnh, EVN không đầu tư ra ngoài ngành, mà cần tập trung đảm bảo cân đối đủ điện năng cho đất nước, bằng mọi cách, EVN không được để tình trạng thiếu điện xảy ra. EVN và các bộ chức năng cần rà soát lại tổng sơ đồ quy hoạch điện VI; bảo đảm tiến độ thi công các công trình nguồn điện, nhất là những công trình nằm trong danh mục dự án cấp bách; tách bạch nhiệm vụ của từng đơn vị để khi không hoàn thành có thể quy trách nhiệm rõ ràng; cân nhắc kỹ khi lựa chọn phương án tăng trưởng phụ tải; phân công giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các tập đoàn đầu tư các dự án điện; tập trung đầu tư mạnh hệ thống lưới điện; đẩy nhanh hoàn thành việc tiếp nhận điện lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến các hộ trên toàn quốc; kiên quyết tiến tới cơ chế thị trường điện gắn với hỗ trợ cho hộ nghèo.

Đi liền với việc đẩy mạnh đầu tư các dự án điện phải gắn với tiết kiệm điện tiêu dùng, xây dựng Chiến lược tiết kiệm điện từ các thiết bị dân dụng đến các thiết bị công nghệ.

- Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ lộ trình thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực điện. Để thị trường này vận hành an toàn cần xây dựng cơ sở kỹ thuật, hệ thống văn bản pháp quy rõ ràng. Các chính sách điều hành thị trường cần được cân nhắc thận trọng, tránh những khiếm khuyết, sơ hở để bị lợi dụng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn điện giả tạo, đồng thời, tránh việc giá điện rẻ chỉ làm lợi cho một bộ phận tiêu thụ nhiều điện năng. Có hai tiêu chí quan trọng mang tính sống còn và có giá trị như nhau để tạo ra thị trường điện cạnh tranh là: nhà đầu tư đưa ra giá điện rẻ nhất cho người tiêu dùng; và, đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn./.