Ngày 28-2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Chương trình nhà ở và các giải pháp thực thi hiệu quả”. Cùng dự hội thảo có nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý và đại diện của hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cùng bàn về các chính sách pháp luật, cơ chế tài chính, đất đai, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình nhà ở xã hội.

Những nội dung trọng tâm của hội thảo được tập trung thảo luận là: Làm sao để tăng nguồn cung về nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, người nghèo; những đề xuất mô hình cụ thể phát triển nhà ở cho người tại khu vực đô thị; Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách nào để khuyến khích, phát triển cho người thu nhập thấp …

Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở gần đây tại một số đô thị cho thấy, tuy mỗi năm cả nước có thêm 30 triệu m2 nhà ở, nhưng phần lớn thị trường nhà ở thời gian qua chỉ chú trọng vào nhóm nhà ở cao cấp. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động, công chức, sinh viên.

Hơn 30% hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m², trên10%số hộ ở trong những căn nhà tạm bợ, chỉ có 25% hộ gia đình có nhà kiên cố. Không ít hộ gia đình thu nhập thấp phải tận dụng không gian nhà ở chật hẹp của mình để làm dịch vụ mua bán. Trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, ngân sách nhà nước chưa đủ khả năng để xây dựng nhà ở cho tất cả các đối tượng thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở khu vực đô thị. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để giải quyết được vấn đề bức xúc đó, không chỉ cần những chính sách, cơ chế liên quan đến nhà ở mà phải có sự chung tay của các cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính và đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư bất động sản.

Các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn để xây dựng các khu nhà ở giá rẻ, chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhất là trong điều kiện thị trường nhà ở giá cao đang “tạm đóng băng” thì các doanh nghiệp cần điều chỉnh phân khúc thị trường để tận dụng thời điểm giá vật liệu xây dựng giảm, giá nhân công rẻ, cũng như hưởng ứng chương trình xây dựng nhà ở xã hội của Chính phủ, để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở giá vừa phải.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đã đưa ra những giải pháp phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản nêu ý kiến: Đối với các đối tượng thu nhập thấp là cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách thì Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua; đồng thời nghiên cứu cơ chế nhà giá thấp có diện tích trung bình và nhỏ để bán trả góp. Đồng thời cần phải xác định rõ quỹ đất để xây dựng nhà cho từng loại đối tượng ngay khi lập quy hoạch; các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, kiến trúc nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều ý kiến đều thống nhất việc tạo lập nhà ở cho sinh viên, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, do đó Nhà nước phải là lực lượng tiên phong trong công việc bức xúc này, để có quỹ “đất sạch”, Nhà nước phải đứng ra đền bù giải tỏa…

Ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp ngoài những kiến nghị với Nhà nước về cơ chế chính sách cũng đã đưa ra những dự tính, dự báo có tính khách quan: thị trường bất động sản đang trong giai đoạn vượt qua khó khăn, hiện nay đang là thị trường “3 giảm”: giá giảm, sức mua giảm và giao dịch giảm, nhưng gần đây có những tín hiệu vui từ thị trường, đó là có nhiều dự án đã bán hết, mà chủ yếu những dự án giá thấp được bán rất nhanh.
 
Từ cách nhìn lạc quan như vậy, có ý kiến cho rằng mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua có ảm đạm nhưng vẫn còn một “điểm sáng” của thị trường đó là nhà giá thấp trong khoảng từ 5-10 triệu/m² đất ở sẽ bùng lên. Như vậy, dự báo sẽ có sự bùng phát của thị trường nhà ở giá thấp. Vì thời gian qua, Nhà nước có chủ trương nới lỏng việc cho vay của ngân hàng thông qua chương trình kích cầu về nhà ở của Chính phủ. Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu tư hiện nay không nhiều vì thị trường chứng khoán đã xuống quá thấp, đầu tư vào căn hộ cao cấp lợi nhuận không còn thì các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư vào nhà ở giá thấp. Xét về khía cạnh cầu, người dân luôn luôn mong muốn có nhà, nên “cái cầu” đó không bao giờ cạn.

Tại cuộc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công chức và nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp là rất lớn và hết sức bức xúc. Hiện cả nước có gần 2 triệu cán bộ công chức, 2/3 cán bộ công chức có nhà riêng, trong đó 40% là nhà bán kiên cố và 5% là nhà tạm. Còn lại, khoảng 1/3 cán bộ công chức chưa có nhà, phải ở nhờ nhà bố mẹ, anh em. Tại các khu công nghiệp có khoảng 1 triệu lao động, 70% là lao động nhập cư, trên 90% là thuê nhà trọ, chỉ khoảng 5-7% là được sống trong các nhà trọ do doanh nghiệp xây dựng.

Theo ông Mai Đức Chính, giải pháp để phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng trên là, Nhà nước phải có quỹ “đất sạch” được hình thành từ đất công hoặc Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó cho doanh nghiệp thuê với mức ưu đãi và thời gian kéo dài từ 20 năm trở lên thì các doanh nghiệp mới “mặn mà” tham gia và có thể hạ giá thành sản phẩm.
 
Riêng về phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, các vấn đề về cơ chế nhà nước, trong đó có đất đai sẽ được cải tiến, theo đó, sẽ rút ngắn thủ tục hành chính xuống còn 3 bước; các quy trình về xây dựng cũng đang được chỉnh sửa ...
 
Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị các giải pháp để rút ngắn thủ tục thẩm định dự án, thủ tục giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ bàn với các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được vay tiền với lãi suất thấp và thời gian trả nợ được kéo dài hơn nhằm “kích cầu” thị trường nhà ở giá rẻ./.