TCCSĐT - Ngày 22-8-2016, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có hơn 150 đại biểu đại diện lãnh dạo Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2010 - 2016, vùng đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng để thực hiện 46 dự án hạ tầng giao thông vận tải. Đến nay, về đường bộ đã cơ bản hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng khung trên các trục dọc, trục ngang theo quy hoạch chung về phát triển giao thông vận tải của vùng. Mạng lưới đường thủy nội địa được quan tâm đầu tư, đặc biệt là việc hoàn thành Dự án hai tuyến đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau và Hà Tiên (Dự án WB3) và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (WB5) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong lĩnh vực hàng không, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang). Trong lĩnh vực hàng hải, đã hoàn thành việc xây dựng cảng biển An Thới (Phú Quốc), Dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu; nạo vét luồng Định An - Cần Thơ, nâng cấp một số bến cảng nội địa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu tại hội nghị, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tồn tại nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng. Cụ thể là:

Việc xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ triển khai quá chậm, gây nhiều khó khăn về giao thông vận tải trên trục đường bộ huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng mức đầu tư cho giao thông đường bộ giai đoạn 2010 - 2015 tuy có tăng so với trước nhưng do nền đất yếu, suất đầu tư cao hơn mức bình quân chung của cả nước nên chất lượng và mật độ đường giao thông/1km2 của đồng bằng sông Cửu Long rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.

Hệ thống logistics yếu kém, hầu như chưa hình thành. Hệ thống cảng biển đã hình thành cơ bản nhưng quy mô, năng lực còn hạn chế; nhiều cầu trên các trục đường bộ đến các cảng bị hạn chế tải trọng nhưng chưa được nâng cấp gây trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa nội vùng. Gần 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải thông qua hệ thống cảng ở vùng Đông Nam Bộ.

Chưa phát huy hết năng lực của hệ thống đường thủy nội địa. Sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải thủy và bộ còn kém do hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, luồng tuyến giao thông thủy nhiều nhưng không đồng cấp, thiếu hệ thống báo hiệu - công nghệ định vị hỗ trợ vận tải thủy vào ban đêm.

Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải đầu tư phát triển để tăng khả năng kết nối trong vận tải đường thủy nội địa toàn vùng. Chưa có một cơ chế cụ thể về huy động nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cho các địa phương vùng Tây Nam Bộ,...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thời gian qua đã tích cực phối hợp trong triển khai thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để sớm khắc phục những bất cập về giao thông vận tải của vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành hữu quan tăng cường phối hợp để xây dựng và triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kết cấu hạ giao thông vận tải và Kế hoạch phát triển hệ thống logistisc vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng rà soát đưa các dự án vào Kế hoạch đầu tư công 2016 - 2020 theo thứ tự ưu tiên từ các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn từ các chương trình mục tiêu để giải quyết bài toán đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long. Về đường bộ, Phó Thủ tướng lưu ý cần quan tâm một số dự án trọng yếu như: Nâng cấp tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; Hoàn thiện Quốc lộ 60 nối các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; xây dựng cầu Đại Ngãi nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng; xây dựng cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường Nam sông Hậu nối Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu; Nâng cấp quốc lộ 91C kết nối đến biên giới Cam-pu-chia; Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc Lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn; xây cầu Mỹ Thuận 2; xây dựng tuyến đường nối thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) với - thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu); triển khai xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Về vận tải thủy, cần quan tâm nghiên cứu việc xây dựng cảng nước sâu tại Hòn Khoai để tăng năng lực vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng. Về phát triển hệ thống logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sớm tổ chức hội nghị thu hút các nhà đầu tư logistics trên địa bàn nhằm tìm các nhà đầu tư chiến lược cho lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần phối hợp nghiên cứu, đề ra các cơ chế, chính sách đặc thù có tính ưu đãi, khuyến khích, tạo nhiều điều kiện và môi trường thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, logistics cho vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu quan trọng là sớm tạo ra một hệ thống giao thông vận tải có tính kết nối cao trong nội vùng và giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ để tăng cường tính liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu./.