Tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, chiều 13-9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11) và dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Cần bao quát tất cả các tổ chức, cá nhân lập, quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 387/2003/UBTVQH11 để sửa đổi các quy định không còn phù hợp; khắc phục các hạn chế về quy trình, thủ tục báo cáo, tài liệu trình kèm theo báo cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, hệ thống mẫu biểu, thông tin tài chính - ngân sách... và bổ sung quy định mới để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nNhà nước năm 2015.

Đồng thời, các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết cần bao quát được tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia lập, quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước; xác định nội dung, quy chế trong quá trình lập, thẩm tra.

Thể hiện sự tán thành với kết cấu mới của dự thảo Nghị quyết sau khi được tiếp thu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với tên gọi của Nghị quyết như Chính phủ trình là: “Nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm”.

Bên cạnh đó, các các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, sửa đổi cho thống nhất với hệ thống luật pháp hiện hành như Hiến pháp năm 2013, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức Quốc hội và các Luật có liên quan khác để bảo đảm tính cụ thể và khả thi.

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung của Nghị quyết còn chung chung, có nhiều điều khoản thể hiện nguyên nội dung của Luật Ngân sách nhà nước vào Nghị quyết, vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa đổi cho phù hợp.

Một số ý kiến kiến nghị đây là dự thảo Nghị quyết về quy chế lập dự toán ngân sách Nhà nước, do đó cần bổ sung về nguyên tắc lập, thẩm tra, quyết định ngân sách địa phương, cụ thể hóa chi tiết và giao cho Chính phủ quy định chi tiết bằng Nghị định.

Bên cạnh kế hoạch tài chính 5 năm, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy trình lập, thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Ủy ban của Quốc hội trong việc lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, hoàn thiện Tờ trình, báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng ý về nguyên tắc về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên

Cho ý kiến về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước từ năm 2017, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg, ngày 30-09-2010, của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; đồng thời nhấn mạnh, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ban hành theo Quyết định số 59 đến năm 2016 đã hết hiệu lực thi hành.

Vì vậy, cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chỉ thường xuyên của ngân sách nhà nước, áp dụng cho thời kỳ ổn định mới từ năm ngân sách 2017, nhằm khắc phục các tồn tại hiện có, đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Thể hiện sự cơ bản thống nhất về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại nội dung Tờ trình theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội liên quan đến chi thường xuyên; tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó cần chú ý về việc chi cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, tỷ lệ chi lương và các khoản chi khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn nghèo đa chiều, dân số,...

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các nguyên tắc: bảo đảm tính hiệu quả cho đầu ra và tinh giản biên chế; giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước từ năm 2017; giao cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, hoàn thành dự thảo nội dung Nghị quyết, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua theo đúng quy trình,.../.